![]() |
Các bị cáo tại phiên tòa |
Tại phiên tòa, mặc dù hầu hết đại diện của các gia đình có người bị hại đều xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo, nhưng tòa đã tuyên mức án 15 năm tù giam đối với Nguyễn Minh Mậu và 14 năm tù giam đối với Nguyễn Xuân Quý, là mức cao nhất trong khung hình phạt qui định tại điều 212 về tội “Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” và điều 215 về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy” của Bộ luật hình sự.
Cùng với mức án tù trên, tòa tuyên hai bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 415 triệu đồng (trong tổng số tiền 2,3 tỉ đồng mà trước đó các gia đình đã đòi bồi thường) cho gia đình các nạn nhân về tổn thất tinh thần và mai táng phí. Ngoài ra, hai bị cáo còn phải đóng tiền cấp dưỡng hàng tháng ở mức 150.000 đồng để nuôi mẹ già (đến khi chết) và con nhỏ (đến khi hết 18 tuổi) của các nạn nhân.
![]() |
Đông đảo người đến dự phiên tòa |
Với các cơ quan, đơn vị và cá nhân (mà người dân Quảng Hải vẫn gọi là "cấp trên") liên quan đến an toàn giao thông đường thủy, tòa chỉ đề nghị xem xét trách nhiệm.
Nhiều người dân dự khán phiên tòa hai ngày qua đều tỏ ra không hài lòng khi đến nay, các “cấp trên” vẫn chưa bị mức kỷ luật phù hợp với trách nhiệm (hiện chỉ có chủ tịch UBND xã Quảng Hải Đoàn Xuân Thiện và trưởng công an xã Cao Xuân Mầy bị cảnh cáo)...
-----------------------------------------------------
Dù nỗi đau chưa lành, gia đình 42 nạn nhân vẫn đề nghị tòa khoan hồng cho anh em người lái đò, nhiều người còn rút lại yêu cầu bồi thường.
![]() |
Anh em chủ đò Quý, Mậu ân hận trước vành móng ngựa |
Vụ chìm đò trên sông Gianh ngày 30 Tết nguyên đán Kỷ Sửu đã làm 42 người chết, 11 người bị thương. Sau bảy tháng, TAND tỉnh Quảng Bình đã đưa vụ án ra xử lưu động ở xã Quảng Phong (Quảng Trạch), một xã nằm ở tả ngạn sông Gianh, ở phía bắc của cây cầu Quảng Hải đang được hối hả hoàn tất những công đoạn cuối để kịp đưa vào sử dụng trước ngày 2-9.
Tại phiên xử, ngoài những giọt nước mắt xót thương 42 linh hồn đã khuất còn có cả sự thương cảm, chia sẻ với thân phận của hai anh em chủ đò.
Nể tình dẫn đến thảm kịch
Từ mờ sáng, hàng ngàn người dân đã kéo về hội trường xã Quảng Phong. Dù xã này đã dựng thêm một rạp ba gian ở ngoài sân để người dân đến ngồi nghe nhưng vẫn không đủ sức chứa. Nhiều người đến sau phải đứng ở phía ngoài để theo dõi phiên xử dưới trời nắng như đổ lửa.
Trước vành móng ngựa, hai anh em ruột Nguyễn Xuân Quý và Nguyễn Minh Mậu đứng co ro. Đầu phiên xử, họ xin tòa cho ít phút để được nói lời xin lỗi đối với thân nhân 42 người thiệt mạng. Khi họ cúi đầu xin bà con mở rộng lòng tha thứ, ở phía dưới, hàng trăm thân nhân của các nạn nhân ngồi buồn thảm, rơm rớm nước mắt, một bà mẹ còn òa khóc nức nở.
Chủ đò Quý người gầy xọp, mắt thâm quầng thành khẩn trả lời tòa: “Bữa ấy ngày 30 Tết, bà con ai cũng muốn sang sông thật sớm để mua hàng về cúng nên đua nhau chen chúc lên đò. Ai cũng có người thân đi cùng, con đi kèm với mẹ, chị em đi kèm với nhau nên không thể cho người này lên mà đẩy người kia xuống. Vẫn biết đò chở quá tải là nguy hiểm nhưng vì nể tình xóm làng bị cáo mới chấp nhận”.
Quý phân trần: Buổi sáng định mệnh ấy, Quý đứng đầu mũi đò để ngăn không cho dòng người ùn ùn kéo lên nhưng toàn người làng, người quen, ai cũng đòi được qua sông, không biết cho ai đi, bỏ ai lại nên đò quá tải và xảy ra thảm kịch bi thảm. Người em khai thêm: “Hôm đó anh Quý bị ốm, tôi thay anh cầm lái, còn anh đứng trước mũi đò sắp xếp khách. Khi đò còn cách bờ 30 m, bỗng nhiên khách đi đò nhốn nháo, la ó, đò chòng chành, ngả nghiêng, nước tràn vào khoang và đò chìm dần”...
Chưa lành nỗi đau
Ngồi ở hàng ghế nạn nhân cuối cùng, bà Cao Thị Lợi (70 tuổi), có hai con gái và một con dâu bị thiệt mạng trong vụ chìm đò, ôm đứa cháu ngoại 18 tháng tuổi nghẹn ngào: “Thằng cháu này cha nó mất do tai nạn giao thông khi mẹ nó mang thai năm tháng. Đến khi nó biết bập bẹ gọi mẹ thì mẹ đã qua đời. Mấy bữa này cháu lên cơn sốt, gọi mẹ suốt đêm, không biết gửi cho ai nên tôi phải bồng nó đến tòa từ sáng sớm. Không riêng gì nó, gia đình tôi mất đi ba mạng người, còn để lại chục đứa cháu mồ côi mẹ nữa”.
Quay sang người con trai Cao Minh Tạo có ánh mắt vô hồn đang nhìn tận đâu đâu, bà Cao Thị Cưởi rơm rớm: “Vợ và hai con thằng Tạo chết trong vụ chìm đò. Từ khi mất vợ con, nó như người mất hồn, suốt ngày cứ nằm ở nhà chẳng đi mô, cơm nước cũng chẳng buồn ăn”. Vậy mà khi chủ tọa hỏi có yêu cầu người lái đò bồi thường không, anh Tạo lắc đầu từ chối: “Nhà mấy eng nớ cũng nghèo, bắt đền chi cho tội, vận đen thôi chứ chẳng ai muốn rứa mô”...
Nép mình một góc bên ngoài hành lang hội trường, ông Phạm Lầu (79 tuổi) đăm chiêu hướng tai về chiếc loa công cộng nhỏ để nghe tòa xét hỏi bị cáo. Ông kể vợ ông và hai đứa cháu nội, một đứa cháu ngoại đã bị chết trong vụ chìm đò này. “Tui đau xé ruột gan. Tui buồn vì tuổi già cô quạnh. Nhưng với 23 năm lái đò đưa người qua sông ở vùng quê nghèo này, tôi hiểu và thông cảm cho hai anh lái đò. Chỉ tiếc các anh ấy đã quá chủ quan, coi thường con nước và nếu quê tôi có một cây cầu thì tai nạn thảm khốc đã không xảy ra” - ông Lầu thủ thỉ.
Tại tòa, nhiều người nhà nạn nhân đã rút lại đề nghị đòi hai anh em lái đò bồi thường dân sự trước đó.
Phận người lái đò
Vợ hai bị cáo ngồi khép mình dưới hàng ghế cuối của phòng xử án. Chị Lan, vợ bị cáo Mậu, mang theo hai đứa con nhỏ đến tòa để chúng thấy mặt cha mình. Chị Lan bùi ngùi: “Hơn nửa năm nay, chúng không nhìn thấy mặt cha. Nghe nói cha về, chúng cứ đòi đi thăm và bắt cha cõng trên vai đi chơi khắp làng. Khi thấy cha bị còng tay, chúng cứ hỏi tui vì răng chú công an cột tay cha rứa”.
Chị Lý, vợ bị cáo Quý, cũng buồn bã: “Bảy lần vào phòng tạm giam thăm, anh ấy đều dặn tui sự việc không may đã xảy ra rồi, lỗi thuộc về anh nên em về thay anh xin lỗi bà con, mong bà con tha thứ. Có bán nhà, bán đất cũng không thể bù đắp hết được những mất mát mà bà con mình phải gánh chịu”...
Cả hai anh em Quý, Mậu đều thuộc diện hộ nghèo nên Trung tâm hỗ trợ pháp lý tỉnh Quảng Bình đã cử hai luật sư bào chữa miễn phí cho họ. Từ khi họ bị bắt giam, mẹ họ bị sốc nặng, tính tình thay đổi, thường kêu tên con mà khóc mỗi khi nghe ai nhắc đến. Sau buổi xét xử đầu tiên, người mẹ già lại ngồi khóc òa ngay giữa tòa: “Nó ăn ở hiền lành chẳng mất lòng ai, cũng vì nể tình làng xóm nên xảy ra tai nạn. Mong bà con mở lòng tha thứ, xin tòa giảm nhẹ hình phạt vì nó còn nuôi con nhỏ, mẹ già và người vợ ốm đau”.
Như thấu hiểu nỗi lòng người mẹ, chủ tọa phiên tòa đã đến đỡ bà ngồi dậy, khuyên nên đi ăn và nghỉ ngơi để bảo vệ sức khỏe và hứa sẽ cân nhắc tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Kết thúc ngày xét xử đầu tiên, người vợ cùng hai đứa con trai của bị cáo Mậu cố gắng tiến lại gần chồng, gần cha nhưng bị ngăn lại. Người mẹ già đứng phía bên kia thùng xe khóc nức nở nhìn chiếc còng số 8 khóa chặt vào đôi tay của đứa con và chở đi mất hút.
Sáng nay, phiên xử tiếp tục với phần tranh luận và tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận