19/04/2004 13:02 GMT+7

Vĩnh Tiến có vi phạm bản quyền Vang Ðà Lạt ?

Theo SGTT
Theo SGTT

Thành phố Ðà Lạt xưa nay vốn êm đềm, thơ mộng, bỗng nổi lên một vụ kiện thương mại liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa một sản phẩm có tiếng của địa phương. Ðó là vụ kiện vi phạm bản quyền nhãn hiệu Vang Ðà Lạt.

Ghro3OBU.jpgPhóng to
Vang Đà Lạt là nhãn hiệu được nhiều người biết đến.
Thành phố Ðà Lạt xưa nay vốn êm đềm, thơ mộng, bỗng nổi lên một vụ kiện thương mại liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa một sản phẩm có tiếng của địa phương. Ðó là vụ kiện vi phạm bản quyền nhãn hiệu Vang Ðà Lạt.

Ðây là một thực tế không mới về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, nhưng lại là một tín hiệu đáng lo về mặt sản xuất kinh doanh khi nhà sản xuất chân chính phải đương đầu với nhiều kiểu làm ăn thiếu minh bạch.

Nhãn hiệu Vang Ðà Lạt được công ty thực phẩm Lâm Ðồng đưa ra thị trường vào năm 1998. Đây là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu hơn 10 năm bắt đầu từ 1987, trong đó có quá trình thử nghiệm công nghệ lên men rượu vang theo công nghệ của châu Âu. Nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá song song với việc cải tiến chất lượng sản phẩm và phương thức phục vụ theo một chiến lược phát triển thương hiệu, đã đưa Vang Ðà Lạt trở thành một sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn vào danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm 2001 và liên tục cho đến nay. Vang Ðà Lạt đã xuất khẩu sang Nhật, Campuchia, Malaysia, Thụy Sĩ...

Nhận thức được chuyện “có phát triển tất có cạnh tranh”, tháng 10.2000, công ty đã xúc tiến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Vang Ðà Lạt. Cuối tháng 1.2001, thông qua công ty sở hữu trí tuệ Thảo Thọ Quyến, công ty nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu và đến khi công ty bổ sung được công văn số 1779/UB ngày 5.9.2002 của UBND TP. Ðà Lạt đồng ý cho phép công ty sử dụng địa danh Ðà Lạt trong nhãn hiệu hàng hoá thì Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) mới ra quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa Vang Ðà Lạt cho công ty vào ngày 10.2.2003 theo đúng những quy định luật pháp.

Công ty thực phẩm Lâm Ðồng cho biết, trước khi công ty đưa sản phẩm Vang Ðà Lạt ra thị trường, tại thành phố Ðà Lạt chưa có một cơ sở nào sản xuất loại sản phẩm này. Mãi đến năm 2002, khi Vang Ðà Lạt đã được nhiều người trong nước và nước ngoài biết tiếng, một số cơ sở bắt đầu sản xuất rượu vang với nhiều nhãn khác nhau như vang Langbiang, vang Pháp quốc, vang Tháp Chàm, vang Vallée d’amour...

Tháng 11.2003, một “đối thủ” thật sự của công ty xuất hiện. Ðó là Vĩnh Tiến, công ty khá nổi tiếng trên thị trường với sản phẩm trà túi lọc atisô. Vĩnh Tiến cho ra đời sản phẩm rượu vang với nhãn hiệu Vang đỏ Ðà Lạt.

Trước sự kiện này, tháng 12.2003, công ty thực phẩm Lâm Ðồng gửi đơn khiếu nại đến Sở Khoa học công nghệ tỉnh Lâm Ðồng và Cục Sở hữu trí tuệ về việc vi phạm bản quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu hàng hóa của công ty Vĩnh Tiến đối với nhãn hiệu Vang Ðà Lạt. Cho đến nay, phía công ty Vĩnh Tiến chưa thừa nhận hành vi vi phạm bản quyền của mình.

Bà Huệ lập luận: "Vang là danh từ chung, không được bảo hộ, Ðà Lạt là tên địa danh, cũng không thể được bảo hộ. Ghép hai từ đó lại với nhau thì cũng không thể được bảo hộ. Tôi là một công dân Ðà Lạt, đã đóng đủ mọi nghĩa vụ thuế cho Ðà Lạt, khi dùng nguyên liệu tại Ðà Lạt thì không lý gì không được dùng chữ Ðà Lạt để đặt tên cho sản phẩm của mình". Công ty của bà cũng đã có tới hai công văn của UBND TP. Ðà Lạt cho phép sử dụng địa danh Ðà Lạt trên các bao bì sản phẩm của mình.

Ông Trần Thanh Hoàng, phụ trách văn phòng đại diện của công ty tại TP.HCM nói: "Vĩnh Tiến không phải là một cơ sở nhỏ. Sao không sử dụng ngay thương hiệu Vĩnh Tiến,và thiếu gì nhãn hiệu khác để chọn, sao lại sử dụng nhãn hiệu của công ty khác đã dày công gầy dựng?".

Trong công văn số 392/KN ký ngày 29.3.2004 gửi Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Ðồng, Cục Sở hữu trí tuệ giải thích rõ quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đối với nhãn hiệu Vang Ðà Lạt và xác định hành vi sử dụng nhãn hiệu Vang đỏ Ðà Lạt của công ty Vĩnh Tiến là vi phạm bản quyền sở hữu nhãn hiệu.

Cục xác nhận địa danh Ðà Lạt không phải là tên gọi xuất xứ được bảo hộ cho các loại rượu vang theo Nghị định số 63/CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ và cũng không có cơ sở để thừa nhận đây là chỉ dẫn địa lý được bảo hộ để áp dụng Nghị định số 54/2000/NÐ-CP ngày 03.10.2000 của Chính phủ, do đó cũng không phải là tên gọi có thể được dùng chung cho các cơ sở sản xuất rượu vang ở Ðà Lạt.

Với công văn trả lời này, sự việc đến nay có thể xem như đã rõ, theo pháp luật bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá, ai đăng ký trước quyền sở hữu thuộc về người đó và sẽ được luật pháp bảo vệ. Nhưng bà Huệ cho biết, bà có thể sẽ kiện ngược lại Cục Sở hữu trí tuệ về việc tại sao lại cấp độc quyền tên địa danh Ðà Lạt làm nhãn hiệu hàng hóa cho chỉ một công ty như công ty thực phẩm Lâm Ðồng.

Lẽ công bằng đang đặt ra nhiều thử thách cho công ty thực phẩm Lâm Ðồng, không chỉ đi đấu bằng lý mà quá trình gian nan hơn là chinh phục tình cảm người tiêu dùng bằng những công cụ thị trường, tiếp tục khẳng định chất lượng của mình và thông tin đầy đủ kịp thời cho người tiêu dùng tránh được mọi sự ngộ nhận đáng tiếc về nhãn hiệu

Theo SGTT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên