08/04/2010 10:26 GMT+7

Vợ con Bin Laden bị quản thúc ở Iran

NGUYỄN NGỌC HÙNG(tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)
NGUYỄN NGỌC HÙNG(tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)

TTCT - Trên chuyến bay thương mại từ Tehran đi Damas (Syria) ngày 18-3 vừa qua có một hành khách đặc biệt: con gái của trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden. Cô này cùng một số người ruột thịt biệt tích từ cuối năm 2001 nay bỗng được phát hiện tại Iran.

OY48Lf6K.jpgPhóng to
Oma’r, con trai thứ tư của Bin Laden, đã cung cấp thông tin vụ đào thoát cho Asharq al-Awsat - Ảnh: Asharq al-Awsat

Báo Asharq al-Awsat phát hành tại London (Anh) ngày 23-12-2009 gây kinh ngạc khi đưa tin vợ con của trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden đang sống ở Iran. Vụ việc vỡ lở sau khi Ayman Bin Laden, con gái 17 tuổi của thủ lĩnh Al Qaeda, trốn được vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran và gọi điện cho ba người anh ruột đang sống tại Saudi Arabia, Syria và Qatar để thông báo rằng cô cùng năm người anh em khác cùng cha bị giam giữ tại Iran kể từ khi họ rời Afghanistan để trốn tránh quân đội Mỹ hồi cuối năm 2001.

Cuộc đào thoát ngoạn mục

Oma’r Bin Laden, 29 tuổi, anh của Ayman, đang sống tại Qatar, đã cung cấp tin cho Asharq al-Awsat. Tờ báo này đã liên hệ với đại biện lâm thời Saudi Arabia tại Tehran - Fuad Qasas và được ông này khẳng định là Ayman có mặt tại cơ quan của ông từ hơn 25 ngày nay. Theo ông Qasas, nhiều nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành để đưa Ayman ra khỏi Iran nhưng chưa thành công.

Cuộc đào thoát của Ayman có lẽ đã được nhen nhóm từ khi người anh trai cùng cảnh ngộ của cô là Othman liên hệ được với một người anh là Abdull Rahman ở Saudi Arabia. Trong một dịp hiếm hoi được ra ngoài khu vực quản thúc, Othman đã mượn điện thoại của một người Iran và lén gọi cho người thân. Sự việc quá đỗi bất ngờ với Abdull Rahman, nhưng anh này cũng kịp khuyên em mình nên trốn vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran để mong được can thiệp. Othman không tìm được cơ hội để đào thoát, nhưng Ayman trốn được trong lần đi mua sắm cùng bà vợ của cha cô (Omm Hamza).

Cứ mỗi sáu tháng, chính quyền Iran cho họ đi mua sắm bên ngoài một lần dưới sự giám sát của nhân viên an ninh đi kèm. Nhờ họ tuân thủ tốt sự kiểm soát của phía Iran trong nhiều năm nên các nhân viên an ninh mất cảnh giác. Thế là ngày 25-11-2009, Ayman đã tận dụng được cơ hội.

Chịu quản thúc để tồn tại

Theo Oma’r, ngoài anh và vợ con đang sống tại Doha (thủ đô Qatar), các con của Bin Laden hiện có năm người sống ở Saudi Arabia và ba người ở Syria. Bin Laden có tất cả 19 người con với các bà vợ khác nhau, trong đó một người đã chết hoặc mất tích. Nagwa lấy Bin Laden khi bà mới 15 tuổi và sinh hạ sáu con trai, bốn con gái. Trong cuốn hồi ký về gia đình Bin Laden xuất bản tại Beirut cách nay hai tháng, bà kể Bin Laden là người cha hà khắc, cấm con cái tiếp xúc với mọi loại hình giải trí, cấm các bà vợ sử dụng tiện nghi hiện đại. Nhưng ông ta rất yêu thiên nhiên, thích trồng hoa, ham ôtô tốc độ cao và rất thạo tiếng Anh.

Khi quân đội Mỹ tấn công lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan cuối năm 2001, cả đại gia đình thủ lĩnh Al Qaeda ly tán thành nhiều nhóm, mạnh ai nấy thoát thân. Othman khi ấy mới 17 tuổi đã cùng vợ và một con nhỏ theo đoàn người Ả Rập chạy đến biên giới Iran và được chính quyền nước này cho phép nương náu.

Những người thuộc gia đình Bin Laden khi ấy đều dùng giấy tờ tùy thân với danh tính giả và mang nhiều quốc tịch Ả Rập khác nhau (Oma’r Bin Laden khi rời Afghanistan cuối năm 2001 mang hộ chiếu Sudan với tên Oma’r Mohammed Abboud).

Nhưng rồi họ đều tự khai báo thật với nhà cầm quyền Iran và được tách ra để chịu một hình thức quản thúc riêng biệt. Họ bị tịch thu mọi giấy tờ tùy thân và phương tiện liên lạc, được cho ở trong một khu chung cư biệt lập, có tường rào và lính canh nghiêm ngặt. Ban đầu nam và nữ ở cách biệt, chỉ sau này các gia đình mới được đoàn tụ và sống chung. Chính quyền Iran đã chu cấp mọi nhu cầu, trừ điện thoại và Internet.

Theo Oma’r, sáu người anh em bị giữ tại Iran đều sinh ra ở Saudi Arabia, cùng với một bà vợ của Bin Laden là Omm Hamza. Có 11 đứa cháu cả nội lẫn ngoại của Bin Laden được sinh ra trong thời gian bố mẹ chúng bị quản thúc tại Iran. Vài năm gần đây, chính quyền Iran cho phép cứ sáu tháng một lần có người được ra ngoài khu vực quản thúc để mua sắm một số nhu yếu phẩm nhưng không được giao tiếp, chuyện trò với bất cứ ai và luôn có nhân viên an ninh đi cùng.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, nhưng theo Oma’r, một người anh em của anh ta là Saad (nếu còn sống cũng khoảng 29 tuổi) có tên trong danh sách truy nã của Mỹ đã trốn thoát khỏi sự quản thúc của Iran gần một năm trước. Mỹ cho rằng Saad đã chết từ năm 2001 khi Mỹ oanh tạc vào đúng vị trí của gia đình Bin Laden tại Afghanistan ở vành đai biên giới với Pakistan. Nhưng rồi cũng tin của Mỹ công nhận Saad từ Iran đã trốn sang Pakistan, nhập vào nhóm chiến binh chống quân đội nước ngoài ở Afghanistan và đã chết trong một vụ máy bay không người lái của Mỹ oanh tạc tại Pakistan.

Chuyện chưa kết thúc

Chuyện hàng chục người thân của Bin Laden sống bí hiểm tại Iran bỗng xuất hiện trên truyền thông quốc tế khiến chính quyền Tehran khó xử. Sau khi cô Ayman trốn được vào Đại sứ quán Saudi Arabia và liên lạc với người thân tại ba quốc gia Ả Rập, chính quyền Tehran đã gây áp lực để đại sứ quán này không được cho phép Ayman cũng như các thành viên sứ quán tiết lộ thêm thông tin về vụ việc. Chính quyền Saudi Arabia, trực tiếp là Ngoại trưởng Sa’oud al-Feisal, đã can thiệp nhằm đưa Ayman ra khỏi Iran để đoàn tụ với gia đình, bởi mọi người thân của Bin Laden đều khẳng định họ hoàn toàn không can dự vào mọi hoạt động của người cha cực đoan này.

Ban đầu chính quyền Iran chỉ công nhận có một cô gái trốn vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran, nhưng khi Bộ Ngoại giao Saudi Arabia chính thức xác nhận cô gái ấy là con của Bin Laden thì phía Iran đòi phải trình đầy đủ giấy tờ để xác định danh tính, bởi Ayman không có giấy tờ chính thức gì. Sự việc khá ồn ào trong vài ngày cuối năm 2009 và đầu năm nay.

Nhưng sau đó hai quốc gia đã thỏa thuận khoanh lại vụ việc và không tiết lộ thêm gì nữa trên truyền thông, chọn cách giải quyết êm thấm bằng đường ngoại giao. Những người trong gia đình Bin Laden đang ở các nước Ả Rập cũng tuân thủ việc im lặng trước mọi tò mò của truyền thông quốc tế. Họ chỉ bày tỏ sự cảm ơn chính quyền Iran vì đã “đối xử tốt” với những người thân đang có mặt tại Iran và mong được đoàn tụ gia đình tại Syria hoặc Saudi Arabia.

Ngày 18-3, Ayman được phép rời Tehran bay về Syria cùng với Nagwa - mẹ ruột của cô, sau khi bà này được chính quyền Iran cho phép nhập cảnh để đưa con gái về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, còn một bà vợ, năm người con và 11 đứa cháu của Bin Laden vẫn chưa được rời Iran. Câu hỏi lớn nhất là Iran cầm giữ những người thân này của Bin Laden trong suốt tám năm qua đến nay để làm gì? Vụ việc chưa thể kết thúc. Mọi bí mật về những năm tháng mà người thân của Bin Laden bị quản thúc tại Iran sẽ còn được bưng bít ít nhất cho đến khi nào những người còn lại được rời khỏi đất nước đã cầm giữ họ.

Iran và al Qaeda

Abdu Rahman Rashed, nhà bình luận của báo Asharq al-Awsat, viết ngày 23-9-2009: Cuối năm 2001, người ta không tin nổi khi nghe nói một số chỉ huy cao cấp của Al Qaeda đã chạy trốn sang Iran và được chính quyền nước này cho ẩn náu. Không tin nổi bởi làm gì có chuyện người cực đoan của dòng Hồi giáo Suna lại nhờ cậy nhà nước Iran theo dòng Shi’a che chở. Sự đố kỵ và hằn thù giữa hai dòng Hồi giáo này là không đội trời chung về niềm tin tôn giáo.

Nhưng hai năm sau xảy ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Ryiad. Cuộc điều tra cho thấy những kẻ thực hiện đã nhận lệnh qua điện thoại của Seyief al-Adel, một chỉ huy Al Qaeda, và kết quả xác minh nguồn phát cú điện thoại của Seyief al-Adel chính là từ Iran. Nguồn tin tình báo xác nhận Seyief al-Adel là một trong số 13 chỉ huy của Al Qaeda đã đào thoát từ Kandahar ở Afghanistan sang Iran cuối năm 2001. Trong số này có cả Saad, con trai của Osama Bin Laden.

Cũng trong thời gian ấy, Iran không phủ nhận có người của Al Qaeda “đang bị giam giữ” trong nước, nhưng không chịu giải giao cho bất cứ một bên nước ngoài nào, kể cả quốc gia mà “kẻ bị giam” mang quốc tịch. Rồi người ta thấy Iran nuôi dưỡng và tài trợ cho Hamas của Palestine, rõ nhất là sau khi phong trào này độc chiếm quyền kiểm soát dải Gaza từ giữa năm 2007. Hamas là một nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo thuộc dòng Suna. Đến đây, vấn đề không còn đơn thuần là niềm tin tín ngưỡng nữa. Lợi ích và mục tiêu chung, thậm chí chỉ mang tính giai đoạn, đã vượt qua làn ranh cấm kỵ giữa hai dòng Hồi giáo vốn đều coi đối thủ của mình là “ngoại đạo” (ngang với các kẻ thù tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo...).

NGUYỄN NGỌC HÙNG(tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên