Vụ PMU 18 trở nên "siêu án" với nhiều sai phạm được coi là cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả "thương hiệu "quốc gia, làm xói mòn, lũng đoạn không ít cán bộ cấp cao. Mất niềm tin nghiêm trọng trong đại bộ phận người dân, cán bộ có tâm huyết. Vậy mà khi nại lý do từ chức, ông Bình vẫn cứ "vớt vát" một số nguyên nhân không đáng phải từ nhiệm, dù ông biết rõ, nếu không từ chức cũng sẽ bị cách chức.
Hơn cả tháng nay, đâu đâu người ta cũng bàn tán quanh chuyện "Pờ-Mu 18", điều đó chứng tỏ người dân càng trở nên quan tâm hơn đến thời cuộc, tới vận mệnh của cả một dân tộc. Những người hiểu biết càng có cái nhìn sâu sắc hơn, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Lộ trình dân chủ có thể bắt đầu từ những câu chuyện bàn tán. Niềm tin vào Đảng, Nhà nước mạnh hay không là thông qua những lúc cần nói thật nhất của những đảng viên sai phạm. Tiếc rằng, niềm tin đó gần như ngày một suy giảm, mai một theo cái kiểu "vớt vát" như... nguyên Bộ trưởng Đào Đình Bình.
Tôi nghĩ nhà nước ta cần có chính sách cải cách trên rất nhiều mặt, bởi tình hình hiện nay cho thấy rất rõ sự xuống cấp trầm trọng về trách nhiệm cũng như đạo đức, nhân cách của một số quan chức... to. Chỉ riêng ngành giao thông vận tải thôi thì dân cũng đã thấy bất mãn. Tôi tự hỏi nếu công an không tìm thấy những dữ liệu trong máy tính của Bùi Quang Hưng, thì liệu hôm nay có nhiều quan chức của chúng ta - những người đại diện để mang quyền lợi đến cho nhân dân, phải bị đình chỉ chức vụ rồi bị mới đến cơ quan điều tra không? Hay tất cả cứ bình chân như vại, mọi việc cứ thế lại tiếp diễn...
Lại thêm những con đường chờ lún, những công trình cầu đường bị rút ruột... và ngành cảnh sát giao thông lại phải vất vả giải quyết các vụ tai nạn mà không thể giải thích tại sao tai nạn tăng nhiều đến thế khi mặt bằng dân trí càng ngày càng được nâng cao (theo các chính sách phổ cập giáo dục), ngân sách chi cho sửa chữa, nâng cấp cầu đường là con số không hề nhỏ. Các nguồn viện trợ thì không trả, vốn vay là phải trả thế thì ai trả số nợ đó đây? Các vị quan chức chúng ta hay nhân dân?
Đúng là không phải tiền mồ hôi nước mắt làm ra thì không tiếc, vung tiền như rác. Thế ai phải chịu trách nhiệm đây? Một văn bản đình chỉ công tác, một lá đơn từ chức - đúng là người dân đang mong thế, nhưng tôi tự hỏi rằng TỪ CHỨC có nhẹ nhàng quá không? Có đồng nghĩa với phủi bỏ trách nhiệm không? Và thật khó khăn cho những ai phải giải quyết những gì các "quan" trước đã làm.
Làm quan thật khó, không phải ai cũng làm được. Mà làm quan thế nào cho liêm khiết, nhân cách được nhân dân kính trọng thì lại vô cùng khó. Đến thanh tra chính phủ còn có vị phải ngồi tù nữa là. Chết thì dễ, nhưng sống để có được niềm tin từ người thân, bạn bè, nhân dân, để họ hàng được tiếng thơm thì không dễ tí nào. Không biết người thân của các vị đã bị cơ quan công an sờ gáy có thấy tủi hổ không? có thể có cuộc sống bình thường được không?
Điều tôi mong chờ từ vụ án này không chỉ là một là đơn xin từ chức hay hình phạt đích đáng với những cá nhân có liên quan mà còn là sự nhìn nhận có trách nhiệm (một từ quá dễ nói) và hành động có năng lực và nghiêm túc thật sự trong quản lý nhà nước.
Tôi nghĩ đây chưa phải đã là điểm kết thúc của vụ án này. Là một công dân bình thường, tôi không thể nào có thể tin được vụ việc sai phạm đến mức này mà nó vẫn tồn tại trong nhiều năm? Tôi sắp vào Đảng, tôi được trau dồi kiến thức về Đảng... nhưng qua chuyện này tôi thấy đó chỉ là "lý thuyết". Những người có trách nhiệm trong chuyện này đâu? Trong khi Nhà nước thì ra hết trái phiếu, cổ phiếu để thu hồi vốn... lấy nguồn vốn để đầu tư, xây dựng... Như thế này thực chất là gom vốn để cho các "đại gia lớn nhỏ" ăn chơi thì có? Đường sá, cầu cống thì chưa làm đã hỏng, đã hư. Sửa chưa xong chỗ này chỗ kia đã hỏng. Thật không thể tin nổi! Sau vụ việc cá độ, đến vụ việc này... rồi còn đến vụ nào nữa, tôi cùng các bạn còn chờ xem nha!!!
Cái "tâm" nào cho tương lai Việt Nam?
Những ngày gần đây, mỗi ngày đọc được một tin về Bùi Tiến Dũng, tôi chỉ biết dùng 2 từ "phẫn nộ" và tôi tự hỏi tương lai nào cho Việt Nam của chúng ta nếu còn tồn tại những loài sâu mọt như thế? Mỗi lần bước ra đường tôi dám chắc rằng nếu bạn không gặp ít nhất một người bán hàng rong thì là một người bán vé số. Và chắc có lẽ bạn cũng đã từng một lần xem chương trình "Vượt lên chính mình" của Đài Truyền Hình TP.HCM... Chi phí cho một cuộc ăn chơi của Bùi Tiến Dũng có lẽ là một gia tài không dám ước mơ của những gia đình này, những con người này? Logic nào ở đây? Và những kẻ lãnh đạo như Bùi Tiến Dũng sẽ mang đến tương lai nào cho những con người nghèo khổ khốn cùng này?
Báo chí dùng từ "sai phạm" để nói đến những con người như Bùi Tiến Dũng nhưng tôi thấy đây không phải là "sai phạm" mà là "tội ác", tội ác của những kẻ vì lợi ích riêng mà làm cản trở những bước tiến của cả một dân tộc. Tội ác vì với trách nhiệm thiêng liêng là một người lãnh đạo mà chỉ biết phá hoại, bòn rút. Hãy thử nhìn Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan... bạn có đau lòng không khi nghĩ đến Việt Nam? Và tại sao cho đến giờ này Việt Nam vẫn chưa phát triển được như họ... thì những kẻ sâu dân mọt nước như Bùi Tiến Dũng là một trong những nguyên nhân chính.
Trong những ngày này, có vẻ "lòng tin" trở thành điều xa xỉ... cứ nhắc đến những người quyền cao chức trọng người ta chỉ nghĩ đến "tiêu cực". Tuy nhiên tôi nghĩ những người Việt Nam khác nữa vẫn chưa hết hi vọng. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi những hình phạt thích đáng cho những kẻ như Bùi Tiến Dũng và nhất là mong chờ những con người có cái tâm đồng sức chung lòng mang đến cho Việt Nam một tương lai tươi sáng....
Tôi đọc bản tin trên báo Tuổi trẻ Online hôm nay về vụ PMU18 cũng như những diễn biến về việc từ chức của ông Bộ trưởng Bộ GTVT mà lòng cảm thấy hụt hẫng. Phải chăng tất cả vì đồng tiền mà người ta có thể làm tất cả những chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra ở nước Việt Nam ta? Nhưng sự thật thì nó đã xảy ra và mức độ thì còn nghiêm trọng hơn cả trí tưởng tượng của những tiểu thuyết gia, đem cả sinh viên vào phục vụ trong những cuộc đỏ đen với những trò đồi bại không tưởng!!.
Tôi thật hân hoan khi nghe tin ông Bình xin từ chức sáng nay. Nghe như trút được gánh nặng ở trong óc mình. Rõ ràng là, dưới sức mạnh của quần chúng nói chung, các cơ quan truyền thông nói riêng, chúng ta đã đạt được một thắng lợi có thể nói là chưa từng có. Thắng lợi đó là do có sự khởi đầu của báo chí, đánh động sự quan tâm dư luận, dẫn tới áp lực trực tiếp khiến ông Bình phải từ chức. Sự việc này, theo tôi, đưa ngành báo chí Việt Nam lên một tầm cao mới. Riêng về ông Bình, từ chức không thôi chưa đủ, xem xét trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại là bước kế tiếp. Mong các báo tiếp tục công cuộc chống tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận