28/03/2011 12:06 GMT+7

V-League 2011: chuyên nghiệp dừng lại ở cái tên…

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Bóng đá Việt Nam đã bước qua tuổi chuyên nghiệp thứ 11. Giai đoạn thử nghiệm đã chính thức khép lại, nhường chỗ cho tiến trình đi lên chuyên nghiệp thật sự.

TTO - Bóng đá Việt Nam đã bước qua tuổi chuyên nghiệp thứ 11. Giai đoạn thử nghiệm đã chính thức khép lại, nhường chỗ cho tiến trình đi lên chuyên nghiệp thật sự.

Vẫn biết ban tổ chức (BTC) giải vẫn còn nhiều điều cần chấn chỉnh trong công tác điều hành cuộc chơi. Tiếc rằng dù đặt ra khá nhiều quy định ràng buộc, nhưng chính BTC và những “cánh tay nối dài”- giám sát trận đấu - lại có vẻ hời hợt nhất với quy định đặt ra.

Cách đây hai vòng đấu, BTC giải đã có văn bản gửi đến BTC sân, câu lạc bộ (CLB) cùng  giám sát để nhắc nhở tất cả các đội bóng phải vào phòng riêng trong giờ giải lao để chỉ đạo chiến thuật. Được nhắc nhở như vậy nhưng nhiều đội vẫn phớt lờ. Chẳng hạn Sài Gòn Xuân Thành cùng đội khách Tây Ninh vẫn ngồi ngoài sân giải lao và nghe chỉ đạo chiến thuật vào tối 26-3 trên sân Thống Nhất.

Vì sao không bắt buộc hai đội vào phòng nghỉ theo đúng quy định, câu trả lời từ “cánh tay nối dài” của BTC rằng: "Đó là việc của điều phối viên trận đấu. Chúng tôi không có trách nhiệm buộc họ phải tuân thủ quy định của  BTC!" (!).  

Được ủy quyền thay mặt BTC giải giám sát trận đấu, tại sao giám sát lại thờ ơ với sai phạm của đội bóng như vậy?

Chuyên nghiệp chỉ mới là cái tên nên mới xảy ra cảnh trớ trêu tối 26-3 khi ông trưởng BTC sân Bình Dương nhảy vào đôi co với “thượng đế” vì cho rằng khán giả này liên tục lăng mạ, chửi bới cầu thủ Bình Dương bất kể đội nhà thắng bại!

Cứ cho rằng ông trưởng BTC sân Bình Dương không hành hung “thượng đế”, nhưng hình ảnh đôi co như vậy là rất phản cảm. Nếu vị khán giả thục sự có những hành vi, lời lẽ quá khích thì tại sao BTC sân không chiếu theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp để trục xuất ra khỏi sân? Luật chơi cho phép hành xử như vậy, tại sao không áp dụng để rồi hành xử với nhau một cách tệ hại?

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp lẫn điều lệ giải ấn định việc trả lời phỏng vấn nhanh sau trận đấu phải gói gọn trong năm phút và chỉ có đài truyền hình truyền trực tiếp mới được thực hiện điều ấy, riêng các phóng viên phải vào phòng họp báo mới được đặt câu hỏi với HLV hai đội.

Quy định là vậy nhưng chuyện xé rào vẫn thường xuyên diễn ra. Mới nhất là việc HLV đội Navibank Sài Gòn thoải mái trả lời phỏng vấn ngay trên đường piste sau trận hòa Đồng Tâm Long An 1-1 (vòng 8 V-League, ngày 27-3).

V-League đã khai mạc được ba tháng nhưng đường dẫn từ khán đài ra sân - theo như quy định để bảo vệ an ninh an toàn cho tổ trọng tài cùng hai đội bóng - chỉ được thực hiện ở 12/14 sân.

Đã ba tháng qua, sân Hà Nội và Nha Trang không nghiêm túc thực hiện quy định này nhưng BTC giải không hề nhắc nhở. Bất bình với việc làm thiếu trách nhiệm nói trên, trong cuộc họp của Thường trực VFF đã phê bình gay gắt BTC giải chuyện này.

BTC giải và Ban kỷ luật rất nhanh tay, luôn đồng thuận trong việc ban hành án kỷ luật các CLB, với trọng tài về những sai phạm trên sân, nhất là việc phạt tiền đội bóng về thẻ phạt, treo còi trọng tài về sai phạm, nhưng xem ra họ khá điềm nhiên trước những chỉ trích nặng nề từ HLV nhắm vào BTC giải, VFF và lực lượng trọng tài.

Phải chăng cái uy, cái bóng của các HLV thuộc hạng “cây đa cây đề” của làng bóng nước nhà khiến BTC giải chùn tay? Phải chăng sai phạm của trọng tài khiến CLB thiệt thòi, bại trận nên BTC giải lẫn Ban kỷ luật xuê xoa, không dám đưa ra án phạt để tránh gây thêm sự căng thẳng với thành viên nằm trong cuộc chơi do chính mình quản lý, điều hành?

SĨ HUYÊN

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên