Tôi đã đi khám, siêu âm bác sĩ ở bệnh viện phụ sản và được kết luận là không có thai. Bác sĩ kê đơn hai loại thuốc kích thích có kinh và chỉ định dừng uống khi có kinh, đến ngày 2-7-2009 tôi có kinh trở lại và dừng uống thuốc cho tới nay.
Đến hôm nay ngày 17-8-2009 tôi vẫn chưa thấy kinh, mặc dù đã quá hơn 15 ngày. Tôi muốn hỏi việc dùng thuốc tránh thai trước đây có ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh con của tôi không? Kinh nguyệt không ổn định làm tôi rất lo lắng.
Nguyen Mai Hoa
- Trả lời của phòng mạch online:
New choice là một dạng thuốc viên tránh thai phối hợp sử dụng mỗi ngày có chứa một loại estrogen và một progestin. Phần lớn vỉ thuốc chứa 21 viên, có kèm hoặc không kèm 7 viên không có hoạt tính.
Cơ chế của thuốc chủ yếu ức chế rụng trứng. Ngoài ra thuốc làm dày chất nhầy cổ tử cung do đó làm cản trở tinh trùng đi qua cổ tử cung vào vòi trứng gặp trứng; làm nội mạc tử cung mỏng, không đồng bộ gây ức chế sự làm tổ, tinh trùng di chuyển chậm lại.
Khi uống thuốc sẽ làm giảm lượng máu mất khi có kinh, điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên, thuốc có thể làm trễ kinh hoặc kinh ít, và vô kinh sau khi dùng thuốc viên tránh thai (kéo dài đến sáu tháng). Tình trạng vô kinh không thường gặp và thường gặp có tiền sử chu kỳ kinh không đều trước khi dùng thuốc viên tránh thai.
Vấn đề của chị là sau khi ngưng thuốc ngừa thai thì kinh nguyệt không đều. Để trả lời câu hỏi của chị, tôi cần phải biết: đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt của chị trước khi sử dụng thuốc ngừa thai, vì tình trạng trễ kinh hay vô kinh có thể xảy ra sau khi ngưng thuốc, nếu tình trạng kinh nguyệt trước kia của chị cũng không đều. Nguyên nhân chưa được hiểu rõ, có thể do buồng trứng chưa hoạt động lại tốt.
Tuy nhiên, khi thử nội tiết căn bản thì các xét nghiệm thường trong giới hạn bình thường. Ngoài ra, cho tới nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng thuốc viên tránh thai có ảnh hưởng tới khả năng có thai. Một vài nghiên cứu còn cho thấy hiệu quả dùng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh có thể hiệu quả hơn sau khi sử dụng thuốc viên ngừa thai. Do đó, chị hãy để tự nhiên trong sáu tháng tới một năm, nếu vẫn chưa có thai thì hai vợ chồng tới khám và tư vấn tại chuyên khoa hiếm muộn.
* Em năm nay đã hơn 17 tuổi, có kinh nguyệt được ba năm rưỡi. Hiện tại em đang bị rong kinh, nhưng không giống các thông tin về rong kinh mà em biết, lượng kinh của em ra rất ít và kéo dài, lượng máu ra trong một ngày chưa thấm hết một miếng băng nhỏ hằng ngày.
Trong thời gian bị rong kinh này em không cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn rất lo vì đây không phải lần đầu em bị mà đã là lần thứ ba rồi, hai lần trước bị vào tháng 4 và tháng 10 năm ngoái (kéo dài khoảng 20 ngày).
(Một bạn đọc)
- Vấn đề của em:
- Em 17 tuổi
- Đã có kinh hơn 3 năm nay,
- Có ba lần có tình trạng rong kinh: có kinh lượng ít nhưng kéo dài.
Theo định nghĩa thì rong kinh là có kinh vào đúng ngày nhưng sau đó kéo dài trên bảy ngày: ví dụ như tháng trước có kinh ngày mồng 5, tháng này có kinh cũng ngày mồng 5 (với chu kỳ đều) nhưng kéo dài gọi là rong kinh.
Vì em không nêu chi tiết đặc điểm kinh nguyệt (chu kỳ kinh nguyệt, thời gian có kinh, lượng kinh, các triệu chứng đi kèm), không cho biết số ngày đã bị ra huyết và cũng không cho biết kết quả siêu âm (đặc điểm tử cung, buồng trứng bề dày nội mạc) nên tôi khó có thể giải thích cho em nguyên nhân của tình trạng rối loạn kinh nguyệt này.
Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt ở lứa tuổi của em phần lớn là do sự mất cân bằng về nội tiết do hoạt động của hệ thống hạ đồi - tuyến yến - buồng trứng - tử cung chưa hoàn chỉnh. Việc điều trị sẽ hướng tới việc điều chỉnh các rối loạn này bằng các nội tiết.
Bên cạnh đó, cũng cần loại trừ các nhóm bệnh thực thể của tử cung, buồng trứng... và bệnh lý toàn thân (các rối loạn đông cầm máu), do đó em nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được khám, xét nghiệm và tư vấn đầy đủ về tình trạng của em và cách điều trị cho đúng.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận