08/08/2020 07:26 GMT+7

Vĩnh biệt Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: 'Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới'

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH

TTO - "Khi vừa tròn 18 tuổi tôi được kết nạp Đảng. Sau đó vào chiến trường, đi liên miên, chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước, rồi lại sang Lào, sang Campuchia... Năm 60 tuổi tôi mới vào trung ương" - ông Lê Khả Phiêu từng kể.

Vĩnh biệt Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới - Ảnh 1.

Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm nhân dân vùng bị lũ lụt tàn phá nặng nề tại xã Đại Quan, Đại Lộc, Quảng Nam - Ảnh tư liệu

Sáng 7-8, chúng tôi đến nhà ông Vũ Quốc Hùng - nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương - sau khi nhận tin nguyên Tổng bí thư, thượng tướng Lê Khả Phiêu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 2h52 cùng ngày.

Suốt đời chống giặc ngoại xâm đến giặc nội xâm

"Với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về chỉnh đốn Đảng do anh Lê Khả Phiêu chủ trì xây dựng, tôi có nhiều kỷ niệm" - ông Hùng mở đầu câu chuyện.

Ông Hùng cho biết đối với bản thân ông và không ít ủy viên trung ương thời đó, việc ông Lê Khả Phiêu được đề cử và bầu làm tổng bí thư là sự kiện khá bất ngờ.

"Đó là một cuộc chuyển giao thế hệ, các bậc tiền bối như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt chuyển giao nhiệm vụ cho các anh Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải. Bất ngờ với tôi là anh Phiêu cả cuộc đời binh nghiệp, nay anh được tín nhiệm giao trọng trách người đứng đầu của Đảng, trong một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt là đất nước đang bước vào Đổi mới và hội nhập, tức là Đảng ta đã chọn một tướng quân làm người đứng đầu của Đảng kế tục sự nghiệp Đổi mới" - ông Hùng nhớ lại. Với ông, "anh Phiêu là người lãnh đạo can trường trước những can qua, bình tĩnh đối mặt với thử thách, cầu thị lắng nghe và tôn trọng tập thể".

Sự bất ngờ của ông Vũ Quốc Hùng hẳn là có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp rất đặc biệt của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ông Phiêu, sinh năm 1931, tại Thanh Hóa, 15 tuổi đã tham gia phong trào Việt Minh, 18 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi cầm súng lên đường đi chiến đấu.

Từng được nhiều lần diện kiến Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, người viết bài này có lần hỏi: "Ông nhớ tới đoạn đời nào nhất trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình?". Ông Phiêu đáp: "Phần lớn thời gian tôi chiến đấu ở các chiến trường. Năm 1949, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng. Sau đó tôi vào chiến trường, đi liên miên. Năm 1977, hòa bình lập lại, tôi lại sang Lào, rồi sau đó là sang Campuchia. Năm 1990, tôi mới ở Campuchia về. Năm 60 tuổi, tôi vào trung ương. Giai đoạn nữa là hơn ba năm rưỡi làm tổng bí thư, thời gian đó gắn liền với sự kiện Đổi mới, cũng là bước ngoặt".

Năm 1991, khi đã 60 tuổi, đang giữ chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, ông Phiêu được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng. Chỉ một năm sau, ông được bầu vào Ban Bí thư và 18 tháng sau đó tham gia Bộ Chính trị. 

Cuối tháng 12-1997, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII), ông được bầu giữ cương vị tổng bí thư. Chỉ 15 tháng sau khi ngồi ghế tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã chủ trì xây dựng để trung ương thông qua, ban hành Nghị quyết "về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay" (thường được gọi là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2).

Vĩnh biệt Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới - Ảnh 2.

Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: LÊ KIÊN

"Tắm gội phải từ trên đầu xuống"

Có lẽ cho đến bây giờ, khi cuộc chiến đấu chống "giặc nội xâm" được đẩy lên đến cao trào với nhiều nghị quyết, kế hoạch, ban chỉ đạo..., được ban hành, thành lập, thì quảng đại quần chúng và các thế hệ đảng viên mới thấm thía được tầm quan trọng của nó.

Nhưng trong thời điểm ấy, giữa muôn vàn khó khăn giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới, sau một chặng đường dài người ta chỉ quen nghe những từ "vinh quang, vĩ đại" về Đảng cầm quyền, thì nghị quyết ấy đã để lại một dấu ấn to lớn trong lịch sử xây dựng Đảng. Sau chiến tranh, lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng nêu rõ: "Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn".

Và nghị quyết nêu bật yêu cầu: "Mở rộng dân chủ, khuyến khích tranh luận thẳng thắn; tôn trọng, tập hợp và xem xét để tiếp thu hết ý kiến đúng đắn của các cấp ủy viên và đảng viên trước khi quyết định... Khi có ý kiến khác nhau phải thảo luận kỹ, đối với những vấn đề quan trọng phải biểu quyết; khi cần, phải điều tra, khảo sát, làm thí điểm rồi kết luận. Khi đã có kết luận thì mọi người phải nói và làm theo kết luận; đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số sẽ có quyền báo cáo lên cấp trên".

Trong trí nhớ của ông Vũ Quốc Hùng, để thực hiện nghị quyết nêu trên, trung ương đã thành lập ban chỉ đạo, thực hiện ráo riết, quyết liệt và rất bài bản. "Sinh hoạt Đảng không phải sinh hoạt câu lạc bộ. Tắm gội phải từ trên đầu xuống chứ không phải từ ngang thắt lưng" - ông Hùng nêu lại tinh thần của tổng bí thư khi đó. "Kiểm điểm các thành viên Bộ Chính trị rất nghiêm túc, từng người tự viết kiểm điểm rồi đứng lên đọc, sau đó các thành viên khác góp ý. Có cuộc kiểm điểm Bộ Chính trị họp tới 10 ngày, tôi được biết các đồng chí góp ý rất thẳng thắn không chỉ về thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao mà còn về lối sống, quan hệ gia đình, xã hội" - ông Hùng kể.

Khởi động một cuộc chỉnh đốn Đảng quy mô lớn như vậy, chính bản thân Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng phải đương đầu với rất nhiều sức ép. Đến thời điểm này, sau một khoảng thời gian chống "giặc nội xâm", chúng ta mới hiểu được mức độ khó khăn, nguy hiểm, nhưng vào thời điểm đó không phải ai cũng hiểu và chia sẻ được với người khởi xướng cuộc cách mạng mới này.

"Với những yêu cầu giải trình với cá nhân mình, thậm chí có những cáo buộc, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rất bình tĩnh tiếp nhận, ông không tự thanh minh mà đề nghị các cơ quan chức năng tìm hiểu, kết luận rõ ràng. Tôi thực sự quý trọng phẩm chất, sự bản lĩnh của anh Phiêu. Đối với các vụ việc kiểm tra, kỷ luật với người khác, anh khách quan, không thiên vị" - ông Hùng bày tỏ.

"Dân che chở mới tồn tại được"

Nếu tính từ thời điểm nhập ngũ đến khi được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng (1950 - 1991), ông Phiêu hơn 40 năm liên tục phục vụ trong quân đội, phần lớn thời gian trực tiếp chiến đấu và chỉ huy tại các chiến trường. Những người nghiên cứu lịch sử chiến tranh không thể không biết đến tên tuổi ông Phiêu. Đó là Tết Mậu Thân 1968, trung đoàn trưởng kiêm chính ủy trung đoàn 9 Lê Khả Phiêu chỉ đạo chiến đấu 25 ngày đêm ác liệt giữa kinh thành Huế. Đó là chủ nhiệm chính trị Quân khu 9, rồi chủ nhiệm chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia Lê Khả Phiêu...

Năm 2008, nhân kỷ niệm 40 năm "Mậu Thân 1968", mở đầu cuộc trò chuyện dài về sự kiện lịch sử này, ông Phiêu đã đọc tặng tôi mấy câu thơ: "Giờ xuất quân đã điểm chúng ta thề/ Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới/ Kính thưa Bác, chúng con vào trận cuối...". Ông tâm sự với chúng tôi nhiều điều về kinh nghiệm đánh giá ta - địch, về xây dựng "thế trận lòng dân", về sức mạnh Việt Nam, về phẩm chất của người chỉ huy, lãnh đạo.

"Điều lớn nhất trong đời tôi học được là phải gắn bó rất chặt chẽ với nhân dân. Những người hoạt động cách mạng, các bậc tiền bối trước kia cũng sống trong lòng nhân dân, được dân bảo vệ, che chở nên mới tồn tại được. Tôi đi bộ đội từ năm 17 tuổi, vào chiến trường, tham gia đội quân chủ lực. Từ trên rừng núi xuống đồng bằng. Khi địch đi càn, người dân lại đưa xuống hầm bảo vệ. Sống với dân như là máu thịt rồi. Tôi không bao giờ quên điều này" - ông Phiêu nhấn mạnh.

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 2h52 hôm qua 7-8 tại Hà Nội.

Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sớm.

Thượng tướng Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27-12-1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong quân đội, đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được bầu làm tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông làm tổng bí thư từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa X.

tbtlekhaphieu

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Lê Khả Phiêu nói về chống tham nhũng

* "Chúng ta cứ ngồi mà nói thật thà với nhau là tham nhũng vẫn phổ biến, trầm trọng. Có những vụ tôi biết, anh Sáu Dân (tên thường gọi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) biết mà không khui được. Nó thành dây che chắn nhau, thậm chí cả bên ngoài che chắn (chứ không chỉ trong nước).

Đây đúng là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến này thì Đảng phải tự xem lại mình, Nhà nước phải xem lại mình".

* "Trong cuộc chiến ấy, tôi muốn nhắc lại rằng ta phải gắn với xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Không thể (theo cách) lâu lâu phát hiện một vụ, có thể to hơn những vụ trước, lại đem ra xử lý mà không làm rốt ráo từ bên trong".

* "Mình phải hết sức cảnh giác. Phải luôn răn mình là đầy tớ của dân. Tôi nói thật có chuyện họ đến biếu tiền, năm nghìn, mười nghìn (đô) chứ không ít đâu.

Lúc tôi còn thường trực (Thường trực Bộ Chính trị - PV) đã có rồi, lúc làm tổng bí thư càng có. Đối với tôi, họ đến đút tiền không dám đưa thẳng đâu. Thường là có bó hoa xong để cái gói trên bàn rồi về. Mở ra thấy có năm nghìn, mười nghìn tôi gọi anh Hoan (ông Trần Đình Hoan, khi ấy là chánh Văn phòng Trung ương Đảng - PV) và cậu Dần (ông Nguyễn Giáp Dần, thư ký nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - PV) lên, nói: "Cái này của ông A, ông B... Giao các cậu mời các ông đó lên xem thái độ thế nào. Tại sao lại có phong bì thế này? Đồng chí tổng bí thư nhắc như thế là không được, từ nay trở đi không được làm thế".

Vậy mà có ông trả lời rằng "đồng chí Phiêu không nhận thì tôi xin biếu các anh". Cả cậu Dần, anh Hoan về báo cáo lại tôi. Thế thì không được rồi. Tôi phải gọi lên cảnh cáo".

* "Cái chính là anh phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư", giữ mình trong sáng mới chỉ đạo được. Ngay hồi phát động thực hiện Nghị quyết 6 (lần 2) tại hội nghị toàn quốc, tôi đã nói hết các vụ việc (dù không nêu tên) với yêu cầu các anh cán bộ đứng đầu phải hết sức cảnh giác. Anh em ở dưới nghe rất ủng hộ.

Mà không chỉ bản thân đâu, nhất là với gia đình cũng phải dặn dò cẩn thận, bởi kẻ xấu có nhiều thủ đoạn lắm. Vợ con anh phải giữ, nếu không nó tấn công rất ghê. Tấn công con có, tấn công vợ có. Đánh vào bếp, đánh từ phía sau. Phải đề cao cảnh giác!".

(Trích bài trả lời của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với Tuổi Trẻ ngày 25 và 26-5-2005)

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đặt nền móng xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ đổi mới Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đặt nền móng xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ đổi mới

TTO - 'Một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình - tôi ấn tượng về điều này khi thấy nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới'.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0