Vũ Nhật Tân: "Giao hưởng cải lương"
TTO - Một buổi trưa cách đây năm năm, tôi đang nằm mơ màng trên giường... bỗng từ chiếc máy hát đĩa của bố tôi vang lên tiếng nhạc réo rắt. Nhạc dồn dập lôi tôi đi thật nhanh vào cánh đồng vô tận... nhạc nhẹ nhàng khoan thai, đưa tôi trôi bồng bềnh trên sông...
Tôi bật dậy: “Bố ơi, nhạc gì thế?”. “Nhạc tài tử Nam bộ đó con”. Khi yêu người ta sẵn sàng sống hết mình cho tình yêu.
Theo học Nhạc viện, Vũ Nhật Tân có lợi thế tìm hiểu phong trào ca nhạc tài tử, sau phát triển thành âm nhạc cải lương. Tân đã tìm đọc từ những quyển sách tìm hiểu âm nhạc cải lương, bài bản cải lương (của Đắc Nhẫn, Ngọc Thới), đến những bài báo, công trình nghiên cứu về nhạc cải lương.
Tân ngồi lặng hàng giờ thưởng thức các bản độc tấu, hòa tấu của cải lương qua băng, đĩa. Anh vẫn nghe quen và phân biệt được các ngón đờn bậc thầy của Văn Vĩ, Văn Giỏi, Tư Chơi... Anh thấm thía nhận ra giai điệu nhạc cải lương rất độc đáo và chiếm ưu thế trong lối hòa tấu nhạc dân tộc. Các bè hòa tấu độc lập nhưng vẫn hòa trộn với nhau thành một khối thống nhất. Và anh bắt đầu mày mò sáng tác những bản hòa tấu ngắn.
“Ở trường tôi được tham gia nhiều cuộc trao đổi với các giáo sư âm nhạc Pháp, Đức, Anh, Úc... Các vị ấy nhận xét giống nhau quá: thế giới hiện nay đang đưa nhạc dân tộc thành nhạc bác học. Tôi rất thấm ý giáo sư Tôn Thất Tiết (hiện đang sống ở Pháp): “Ta càng làm nhạc dân tộc thì ta lại càng khỏe. Và Tây càng hiện đại thì càng gần ta”.
Đất nước mình có hơn 60 sắc tộc, hơn 60 nguồn nhạc phong phú. Đâu có ai ngáng trở mình tạo thế mạnh riêng bằng cách đưa nhạc dân tộc vào nhạc giao hưởng? Nhạc sĩ Nguyện Thiện Đạo ở Pháp há chẳng từng nổi tiếng bằng một tác phẩm đậm đà chất dân tộc, nói về cuộc chiến anh hùng của du kích Củ Chi đó sao?”.
Có người nghe ước muốn của Tân đã kêu lên: “Ôi, chuyện mộng mơ”. Nhưng Tân lại tin đó là một khả năng trong tầm tay với tới. Anh đang học năm thứ hai Nhạc viện Hà Nội, khoa lý luận - sáng tác. Một giáo sư Pháp đã xin anh một bản độc tấu piano. Một giáo sư Hong Kong đã đem về nước bản tứ tấu đàn của anh.
Một số bản hòa tấu nhạc dân tộc của anh đã được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng... Năm 1992, anh đã đoạt giải thưởng hòa tấu nhạc dân tộc với sáng tác dành cho năm loại nhạc cụ: sáo, nhị, nguyệt, tranh, bộ gõ. Tân vừa gửi một tác phẩm tham dự cuộc thi giải thưởng âm nhạc giao hưởng quốc gia 1993. Chàng trai Bắc bộ này tiết lộ: “Trong tác phẩm đó có tiếng nhạc cải lương Nam bộ ngân vang”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận