Phóng to |
Hồng Ngọc trong một cảnh quay |
Tính chất kết nối giữa ý tưởng của đạo diễn, ý nghĩa của ca khúc và cảm nhận của ca sĩ khi thể hiện như Arron Toronto từng nhấn mạnh gần như chưa thấy xuyên suốt trong nhiều video clip.
Các đạo diễn và nhà quay phim VN vẫn mải mê săn lùng những cảnh quay "cổ điển", tập trung gương mặt ít biểu hiện phần hồn của ca sĩ, những cảnh làng quê, biển cả, nỗi buồn hoang mang của người hát hay cảnh những người nghèo, những đứa trẻ đường phố được các ca sĩ ăn mặc trắng lốp lơ láo ghé mắt đến..., mà quên mất phần tiết tấu và nhịp điệu.
Hình ảnh vẫn đi sau phần này. Chỉ duy người làm video clip chuyên nghiệp, đạo diễn Đài Loan Jackie Chen đã thực hiện video clip của mình với những kỹ xảo và cảnh xử lý ánh sáng khá tuyệt.
Anh cảm nhận rất tốt ca khúc của Trần Tiến, và "đọc" Kasim Hoàng Vũ thông suốt, chính vì thế, các góc quay về ca sĩ này khá đạt, thực sự là những cảnh nghệ thuật đập vào thị giác người xem. Khỏi phải nói thêm về tay nghề của Jackie, anh từng quay nhiều video clip chuẩn cho các ca sĩ nổi tiếng của Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. Nhiều video clip của anh được phát liên tục trên kênh truyền hình ca nhạc MTV Châu Á.
Một điều đáng nói ở đây là yếu tố quyết định 50% thành công của video clip là ca khúc thì hiện vẫn khan hiếm ca khúc hay. Một vài nhạc sĩ tạo ra được dấu ấn của họ trong ca khúc và điều đó đã giúp những ca sĩ khôn ngoan và mau mắn chọn họ có cơ hội vượt lên ngay từ phút đầu. Còn lại? Thật khó nhớ tên các ca sĩ trẻ hát những ca khúc mờ nhạt. Ở các video clip này, họ chủ yếu khoe dáng vóc, thời trang, cùng sự bất an trong đôi mắt vẽ thật to cho ra vẻ u buồn, thế thôi.
Tuy nhiên, người ta có thể nhớ đến một Ngọc Anh nằm giữa một rừng cánh hoa kỹ xảo theo cách của đạo diễn Việt Hương, một Nghi Văn di chuyển giữa những bức tranh sơn dầu và ánh đèn hắt bóng (Nguyễn Quang Dũng), một Hồ Quỳnh Hương múa may trong ý tưởng quanh quẩn Tôi tìm thấy tôi (Nguyễn Tranh), hay Hiền Thục trong tà áo lụa đỏ múc nước gội đầu, thả hoa, rồi... nằm phơi tóc (Nguyễn Trinh Hoan). Thanh Lam ngồi giữa rừng ô, hát Người ơi người ở trong cuộc đuổi bắt ánh sáng vô định của Phạm Hoàng Nam, không hiểu có phải để tỏ nỗi cô đơn? Nhìn chung, đó là những cảnh quay chậm chạp quá mức, kéo dài thời gian theo kiểu "lắng đọng" nặng nề.
Hiện đại hơn một chút có Arron Toronto, cắt cúp những hình ảnh của MTV trên đường phố cho "dễ coi", nhanh, gọn, hợp với tiết tấu trong ca khúc. Tuy nhiên, nụ cười của các ca sĩ diễn viên và cô bé nhân vật thiên thần trong video clip Ước mơ cho ngày mai của anh lại hơi gượng gạo. Có lẽ đó là điều nằm ngoài dự kiến của đạo diễn có cách xử lý nhanh và thông minh này. Còn các video clip của Cẩm Ly và Đan Trường thì vẫn... "ngập lụt" trong tình yêu lê thê, buồn thảm, những giấc mộng rời rạc, là những video clip quá cũ, quá nhàm chán.
Thôi thì với ngần ấy tiền bạc, ý tưởng, hãy cứ để ca sĩ hát mãi điệp khúc về họ, đạo diễn cũng không cần phải quá bận tâm vì những ca khúc họ chưa yêu thích hay tay nghề đã mòn cũ, bên cạnh êkíp làm video clip phải hành động thật nhanh gọn, chớp nhoáng như kiểu làm tranh thủ, không việc gì phải đầu tư. Cuối cùng còn lại hình như là sự xa cách ngày càng rộng thêm giữa đạo diễn, ca sĩ và công chúng truyền hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận