CĐV của CLB Triều Khúc "cháy" cùng các cầu thủ của mình trên khán đài. Ảnh: Nam Khánh |
HPL 2016 sẽ khởi tranh vào ngày 18-9 tại SVĐ C500 Hà Nội và toàn bộ 33 trận đấu được tường thuật trực tiếp trên truyền hình AVG.
Khán giả trèo lên nóc nhà xem bóng đá
Ông Nguyễn Xuân Gụ, phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), cho biết dù là người đang điều hành ở tổ chức bóng đá chuyên nghiệp như VFF nhưng ông vô cùng thán phục cách tổ chức của những người làm nên HPL. Ông Gụ nói: “Tôi còn nhớ năm 2014, khi lần thứ hai giải HPL diễn ra và thi đấu trên SVĐ của CLB bóng đá Hà Nội với lượng CĐV đến xem đông chưa từng có. Lúc đó tôi vừa ngồi xem vừa quạt vì nóng quá do đông người, nhưng cũng vừa phải góp ý với ban tổ chức hết sức cẩn thận bởi rất nhiều CĐV không có chỗ xem phải trèo lên nóc nhà. Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì vô cùng nguy hiểm. Ở VN chắc chắn không có giải đấu thứ hai như HPL”.
Đã diễn ra mùa thứ tư liên tiếp, HPL do Công ty cổ phần Bóng đá Việt (Vietfootball) - một công ty còn non trẻ, được lập nên bởi một số thành viên có niềm đam mê với bóng đá đẹp - tổ chức. HPL được thi đấu vào tháng 9 hằng năm khi V-League vừa khép lại, được đá vào các chiều chủ nhật hằng tuần và kéo dài gần 4 tháng. Dù là giải bóng đá phong trào nhưng HPL thu hút được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bởi cách tổ chức quy củ, các đội bóng tham dự có bản sắc riêng và họ thi đấu với sự trung thực, đẹp mắt. Do sức hút của giải đấu, nhiều danh thủ đội tuyển quốc gia, V-League, ca sĩ đều góp mặt ở giải như: Thành Lương, Văn Quyết, Mai Tiến Thành, Lê Văn Thắng... Ngôi sao trong làng giải trí là ca sĩ Tuấn Hưng cũng từng có một đội bóng mang tên HAT tham dự HPL năm 2014 và gây xôn xao dư luận.
Tình trạng SVĐ quá tải khiến CĐV phải trèo lên nóc nhà, lên cây để xem các trận đấu vốn được coi là “đặc sản” của giải HPL. Gây tiếng vang lớn, các nhà tài trợ cũng lũ lượt tìm đến để đồng hành cùng giải đấu. HPL-S4 năm nay nhà tài trợ chính được biết phải bỏ ra đến nửa tỉ đồng để được đồng hành cùng giải. Riêng bóng thi đấu, một công ty đã sản xuất riêng một loại bóng có tên Supa để tài trợ cho HPL.
Chưa hết, HPL-S4 còn đi vào lịch sử bóng đá VN khi là giải bóng đá phong trào đầu tiên bán được tiền bản quyền truyền hình. Truyền hình AVG cho biết họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu toàn bộ 33 trận đấu của giải và sẽ tường thuật trực tiếp tất cả. AVG cho biết còn mời những bình luận viên nổi tiếng như nhà báo Quang Huy tham gia bình luận trực tiếp các trận đấu của giới đá “phủi” này.
Bán bánh ngọt, bánh tráng... kiếm tiền nuôi bóng đá “phủi”
Để duy trì một CLB bóng đá phong trào (phủi) tiêu tốn không ít tiền của. Đại diện của các CLB tham gia HPL cho biết mức trung bình để duy trì một đội bóng tham dự giải các đội tiêu tốn khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Số tiền này đến từ nhiều nguồn như tiền các “ông bầu” bỏ ra, do các thành viên trong đội, CĐV của các đội bóng đóng góp... Để thỏa mãn tình yêu với bóng đá, nhiều “ông bầu” bất đắc dĩ phải làm đủ mọi việc để có tiền nuôi đội bóng, trong đó CLB Tin lớn và Anh em là một trong số đó. “Ông bầu” kiêm HLV trưởng, kiêm đội trưởng đội bóng này là Trần Quốc Hùng, một thanh niên 9X năm nay 26 tuổi. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Trần Quốc Hùng (tên thường gọi là Tin lớn) sớm có tình yêu với bóng đá và muốn theo đuổi sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp nhưng duyên không tới.
Hùng chia sẻ: “Lúc tôi muốn đi tập bóng chuyên nghiệp thì tuổi đã quá lớn nên không có cơ hội trở thành cầu thủ. Thế nhưng tình yêu với bóng đá thì lúc nào cũng rừng rực trong tim nên tôi thành lập và duy trì một đội “phủi” để chơi cho thỏa đam mê. Công việc chính của tôi là bán bánh tráng và xăm nghệ thuật, mỗi tháng thu nhập cũng được vài chục triệu và tôi dành phần nhiều trong số đó để lo cho đội bóng. Có tháng đội đi thi đấu hết 10 triệu, chuẩn bị cho giải HPL chúng tôi cũng phải bỏ ra khá nhiều tiền lo kinh phí nộp ban tổ chức 30 triệu, quần áo, giày thi đấu, mua dụng cụ cổ vũ cho CĐV... Tất cả đều từ tiền bán bánh tráng và kinh doanh mà có. Tôi không thể để anh em trong đội đóng tiền vì nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn”. Đá thường xuyên ở SVĐ An Dương với các chàng trai Hà Nội nhưng CĐV của CLB Tin lớn và Anh em lại đến từ khắp nơi, có người tận Thanh Hóa, Nghệ An ra Hà Nội cổ vũ cho đội khi đá giải.
Mang màu sắc đặc trưng khác là CLB làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Dù là đội bóng phong trào nhưng CLB Triều Khúc quyết giữ nét riêng của làng mình khi họ không cho nhà tài trợ nào gắn logo vào quần áo của đội bóng. Thậm chí cầu thủ của CLB Triều Khúc cũng phải là người gốc Triều Khúc mới được thi đấu, dân nhập cư không được vào đội. Kinh phí của đội bóng làng Triều Khúc do “ông bầu” đội bóng này lo liệu, còn lại do người dân trong làng yêu mến tự nguyện đóng góp khi đi xem đội thi đấu. Khi đội bóng của làng Triều Khúc đi thi đấu tại giải HPL, người già, trẻ con trong làng ùn ùn đi theo cổ vũ tạo nên không khí như ngày hội làng Triều Khúc trên khán đài.
Anh Dương Thanh Liêm, phó tổng giám đốc Vietfootball, cho biết chỉ có sự làm việc nghiêm túc mới mang đến thành công cho HPL hôm nay. Khi bóng đá mang đến niềm vui cho mọi người, lúc đó nó sẽ được tôn trọng và được yêu mến.
HPL-S4 sẽ khởi tranh từ ngày 18-9 tại SVĐ C500 (Hà Nội) và mở cửa miễn phí cho CĐV đến xem. Tham dự giải có 12 CLB bóng đá phong trào hàng đầu Hà Nội và khu vực phía Bắc. Phần thưởng cho nhà vô địch là 30 triệu đồng, 20 triệu đồng cho đội đứng thứ hai và 10 triệu đồng cho đội đứng thứ ba. Giải thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để tìm ra nhà vô địch và đá trên sân 7 người. Dù phần thưởng cho nhà vô địch chỉ có 30 triệu đồng nhưng lệ phí tham dự của các CLB phải đóng lên tới 15 triệu đồng/đội và mỗi đội phải ký quỹ 15 triệu đồng. |
“Khi bóng đá mang đến niềm vui cho mọi người, lúc đó nó sẽ được tôn trọng và được yêu mến Phó tổng giám đốc Vietfootball Dương Thanh Liêm |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận