24/11/2007 20:27 GMT+7

Vịnh Hạ Long - di sản thế giới

Theo halong.org.vn
Theo halong.org.vn

Đã từng khám phá và mê đắm vẻ đẹp tuyệt vời của Hạ Long, song vùng vịnh này vẫn còn ẩn chứa những điều kỳ thú về thiên nhiên, truyền thuyết, tiềm năng... mà nhiều du khách chưa từng biết đến.

Vị trí địa lý

LcWecWzV.jpgPhóng to

Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo nằm ở phía đông bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, có tọa độ từ 106 độ 56’ đến 107 độ 37’ kinh độ Đông và 20 độ 43’ đến 21 độ 09’ vĩ độ Bắc.

Phía tây và tây bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đến hết phần huyện đảo Vân Đồn; phía đông nam và phía nam giáp vịnh Bắc bộ; phía tây nam và tây giáp đảo Cát Bà (TP Hải Phòng). Trên bản đồ thế giới, phía bắc Vịnh Hạ Long tiếp giáp với Trung Quốc; phía đông Vịnh Hạ Long tiếp giáp với biển Đông.

Năm 1962, Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1.553km2 với 1.969 hòn đảo. Khu trung tâm Vịnh Hạ Long với diện tích 434km2 và 775 hòn đảo có giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất địa mạo được Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (chữ viết tắt tiếng Anh là UNESCO) hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994 và năm 2000).

b7Exb1R9.jpgPhóng to
Ảnh: T.T.D.

Khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận (Khu vực bảo vệ I - vùng lõi) được giới hạn bởi ba điểm: Đảo Đầu Gỗ phía tây; hồ Ba Hầm phía nam và đảo Cống Tây phía đông. Khu vực bảo vệ II - vùng đệm được xác định bởi bờ vịnh dọc theo quốc lộ 18A, từ kho xăng dầu B12 (Cái Dăm) đến cây số 11 (phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả).

Khu vực bảo vệ III - vùng phụ cận là vùng biển và đất liền bao quanh khu đệm, kể cả vùng biên tiếp giáp với Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng).

Khí hậu

Mang tính chất nhiệt đới ẩm với hai mùa rõ rệt: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; mùa đông khô, lạnh. Nhiệt độ trung bình từ 15-25 độ C. Lượng mưa hằng năm đạt 2.000-2.200mm/năm. Vịnh Hạ Long có chế độ nhật triều thuần nhất điển hình (biên độ triều từ 3,5-4,0 m). Độ mặn của nước biển từ 31-34,5MT, mùa mưa thấp hơn.

Các tiềm năng của Vịnh Hạ Long

Tiềm năng du lịch: Với các giá trị và tiềm năng vốn có, Vịnh Hạ Long đã hội tụ những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch. Hình thức, loại hình du lịch ở Vịnh Hạ Long đa dạng. Đến Vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các loại hình du lịch: tham quan ngắm cảnh, tắm biển, nghiên cứu và nhiều loại hình khác.

Hiện nay, khách đến Vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền kayak. Trong những năm tới, ngành du lịch sẽ mở thêm nhiều tuyến điểm tham quan và tăng thêm nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

biHXxAry.jpgPhóng to Phoxub0v.jpg

Dự kiến năm 2010, Quảng Ninh sẽ là một trong những điểm du lịch lớn nhất cả nước. Thành phố trẻ Hạ Long đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển nhanh về mọi mặt, là một tiền đề vững chắc để phát triển du lịch.

Hiện thành phố có 300 khách sạn từ 1-5 sao với 4.500 phòng nghỉ và nhều khách sạn mini, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Sự tăng trưởng về số lượng khách ở Hạ Long được đánh giá là nhanh nhất ở VN trong những năm gần đây.

Năm 1996, Vịnh Hạ Long đón 236 lượt khách, thì năm 2003 Vịnh Hạ Long đón 1.306.919 lượt khách. Dự đoán năm 2005, lượng khách đến Vịnh Hạ Long ước đạt 1,5-1,8 triệu, và đến năm 2010, Hạ Long sẽ là điểm đón tiếp 5-6 triệu lượt khách.

TddQDXMz.jpgPhóng to USyQ5T59.jpg

Tiềm năng cảng biển và giao thông thủy: Vịnh Hạ Long là vùng vịnh kín nên ít sóng và gió, hệ thống luồng lạch tự nhiên dày đặc và cửa sông ít bị bồi lắng. Điều kiện thuận lợi này cho phép xây dựng hệ thống giao thông cảng biển lớn mạnh như: cảng nước sâu Cái Lân (Hạ Long) và Cửa Ông (Cẩm Phả).

Ngoài ra, Quảng Ninh còn có một hệ thống cảng phụ trợ như: Mũi Chùa, Vạn Gia, Nam Cầu Trắng... Đặc biệt là cảng Cái Lân, gần với bến phà Bãi Cháy là vùng nước sâu, kín gió, nằm liền kề quốc lộ 18A, thuận lợi việc bốc rót, chuyên chở hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2010, sẽ xây dựng hoàn chỉnh cảng Cái Lân, với bảy cầu cảng, công suất hơn 14 triệu tấn cho phép tiếp nhận tàu trọng tải trên năm vạn tấn…

Tiềm năng hải sản: Biển Quảng Ninh chứa đựng nhiều hệ sinh thái phong phú có giá trị đa dạng sinh học cao, trữ lượng hải sản của vùng rất lớn. Điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản như: khí hậu, diện tích bãi triều lớn, nước trong, ngư trường ven bờ và ngoài khơi có trữ lượng hải sản cao và đa dạng với những loài như: cá song, cá giò, sò, tôm các loại...

Những giá trị cơ bản của Vịnh Hạ Long

Giá trị thẩm mỹ

uEUbVtez.jpgPhóng to
Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ ba yếu tố: Đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng. Đường nét, họa tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo ra một bức tranh thủy mặc.

Những lời đánh giá và ngợi ca

Trước vẻ đẹp kỳ ảo của trời, nước Hạ Long, nhiều danh nhân trong và ngoài nước từ bao đời nay không ngớt lời ca ngợi bằng nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là bằng ngôn ngữ của thi ca.

Giá trị địa chất - địa mạo

Giá trị lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long được đánh giá bởi hai yếu tố đó là: Lịch sử kiến tạo và địa chất địa mạo.

Giá trị lịch sử - văn hóa

Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ.

Giá trị đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực, gồm toàn bộ các dạng sống được tạo nên từ trái đất. Đa dạng sinh học bao gồm cả đa dạng văn hóa, là sự thể hiện của con người, nhân tố quan trọng thuộc các hệ sinh thái.

Hệ thống đảo và hang động

No0lmGK7.jpgPhóng to
Hang Bồ Nâu

Các đảo trên Vịnh Hạ Long chủ yếu là đảo đá vôi được hình thành cách đây trên 500 triệu năm, tập trung ở khu vực phía đông nam và tây nam; một số đảo phiến thạch phân bố rải rác chủ yếu ở khu vực đông nam với độ cao trung bình từ 50-200m được phủ lớp thực vật phong phú, đa dạng.

Ẩn giấu trong những hòn đảo đá là hệ thống hang động vô cùng phong phú với măng, nhũ đá có qui mô, hình dáng, màu sắc đa dạng và huyền ảo… Một số hang động Hạ Long còn chứa đựng các dấu tích của người tiền sử đang là điểm hấp dẫn khách tham quan như: Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Sửng Sốt, Soi Nhụ, Thiên Cung, Mê Cung, Tam Cung.

Cư dân trên Vịnh

fG6OSWYB.jpgPhóng to
Cư dân trên Vịnh Hạ Long
Trong khu vực di sản thế giới Vịnh Hạ Long hiện nay, có một bộ phận cư dân sinh sống, chủ yếu tập trung ở bốn làng chài Cửa Vạn, Ba Hang, Cống Tàu, Vông Viêng với trên 1.600 người, trực thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long. Họ sống trên các nhà bè, thuyền và kiếm sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản.

Ở khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long là nơi cư trú sinh sống của một bộ phận cư dân thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện đảo Vân Đồn và huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Quá trình Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới

Lần thứ nhất

- Ngày 21-12-1991 Chính phủ VN đã cho phép xây dựng hồ sơ Vịnh Hạ Long để trình Hội đồng Di sản thế giới xét duyệt. Năm 1993, hồ sơ khoa học về Vịnh Hạ Long được hoàn tất và chuyển đến UNESCO để xem xét.

Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ Vịnh Hạ Long, UNESCO lần lượt cử các đoàn chuyên gia đến Quảng Ninh để khảo sát, hướng dẫn, nghiên cứu, thẩm định hồ sơ tại chỗ. Hồ sơ Vịnh Hạ Long được chấp nhận đưa vào xem xét tại Hội nghị lần thứ 18 của Hội đồng Di sản thế giới.

L5GXHx29.jpgPhóng to

- Ngày 17-12-1994 trong kỳ họp thứ 18 tại Phù Kẹt (Thái Lan) Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.

Lần thứ hai

- Theo đề nghị của Ban quản lý Vịnh Hạ Long và IUCN, tháng 9-1998, GS Tony Waltham, chuyên gia đầu ngành về địa chất học Trường đại học Trent Nottingham đã tiến hành nghiên cứu địa chất vùng đá vôi Karst Vịnh Hạ Long.

GS Tony Waltham đã gửi bản báo cáo về giá trị địa chất Vịnh Hạ Long tới UNESCO tại Paris, văn phòng IUCN tại Thụy Sĩ và Hà Nội, Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Ngày 25-2-1999, sau khi nhận được báo cáo của GS Tony Waltham, UNESCO đã gửi thư tới UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ban quản lý Vịnh Hạ Long yêu cầu xúc tiến việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận về giá trị địa chất, địa mạo vùng đá vôi Vịnh Hạ Long (Karst).

059jMyjm.jpgPhóng to

- Tháng 7-1999, hồ sơ trình Hội đồng Di sản thế giới công nhận Vịnh Hạ Long về giá trị địa chất đã được hoàn tất và được gửi đến Trung tâm Di sản thế giới tại Paris. Tháng 12-1999 tại hội nghị lần thứ 23 Hội đồng Di sản thế giới họp tại thành phố Maraket của Maroco, Hội đồng Di sản thế giới đã chính thức xác nhận vấn đề này và đưa việc thẩm định hồ sơ để công nhận giá trị địa chất Vịnh Hạ Long vào năm 2000.

Tháng 3-2000, GS Erery Hamilton Smith, chuyên gia của tổ chức IUCN được cử đến Hạ Long để thẩm định tính xác thực của hồ sơ, giá trị địa chất cũng như đánh giá về thực trạng quản lý di sản và đưa ra một số khuyến nghị.

Tháng 7-2000, trong kỳ họp giữa năm của Trung tâm Di sản thế giới tại Paris đã chính thức đề nghị Ủy ban Di sản thế giới công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thế giới bởi giá trị toàn cầu về địa chất địa mạo.

- Ngày 2-12-2000, tại Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản thế giới tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia, Hội đồng Di sản thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Theo halong.org.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên