12/07/2020 09:09 GMT+7

Võng chuối nhiều ký ức

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), hơn 50 năm qua, bà Bàn Thị Xiếu (64 tuổi) dùng đôi tay khéo léo "hô biến" những tàu lá chuối khô thành võng quê như gợi nhớ, gợi thương về một thời ký ức xưa cũ.

Võng chuối nhiều ký ức - Ảnh 1.

Bà Xiếu ngồi đánh võng chuối như gợi nhớ về miền ký ức tuổi thơ - Ảnh: Chí Công

"Võng này tôi làm hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ, ông bà ngoại của tui đánh võng nằm. Tui cũng bắt chước theo làm" - bà Xiếu bất chợt nhớ về ký ức xa xưa.

Tui giữ nghề vì tui muốn con cháu sau này biết trước đây ông bà mình cũng dùng cây nhà lá vườn làm nên những vật hữu dụng gần gũi mà đong đầy cảm xúc yêu thương.

Bà Bàn Thị Xiếu

Võng chuối gắn liền ký ức cũ xưa

Chiếc võng luôn gắn liền với nét sinh hoạt của người dân ở vùng châu thổ đồng bằng. Bà Xiếu cho rằng cư dân miền Tây hồi xưa nghèo khó nên mọi thứ chỉ dựa vào đôi tay và khối óc để làm ra những sản phẩm dân dã phục vụ cuộc sống hằng ngày. Do đó, những thứ cây nhà lá vườn như vỏ cây bình bát, cây bố mọc dại sau hè ông bà xưa đã biết thắt dây bó lúa, đan đệm... 

Sau này bà Xiếu kế thừa và sáng tạo dùng dây dứa gai, dây chuối xiêm khô để đánh võng ru con. Vì thế dù hiện nay đã có rất nhiều loại võng như võng dù, võng nilông, võng lưới... nhưng bà vẫn đánh võng chuối.

Từ chiếc võng chuối, nhiều ký ức tuổi thơ cũng ùa về với hình ảnh chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm sông... Nhớ nhất là những buổi trưa hè lộng gió, bà Xiếu lại cùng đám bạn ở quê tụm năm tụm bảy chơi trò cắt lá chuối đánh võng chơi nhà chòi... Và rồi cũng không biết tự khi nào nghề đánh võng chuối "nhà quê" ấy theo chân bà đi qua từng năm tháng gian khó của cuộc đời.

"Còn nhỏ thì thắt võng chơi nhà chòi. Lớn lên rồi có chồng có con tui vẫn đánh võng chuối cho thằng Càng, con Bảy nằm ngủ với chiếc chiếu manh. Vậy đó, tụi nó lớn khôn cùng năm tháng theo tiếng võng đong đưa kẽo cà kẽo kẹt" - bà Xiếu cười vui.

Theo bà Xiếu, thời xưa ở các vùng nông thôn của miền Tây, võng chuối tuy quê mùa, thô kệch nhưng rất "thịnh" - chúng trở thành những vật dụng không thể thiếu trong mọi nhà. Từ nghèo đến giàu, từ sang đến hèn, gia đình ai ai cũng có một chiếc võng đưa. Có thể người thì dùng võng ru con, người thì nghỉ lưng đánh say một giấc tròn sau những giờ mần nông vất vả...

Võng chuối "lên đời"

Hơn 50 năm kinh nghiệm, bà Xiếu cho rằng nghề đánh võng chuối tuy thủ công nhưng cũng rất cần đến người thợ khéo tay. Để có một chiếc võng chuối đẹp sắc sảo, bền chắc thì phải lựa chọn cắt dây chuối khô thiệt kỹ. Dây chuối khô to nhỏ gì cũng được, miễn sợi dây dẻo dai là lấy mang về tước sợi... 

"Mưa nắng nhiều dây chuối khô cũng dở lắm. Ra vườn, tui lựa dây chuối phải tơ, nó khô dẻo, mình tước nhỏ sẽ không đổ lông, đánh ra chiếc võng đẹp và sử dụng lâu lắm" - bà Xiếu chia sẻ kinh nghiệm.

Theo bà Xiếu, tước sợi chỉ là công đoạn bước đầu. Và để chúng thành những sợi dây chắc chắn, bà Xiếu có cách xe dây vừa "nhà quê" lại vừa điệu nghệ. Một tay nắm lấy một đầu sợi dây, đầu dây còn lại kẹp vào ngón chân cái. Tay còn lại bà xe dây thật đều và sợi dây chuối cứ thế mỗi lúc bện chặt thêm. 

Khi xe dây xong, việc tiếp theo là đánh đầu võng và mặt võng. Mỗi chiếc võng chuối khô được bà đánh với chiều dài hai thước tư, chiều ngang hơn một thước, tương đương khoảng 20 mặt võng.

"Bẻ đầu võng nặng lắm, vừa cứng vừa khó. Tui phải dùng nhiều lực, bẻ xong quấn dây cho nhuyễn, cho khít là mỏi cả tay chứ chơi" - vừa nói bà Xiếu vừa dùng sức cố gắng bẻ đầu võng. Bắp tay bà căng cứng nổi gân. Đôi tay bà Xiếu cứ thế nhanh thoăn thoắt hết xe rồi thắt. Càng thắt các mặt võng chuối trong mắt người xem càng đẹp, càng đều. "Đánh võng tới đâu tui sẽ dùng kéo cắt từng sợi lông chuối dư. Một cái võng cần 3 ký dây khô và ngồi đánh cả tuần mới xong. Mình càng tỉ mỉ thì võng càng nhìn mướt mắt" - bà Xiếu nói.

Bằng sự kỳ công và không phụ lòng người ngồi đánh, chiếc võng nhà quê hồi đó đến giờ chúng vẫn còn giữ nguyên giá trị không chỉ ở mặt ký ức thời gian mà còn đổi đời khoác lên mình "chiếc áo" mới. 

Điều này cũng giống như chồng bà Xiếu, ông Lê Văn Tám bộc bạch: "Du khách đến Cồn Sơn ai thấy, ai biết võng chuối cũng hỏi mua. Một chiếc võng chuối đến 500.000 đồng nhưng người ta mua dùng để đưa và mua để đi triển lãm, để làm kỷ niệm đủ thứ... Tui cũng ít ngờ rằng cái võng quê miền Tây hồi xưa vậy mà giờ đây nó đã lên đời".

Võng ngô đồng Võng ngô đồng

TTCT - 1. Cô Dịu - hướng dẫn viên du lịch của Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam - nói trong hành trình đưa khách đi thăm đảo ngoài giới thiệu chiếc giếng cổ, ngôi chùa hơn 300 tuổi, cô sẽ đưa khách đến thăm một “di sản” khác của Cù Lao Chàm. Đó là hai người còn lại vẫn còn đan võng ngô đồng.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên