11/09/2006 04:37 GMT+7

Vụ việc nghiêm trọng, xử lý dây dưa

PHAN SÔNG NGÂN - VÕ HỒNG QUỲNH
PHAN SÔNG NGÂN - VÕ HỒNG QUỲNH

TT - Từ năm 2003 đến nay, khu vực Sông Lô - vùng kinh tế mới thuộc xã Phước Đồng, TP Nha Trang - đã đón tới năm đoàn của trung ương về kiểm tra, thanh tra để giải quyết những bức xúc, khiếu nại, tố cáo của công dân...

MtdtTSTH.jpgPhóng to

Một góc khu đất tái định cư Vườn Dừa - Sông Lô ở mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành đã cấp cho 23 quan chức đến nay vẫn còn bỏ hoang - Ảnh: P.S.N.

TT - Từ năm 2003 đến nay, khu vực Sông Lô - vùng kinh tế mới thuộc xã Phước Đồng, TP Nha Trang - đã đón tới năm đoàn của trung ương về kiểm tra, thanh tra để giải quyết những bức xúc, khiếu nại, tố cáo của công dân...

Cán bộ được đền bù cao gấp 4-5 lần...

Tháng 3-2001, theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên-môi trường), Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thu hồi và cho Công ty TNHH Hoàn Cầu thuê hơn 170,8ha đất tại xã Phước Đồng để lập dự án kinh doanh khu du lịch và giải trí (KDL&GT) Sông Lô.

Có 218 hộ dân tại Sông Lô đã bị tỉnh thu hồi đất để giao cho Hoàn Cầu. Thế nhưng theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), việc bồi thường, thu hồi đất của dân đã không được thực hiện một cách công bằng, đúng qui định pháp luật. Giá qui định đền bù của tỉnh ban đầu đưa ra rẻ mạt, sau đó mới tăng lên theo kiểu “nhỏ giọt”... Trong khi Công ty TNHH Hoàn Cầu thì thực hiện đền bù theo kiểu “thỏa thuận ngầm” cho 33 trường hợp. Hầu hết quan chức và một số đối tượng được đền bù theo kiểu này đều đã được “hưởng” giá rất cao, gấp 4-5 lần mức đền bù cho dân. Theo TTCP, việc đa số người dân cho rằng đất của dân thì bị thu hồi và bồi thường với giá rẻ mạt, còn đất của quan thì được Công ty TNHH Hoàn Cầu mua giá cao là “có căn cứ”.

Việc chính quyền tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất của dân nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, mà chỉ ra thông báo rồi tiến hành thu hồi, theo đoàn TTCP, là không tuân thủ đúng qui định pháp luật và là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người dân thực hiện quyền khiếu nại theo luật định... Nhiều hộ không chấp hành các “thông báo thu hồi đất” không đúng thủ tục đó thì lại bị UBND tỉnh Khánh Hòa “ủy quyền” cho UBND TP Nha Trang ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế, dỡ nhà để lấy đất. Tổng cộng đến nay, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang Mai Xuân Hưng đã ký ban hành tới 29 quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân ở Sông Lô.

Trong khi đó, việc triển khai xây dựng khu tái định cư của tỉnh Khánh Hòa cho người dân bị giải tỏa ở Sông Lô lại không đồng bộ, kịp thời... Theo báo cáo của đoàn TTCP, cho đến nay UBND TP Nha Trang chỉ mới ban hành 55 quyết định giao đất tái định cư. Trong đó có 31 lô nằm ở mặt tiền đại lộ Nguyễn Tất Thành, có diện tích 200m2 trở lên, thì đã cấp hết 23 lô cho quan chức của tỉnh và TP Nha Trang...

“Tái định cư” sai qui định!

Khi tỉnh Khánh Hòa vừa mới tiến hành qui hoạch khu tái định cư tại Vườn Dừa (Sông Lô) nhằm thực hiện tái định cư cho các hộ dân đã bị giải tỏa, giao đất cho Công ty Hoàn Cầu thì vào ngày 31-7-2002 Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành chủ trương “đồng ý giải quyết để lại 200m2/hộ cho 23 cá nhân ở khu Vườn Dừa (ưu tiên cho họ chọn vị trí đất)...”. Đó chính là 23 quan chức của tỉnh và TP Nha Trang.

Chưa đầy hai tháng sau đó, mặc dù các quan chức đã nêu còn chưa kịp làm đơn xin giao đất “tái định cư”, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo (23-9-2002) chỉ đạo UBND TP Nha Trang thực hiện các thủ tục giao đất cho họ theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy đã “quyết”...

Việc tỉnh ủy ban hành chủ trương và tỉnh đã cấp đất tái định cư cho 23 quan chức kể trên, theo TTCP, là trái pháp luật. Bởi các quan chức ấy đều không thuộc đối tượng được qui định giao đất tái định cư theo nghị định của Chính phủ và quyết định của chính UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành. UBND TP Nha Trang giao đất cho 23 quan chức đã nêu cùng với hỗ trợ giống, tiền công phát dọn để trồng rừng PAM tại Vườn Dừa (Sông Lô) sau khi đã có quyết định của Bộ Xây dựng vào tháng 4-1992 phê duyệt qui hoạch khu vực Sông Lô được dành làm khu du lịch, là trái thẩm quyền và qui định của Luật đất đai.

Do đó, theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh, UBND TP Nha Trang đã phải hủy bỏ quyết định giao đất đó và chỉ cho phép tiếp tục canh tác cho đến khi có qui hoạch sử dụng đất của tỉnh. Vậy mà đến tháng 10-2002 khi thu hồi lại gần 4,23ha đất trồng rừng chỉ tạm giao đó, tỉnh Khánh Hòa đã “bồi thường” tổng cộng tới hơn 475,87 triệu đồng, bình quân mỗi quan chức “trồng rừng PAM” đã được bồi thường hơn 20 triệu đồng, cao gấp hơn chín lần giá đền bù cho dân (chỉ 1.250 đồng/m2). Đã vậy họ lại còn được ưu ái cấp thêm đất “tái định cư” tại Vườn Dừa... Mặc dù tất cả đều đã có nhà cửa đàng hoàng và có hộ khẩu thường trú tại trung tâm TP Nha Trang!

Ngay chính bản thân bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc đó là ông Nguyễn Văn Tự cùng bốn quan chức khác cũng đã được phê duyệt cấp đất tái định cư tại Vườn Dừa mặc dù đất trồng rừng PAM (như kể trên) của những người này đều không thuộc diện bị thu hồi trong dự án KDL&GT Sông Lô. Ngày 24-12-2003, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc đó là ông Phạm Văn Chi đã có bút phê: “Cấp 200m2/hộ đường 13m như các hộ khác” cho bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Tự và bốn quan chức đã nêu.

Xử lý nhẹ nhàng và dây dưa...

Về vấn đề xử lý sai phạm trong việc đã cấp đất “tái định cư” trái pháp luật cho 23 quan chức của tỉnh Khánh Hòa tại Vườn Dừa (Sông Lô), báo cáo của cả hai đoàn TTCP gần đây nhất đều kiến nghị: phải bỏ quyết định và kiên quyết thu hồi lại đất “tái định cư”.

Thế nhưng, chiều 31-8-2006, phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi cho biết tới nay UBND tỉnh chỉ mới tiến hành bốn cuộc họp để xem xét việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp liên can đến sai phạm tại Sông Lô. Cụ thể là đã thực hiện một số nội dung, khắc phục sai phạm của phía Công ty TNHH Hoàn Cầu... Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể và đã kỷ luật một số cán bộ, nhân viên của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong đó, chủ tịch UBND tỉnh đã khiển trách ba cán bộ cấp giám đốc, phó giám đốc sở. Còn các đơn vị đã cảnh cáo hai cán bộ cấp trưởng phó phòng và chuyên viên, một số trường hợp khác thì đã bị khiển trách...

Tuy nhiên, đơn vị có nhiều liên quan đến các sai phạm trong việc thu hồi đất của dân; tiến hành hàng loạt cuộc cưỡng chế; giao đất trồng rừng PAM và thực hiện chủ trương cấp đất “tái định cư” cho 23 quan chức... là UBND TP Nha Trang thì vẫn chưa có báo cáo và đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, quan chức vi phạm ở đơn vị này... Theo ông Võ Lâm Phi, việc xử lý dứt điểm các sai phạm tại Sông Lô cũng như giải quyết những vấn đề còn tồn tại, liên quan đến quyền lợi của những hộ dân đã bị giải tỏa, thu hồi đất, còn đang khiếu nại... “vẫn còn phải chờ báo cáo đề xuất của UBND TP Nha Trang” thì tỉnh mới tiến hành xử lý được...(?!).

Ông Võ Lâm Phi cho biết sẽ yêu cầu các cán bộ đã được giao đất tái định cư tại Vườn Dừa (Sông Lô) phải nộp bổ sung tiền đúng theo giá thị trường vào thời điểm giao đất cho họ trước đây. “Vì thực tình mà nói thì nếu phải thực hiện hủy bỏ quyết định, thu hồi đất tái định cư đã cấp và nhiều người đã bán, thì chắc chắn sẽ còn nảy sinh rất nhiều hệ quả phức tạp khác...”. Vậy còn với nhiều hộ dân ở tại Sông Lô đã bị cưỡng chế mất nhà, bị thu hồi hết đất đai và còn chưa được tái định cư... thì bao giờ mới được giải quyết “có lý, có tình” và giải quyết theo cách nào?

PHAN SÔNG NGÂN - VÕ HỒNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên