Đối với những người đã từng hoài nghi về các động cơ thương mại của Mỹ trên khắp thế giới, vụ đánh thuế tôm cao nhằm vào nông dân các nước là một bằng chứng xác thực của việc Washington dùng những qui tắc thương mại của mình để phá vỡ niềm tin về toàn cầu hóa mà Mỹ thường xuyên rao giảng: thị trường tự do sẽ tưởng thưởng cho những nhà sản xuất hiệu quả nhất, những nhà sản xuất kém hiệu quả nhất sẽ bị loại ra, giúp giảm bớt đói nghèo ở các nước đang phát triển và làm lợi cho người tiêu dùng khắp nơi. Cuộc chiến giá tôm là một vấn đề đặc biệt gây quan tâm tại VN, một nước đang mở rộng cửa cho các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài trong nhiều lĩnh vực và bỏ bớt cơ chế kiểm soát nhà nước ở nhiều ngành nghề. "VN đang nỗ lực làm theo lời khuyên của chúng tôi và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp" - ông Frances Zwenig, cựu trợ lý trưởng của thượng nghị sĩ John Kerry, nói. "Nhưng khi họ làm theo, chúng ta lại trừng phạt họ: đó là một bài học thật sự tai hại"...Nếu như ba triệu người VN hiện đang làm việc trong ngành tôm gánh chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc tranh chấp thương mại này thì khoảng 13.000 ngư dân Mỹ sẽ là những người được lợi nhất.
Theo một điều luật vô cùng bất thường được Mỹ thông qua năm 2000, các nhà sản xuất Mỹ có đủ tư cách để tiến hành đề xuất các khoản thuế đánh vào hàng nhập khẩu. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tuyên bố điều luật này phi pháp và thậm chí còn cho rằng các đối tác thương mại lớn của Mỹ có thể đặt ra các khoản thuế để trừng phạt đáp trả các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ. Để tạo cơ sở pháp lý đánh thuế tôm VN, Mỹ đã dựa vào một lập luận cho rằng VN "không có nền kinh tế thị trường". Khái niệm kỹ thuật này được hình thành từ thập niên 1970 để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước những chiếc xe chơi golf rẻ tiền từ Ba Lan. (Với lý do đó) Mỹ đã chọn Bangladesh để so sánh và xác định giá thành sản xuất tôm "thật sự" của VN là bao nhiêu.
Để tính mức thuế đánh vào tôm VN, các quan chức Mỹ sử dụng những loại chi phí như nhiên liệu và vận chuyển ở Bangladesh, trong một số trường hợp là các dữ liệu cũ đến năm năm trước, và xem đây cũng là chi phí tại VN. "Quá trình này (thẩm định chi phí sản xuất tôm) có nét hoang đường, phi thực tế và mang đến cho Mỹ sự tự do thái quá khi nhìn vào mọi thứ" - ông Gary Hufbauer, một chuyên gia thương mại thuộc Viện Kinh tế quốc tế, nhận xét. Ông Hufbauer cho rằng tiến trình mà Mỹ theo đuổi vụ kiện giá tôm là lỗi thời và không công bằng.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng sai lầm chính của khái niệm "không phải nền kinh tế thị trường" là việc không thừa nhận những thay đổi lớn lao của VN từ thời đổi mới. Ngày nay, giá cả và tiền lương trong ngành sản xuất tôm của VN có thể dễ dàng được biết rõ.
Ngay cả Bộ Thương mại Mỹ trong lần phán quyết sơ khởi dường như đã thừa nhận khuynh hướng thị trường của ngành tôm VN khi bộ này thấy rằng nhiều nhà xuất khẩu tôm VN thật ra thương lượng giá cả "độc lập với chính phủ và không có sự chấp thuận của một nhà chức trách nào".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận