Kỳ án “vườn mít”: Lâu lâu lại được mời ra tòa "Vụ án vườn mít": xét xử lại từ đầuÁn lòng vòng, số phận bị đùa cợt
* Ông Vũ Trung Thành (viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên):
Pháp luật VN còn nhiều kẽ hở
Với các vụ án có tính chất và hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như vụ án Lê Bá Mai thì cơ quan tố tụng cẩn trọng quá trình xét xử là điều đương nhiên. Tuy nhiên, pháp luật VN còn nhiều kẽ hở dẫn đến việc nhiều vụ án kéo dài. Có vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung đến 4-5 lần. Thời hạn điều tra và đưa vụ án ra xét xử đều được quy định, thế nhưng các quy định còn rối rắm, dẫn đến việc các cơ quan tố tụng khó thực thi. Trong vụ án Lê Bá Mai, sự việc xảy ra đã lâu, khó có thể phục hồi hiện trường, khó thu thập thêm chứng cứ nên các lần trả hồ sơ điều tra bổ sung đều không thu thập được chứng cứ gì mới.
Ở Viện KSND tỉnh Điện Biên chưa có vụ án nào bị kéo dài vì ngay từ đầu, khi nhận thấy vụ án phức tạp, Viện KSND đều chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, cử kiểm sát viên theo vụ án ngay từ đầu. Kiểm sát viên có thể cùng với cơ quan điều tra tham gia xét hỏi bị can, xét hỏi người làm chứng và theo dõi quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra. Pháp luật cho phép Viện KSND được quyền kiểm sát quá trình điều tra của cơ quan điều tra, vì thế ngay từ đầu, khi nhận định vụ việc nào có tính chất nghiêm trọng, các cơ quan cần phối hợp với nhau để tránh tình trạng vụ án phải kéo dài.
* Thẩm phán Thân Quốc Hùng (phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang):
Quan trọng ở khâu thu thập và đánh giá chứng cứ
Những vụ án bị kéo dài, theo tôi, nguyên nhân chủ quan là do năng lực của người tiến hành tố tụng, và khách quan là công tác thu thập chứng cứ. Nếu thấy không đủ chứng cứ kết tội thì nên trả tự do cho bị cáo, tránh để vụ án kéo dài từ năm này qua năm khác. Nói thế để hiểu khâu thu thập, đánh giá chứng cứ là cực kỳ quan trọng. Cơ quan điều tra nên lưu tâm vấn đề này để cẩn trọng ngay từ bước đầu thu thập chứng cứ.
* Ông Phùng Văn Hải (chánh án Tòa án nhân dân Q.2, TP.HCM):
Bản án phụ thuộc vào đánh giá của thẩm phán
Việc tuyên một bản án với mức án như thế nào hoàn toàn tùy thuộc quan điểm đánh giá, áp dụng pháp luật của thẩm phán tại phiên tòa đó. Bởi các điều luật là chung, không có trường hợp nào cụ thể. Cho dù những vụ án quan trọng đã đưa ra ủy ban thẩm phán để bàn bạc, nhưng quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là thẩm phán. Cùng một vụ án, mỗi thẩm phán có cách đánh giá khác nhau, có thẩm phán cho rằng chứng cứ này là đủ để kết tội, nhưng có thẩm phán lại cho rằng chưa đủ.
Việc với cùng một hành vi, bằng chứng nhưng mỗi cấp tòa lại có một bản án khác nhau là hoàn toàn bình thường, thậm chí chẳng có bản án nào sai bởi chắc chắn trong quá trình tố tụng đã có nhiều bản khai khác nhau. Nếu cùng một hành vi, cùng lời khai, cùng nhân chứng thì sẽ khó cho các kết quả hoàn toàn khác nhau ở các phiên tòa.
Bản thân tôi đã làm thẩm phán xét xử nhiều phiên ở cấp tòa quận nhưng khi lên cấp phúc thẩm lại tuyên một bản án khác, hoặc có thể sơ thẩm và phúc thẩm cùng bản án nhưng khi lên cấp giám đốc thẩm lại sửa án.
Việc nhiều cấp tòa cho nhiều bản án khác nhau cũng có thể nảy sinh tiêu cực. Để khắc phục và hạn chế tình trạng này, hiện TAND tối cao đang xây dựng quy trình án lệ. Ở án lệ, bản án cuối cùng có hiệu lực pháp luật thì các cấp tòa phải tuân thủ theo nếu cùng tình tiết, cùng hành vi. Như vậy sẽ khắc phục được chuyện suy nghĩ đánh giá chủ quan của bất kể thẩm phán nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận