Viết sách cũng là một cách để học(Nguyễn Hiến Lê)
Bài 1: Cuốn sách đầu tiênBài 2: Sách trong lòng ngườiBài 4: Tặng sách cho ai
![]() |
The Reader (Người đọc) - tranh sơn dầu của Ferdinand Heilbuth (1826-1889) |
Phần đông các cụ bà 60 tuổi đổ lên không hiểu một chữ nào trong những lời họ tụng. Đối với các cụ, Phật là đấng thiêng liêng có nhiều mắt để nhìn thấy mọi nỗi khổ của chúng sinh, có nhiều tay để cứu vớt mọi chúng sinh, việc của họ là yêu chồng thương con làm việc thiện.
Từ kinh Phật, lần ra được một ý nghĩa: thế giới mà ta nhìn thấy chỉ là thế giới mà ta nhìn thấy, không phải là như nó có. Hóa ra trí tuệ của mình là sai lạc cả. Ví dụ giản đơn ngôi nhà cao 4 thước đối với con người, thì chỉ là một thước đối với con mèo, dù ta cao 1,6 thước và con mèo cao 20 phân. Mỗi một con mắt nhìn thế giới một kiểu, do vậy mà hình ảnh thật của thế giới thế nào không ai biết.
Tôi bắt đầu ngo ngoe viết lách khi còn là một thiếu niên, khi đọc truyện của các nhà văn. Tôi thích câu nói của Jose Marti: Trong cuộc đời, mỗi người nên trồng một cái cây, đẻ một đứa con và viết một cuốn sách. Có lẽ câu nói ấy chỉ cuộc đời mỗi người đều phong phú, đáng để kinh nghiệm cho đời sau, không bao hàm ý nghĩa viết sách để trở thành nhà văn.
Ý nghĩ viết cái gì đó cũng dần qua đi, do vốn liếng quá nghèo nàn, cơm áo luôn níu kéo, cho đến khi người thầy của tôi bảo viết chung, một, rồi hai, rồi ba cuốn sách. Gửi vợ con và đồng lương còm về nhà ngoại, tập hợp tài liệu trong hai năm, tôi chui vào buồng làm việc liền một năm cả ngày lẫn đêm, khi ra thì phờ phạc như con ma.
Năm 1989, cuốn sách Mỹ thuật của người Việt ra đời. Thầy nói: "Cậu đã có danh vọng, và cậu sẽ ốm vì danh vọng". Càng làm việc nhiều, bao nhiêu người thích thì có bấy nhiêu người ghét. 40 tuổi, khi gần kết thúc một cuốn sách, tôi thường lấy vải quấn chặt quanh ngực mới viết được. Nhớ đến lời của một văn hào: Sau mỗi lần ngòi bút chấm vào mực, thì để lại trong lọ mực một giọt máu. Dù sách của mình chỉ là khảo cứu nghệ thuật nhì nhằng, chứ chẳng phải là văn chương gì cả. Dẫu sao để viết được cũng phải đi khắp đất nước, xem xét hàng ngàn tác phẩm, do vậy mà cũng từng trải hơn, hiểu và yêu non sông gấm vóc hơn.
Đọc ở đâu đó, khi Thi Nại Am viết Thủy Hử, ông có đến 40 người hầu, 20 mươi đứa thiếu niên chuyên đi mời chúng bạn về kể chuyện, 20 ông già chuyên ghi ghép chuyện của 108 vị anh hùng. Thế mà ông vẫn phải thốt lên: "Nếu người đời không đọc truyện này, thì để cái thân sau của ta đọc vậy". Thi Nại Am phải ngồi tù vì viết chuyện phản loạn, một người bạn quan chức vào ngục thăm bảo rằng: "Ông làm thế nào để vào ngục, thì hãy làm như thế để ra ngục". Thi bèn viết Hậu Thủy Hử cho 108 anh hùng quy hàng, Xưa Phan Văn Chú viết Lịch triều hiến chươngloại chí, ông được vua ban vài lạng cao hổ cốt, vài gói chè và mấy cây bút lông, nhuận bút có vậy.
Văn sĩ hôm nay có kẻ giàu vì viết lách, lại có người bỏ tiền tự in, vất vả vô cùng, nhưng hình như viết là một cái nghiệp, ma quỷ ấn bút vào tay, không viết không chịu được. Vào hiệu, bạt ngàn sách vở, riêng thơ và sách tham khảo cứu phần nhiều đáng ngờ lắm. Tình thơ thì rung động vì cả tiếng kêu của con tắc kè, khảo cứu thì sách nọ chép sách kia. Ngạn ngữ phương Tây nói: Viết một cuốn sách là giết chết một cái cây.
Nhiều khi tôi cảm thấy nếu không có Thần Phật phù trợ chắc không thể làm xong một việc lớn. Trong 10 năm, tôi đi nhiều đình chùa và lăng mộ, ghi chép và chụp tài liệu cho cuốn Điêu khắc cổ Việt Nam. Nơi gần có thể nhờ nhà nhiếp ảnh, nơi xa tự làm lấy. Chỉ tính tiền xe cộ, ăn ở có thể xây được cả ngôi nhà. Tôi bèn đi dạy học cho cho nhiều trường trung học nghệ thuật các tỉnh, từ đó theo học sinh về các làng quê, đi đến đâu cũng được sự tăng nhân dân giúp đỡ, leo lên đỉnh chùa, bệ tượng cứ như ở nhà mình và chưa bao giờ có ai hỏi về giấy tờ công tác.
Soạn xong sách được họa sĩ Trương Hạnh - giám đốc NXB Mỹ thuật - để cho tự do trình bày, tự chọn nơi in. Người nhận coi in là anh Ngoạn cẩn thận vô cùng. In xong ông Hữu Ngọc ở Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển mua nhiều sách phát cho các thư viện các tỉnh. Ông nói: "Cậu tuy không được đồng nào, nhưng sách của cậu quảng bá mọi nơi". Tôi không biết cách nào để cám ơn bao nhiêu người như vậy, có những người tôi chưa từng biết mặt như anh Vũ Công Điền, chụp cho tôi toàn bộ điêu khắc Champa trong bảo tàng cổ vật Chàm Đà Nẵng, mà không hề đòi hỏi gì. Sau này đi thăm lại các di tích, thấy một số tượng Phật bị mất trộm, đó là điều làm tôi còn mãi ấy náy.
Thế hệ chúng tôi nhiều xa lạ với máy vi tính, chủ yếu viết tay với bút mực. Nhìn thấy bản thảo chữ viết lằng ngoằng trên giấy trắng thú vị hơn nhiều so với chữ in ngay ngắn, và sau đó nếu lần đầu trông thấy quyển sách của mình được xuất bản thì mừng vui vô cùng.
Ông Phạm Văn Bổng, một nhà sưu tập ở Hàng Buồm, nay đã mất, có mua nhiều bản thảo hồi đầu của Nguyễn Huy Thiệp, cho tôi xem. Nhà văn viết chữ rất ngay ngắn, thưa chữ thưa dòng, trên một loại giấy thông dụng, có lẽ để cho dễ sửa, đầu truyện đôi khi vẽ thêm một hình minh họa. Tính chuyên nghiệp thể hiện ngay từ bản thảo. Thầy tôi ông Nguyễn Quân thì có thể viết ở bất cứ nơi đâu, giấy gì, bút gì cũng được, chữ không đẹp, nhỏ nhưng khá dễ đọc, viết hàng trăm trang nét chữ không khác, chứng tỏ tinh thần rất khỏe mạnh. Gặp tôi khi còn là sinh viên, ông hỏi: "Cậu có ngồi được 4 tiếng liền không?". Ông và tôi cũng thường viết cả đêm, trong khoảng 20 năm liền, giờ thì chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận