22/11/2005 18:46 GMT+7

VN vẫn là một điểm tới lý tưởng của du lịch và mỹ thuật

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

"Tôi nghĩ tôi là người Hà Nội". Đó là tiêu đề một triển lãm ảnh ở Paris và tập sách ảnh Nachmi Artzy. Ông là nhà nhiếp ảnh và nhà sưu tầm nghệ thuật người Israel, sống tại Canada. Từ nhiều năm nay ông liên tục đến VN và có cách tiếp cận đời sống nghệ thuật VN riêng của mình.

Rn4lMNTA.jpgPhóng to

Nachmi Artzy (trái) và những người bạn VN.

* Nguyễn Quân (N.Q): Anh đã "gặp gỡ" VN như thế nào?

- Nachmi Artzy: Tôi theo dõi chiến tranh VN từ lúc còn vị thành niên, đọc tài liệu về Việt Minh, Hồ Chí Minh... 26 năm trước đây tôi gặp một cô gái VN xinh đẹp, đó là vợ tôi. Chúng tôi có ba con gái. Một cháu vừa đi Sa Pa chụp ảnh cùng tôi, cháu học nhiếp ảnh năm cuối.

* N.Q: Thế còn chuyện duyên nợ với mỹ thuật VN thì sao?

- Nachmi Artzy: Khi bắt đầu có những triển lãm tranh của VN ở nước ngoài, khoảng hơn 10 năm trước, tôi lần mò tới những nơi có trưng bày để xem và gặp gỡ các họa sĩ VN. Cũng như nhiều người, tôi cứ tưởng mỹ thuật VN giống mỹ thuật Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên, nhưng thực tế nó khác hẳn. Có lẽ do có ảnh hưởng phương pháp cổ điển Pháp cộng với chủ đề và vài kỹ thuật truyền thống bản địa.

Mới đây, tôi có nói chuyện với một nhà phê bình Paris. Ông ta vẫn cho rằng sơn mài VN chỉ là mỹ nghệ. Nước ngoài biết và hiểu về nghệ thuật VN chưa nhiều.

Với tôi tranh VN lãng mạn và giàu chất thơ. Họ vẽ những cái họ mơ mộng, không thích thể hiện cái vất vả của đời sống hàng ngày và những đau khổ mất mát của chiến tranh. Không hiểu đó là mặt mạnh hay mặt yếu!

Tôi không mang theo các thang giá trị có sẵn tới đây để đánh giá, tôi chỉ là người quan sát mà thôi.

* N.Q: Có lẽ anh là người nước ngoài duy nhất bán sách VN?

- Nachmi Artzy: Mọi người bảo tôi lẩm cẩm vì bán sách nghệ thuật VN qua mạng (www.vietnamartbooks.com) thì làm sao có tiền. Nhưng tôi muốn nhiều người biết về nghệ thuật VN và đó là cách thể hiện tình yêu của tôi với VN.

Tôi nghĩ, tôi là người Hà Nội và rất thích đi về các vùng quê (quê vợ tôi ở Nam Định).

Trang web của tôi hiện có 250 đầu sách, giới thiệu hơn 1.000 tranh tượng. Tôi cũng trích dẫn nhiều bài viết về nghệ thuật. Tôi có vài trăm khách hàng Việt kiều và người nước ngoài nhưng quan trọng nhất là tôi bán được sách cho nhiều trường đại học, cả những trường danh tiếng như Columbia hay Harvard... Họ mua cả tủ sách cho sinh viên.

Mới đây, một trường đại học khác mua 150 đầu sách, mỗi thứ 2 bản. Tôi cũng làm luôn cả việc hướng dẫn du lịch văn hóa nữa. Gặp ai tôi cũng khuyên nên sang VN, giới thiệu họ về các họa sĩ, các gallery, các địa chỉ văn hóa. Nước tôi chỉ có vài triệu dân. VN có tới 80 triệu nhưng tôi rất ngạc nhiên khi người VN, các nghệ sĩ VN cứ gọi mình là nước nhỏ, là nhược tiểu! Tuy nhiên, cái đó cũng đúng một phần vì thế giới còn biết quá ít về VN. Mới đây, nhiều người chết do lũ quét hay đất lở ở Yên Bái, Hà Giang mà báo chí thế giới không đưa tin gì cả. Điều đó làm tôi buồn.

QWSDl5PW.jpgPhóng to
Ảnh chụp ở Sa Pa của Nachmi Artzy
* N.Q: Là nhà sưu tầm lâu năm, ở VN "con mắt xanh" nghệ thuật của anh nhắm vào đâu?

- Nachmi Artzy: Để hiểu sâu các tác phẩm nghệ thuật VN phải hiểu sâu về văn hóa và lịch sử VN. Đó là điều tôi cố gắng làm. Thí dụ, tôi đọc cả Hồ Xuân Hương, và các nhà văn trẻ VN đã dịch ra tiếng Anh.

Hai năm nay tôi làm giám đốc nghệ thuật cho Hoamai Gallery ở Paris, một gallery chuyên về mỹ thuật VN. Bán thì rất khó nhưng chúng tôi đã làm các triển lãm của Lê Công Thành, Nguyên Khai, Nguyễn Quân, Diệu Thúy, Lê Bá Đảng... Tôi có hàng chục bạn họa sĩ trẻ VN mà tôi thích như Lê Quảng Hà, Nguyễn Quốc Huy, Châu Giang, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Lê Quốc Việt, Vũ Thăng, Mai Anh Dũng... khá nhiều tài năng.

* N.Q: Nếu được mời làm "người ngoài cảnh tỉnh" thì anh sẽ nói gì với nghệ sĩ VN?

- Nachmi Artzy: Xin nhắc lại, tôi không phê phán mà chỉ quan sát thôi nhé. Tôi thấy người ta rất hay phê bình những cái to tát của thế giới, của chính phủ... ít chú ý tới những cái nhỏ nhặt hàng ngày và hầu như không tự phê bình!

Tôi cũng ngạc nhiên là nhiều họa sĩ giàu có lên nhờ bán tranh nhưng không nghĩ tới việc tìm cách giúp các đồng nghiệp trẻ, lập một quỹ giúp họa sĩ trẻ chẳng hạn.

Các nghệ sĩ phần lớn ở thành phố, quá tấp nập, vội vàng, căng thẳng nên không có không gian, thời gian cho suy nghĩ độc lập chăng. Rào cản suy nghĩ độc lập, tự do có lẽ không phải vì cấm đoán hay thiếu thông tin mà vì những ước định cố hữu từ quan hệ gia đình, danh phận xã hội, sự xa lánh vòng tuần hoàn của tự nhiên... từ những nền nếp suy nghĩ của nông dân ở thôn xã, thường chỉ biết mình. Đi mỗi tỉnh mỗi miền như tới một nước khác.

Thị trường cũng lạ, gallery phần lớn là thương mại. Các họa sĩ vừa ra trường đã vội đưa ra giá tranh như các bậc thầy, các đàn anh... Tuy nhiên tôi được biết VN vẫn là một điểm tới lý tưởng của du lịch, và mỹ thuật có thể góp phần nâng cao hình ảnh văn hóa VN trên thế giới.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên