![]() |
Nhà thơ Viễn Phương |
Thời ấy tôi nghe giới thiệu cái tên Viễn Phương từ hệ thống loa phường, lớn lên đi học lớp 6, được giảng cả bài Viếng lăng Bác, cũng lấy làm khoan khoái. Nhưng khi học luật thơ Đường, không hiểu sao bố tôi lại dẫn ra một bài thơ Đường luật của nhà thơ Viễn Phương ông đọc từ một tờ báo nào đó và cho rằng: bài này “nghiệt” lắm.
Dân miền trung hay dùng chữ “nghiệt” cho những gì cần nói về tính đặc biệt độc đáo, độc đáo ở tận cùng phía tích cực và gần giao với tiêu cực. Nếu nhận xét người võ sĩ nào “có ngọn roi nghiệt lắm”, tức là mang ý nghĩa này.
Hồi ấy còn nhỏ, bài thơ nghe từ bố tôi nên cũng không nhớ tựa đề. Chỉ nhớ chính xác tám câu đường luật rất chuẩn như sau:
Đen thủi đen thui tợ thổ thầnChiều chiều nhớ vợ đứng tần ngầnCơm ăn ba bữa lưng lưng dạCứt gánh hai thùng oải oải gânTrước có đánh Tây làm chiến sĩSau thường múa bút gọi văn nhânỞ tù chỉ có hai quần cụtHết áo nên tôi thích ở trần (Viễn Phương)
Đây là bài thơ của một người tù, viết theo lối thất ngôn bát cú, xét về niêm, luật, vần rất chuẩn. Và lúc nhỏ khi nghe, tôi chỉ để ý bấy nhiêu thôi.
Bố tôi, ngoài câu nhận xét rặt miền trung, chỉ một chữ “nghiệt” bí hiểm vậy, cũng không giải thích gì thêm nữa. Rồi thôi, năm tháng qua đi, tôi chẳng để ý cái bài thơ này, cũng quên luôn lời nhận xét “trong nhà” của bố.
Nhưng không hiểu sao, tám câu bảy chữ của bài thơ này vẫn khiến tôi có cảm giác hình như có cái gì đó khang khác ở bài thơ này. Ngẫm nghĩ, thấy cái thần trong thơ Đường luật chính là chỗ phép đối. Phép đối là nghệ thuật, là thử thách, là tinh hoa, là ngụ ý và cũng là chỗ thâm thúy nhất của loại thơ khắt khe câu chữ từ ngữ này.
Nếu tính trung bình, hàm lượng đối chiếm tỷ lệ cao nhất trong một bài thơ Đường. Bởi chỉ có tám câu, nhưng trừ hai cặp “đề” và “kết” ra, hai cặp thực luận đều bắt buộc phải đối. Nhà thơ Viễn Phương thích thực chuyện ở tù bằng cặp câu 3-4: “Cơm ăn ba bữa lưng lưng dạ; Cứt gánh hai thùng oải oải gân”, từng từ đối nhau chan chát, nhưng kỳ lạ nhất là nhà thơ đã lấy “cơm” đối với “cứt”. Chính chỗ này làm bài thơ mang một trạng thái kỳ đặc khó chịu.
Xét trong bố cục toàn bài, đây là một bài luật Đường hoàn chỉnh, từ cấu tứ tới những khuôn khổ niêm luật. Cứ xem cặp luận, nhà thơ tự ngẫm về mình: “Trước có đánh Tây làm chiến sĩ; Sau thường múa bút gọi văn nhân”. Dung dị mà nên thơ, đem “đánh tây” đối với “múa bút” quả có nét hào sảng lãng mạn.
Ấy là chưa kể cái tâm trạng nhớ vợ được Viễn Phương gieo ngay vào vị trí thừa đề sau câu phá đề tự tả bản thân mình nghe rất cảm động: “Đen thủi đen thui tợ thổ thần; chiều chiều nhớ vợ đứng tần ngần”. Hình ảnh một người tù quắt queo đen đúa tự ngắm vóc dáng thân mình rồi dõi mắt nhớ vợ trong buổi chiều tà ở chốn “lao lung” còn gì buồn hơn thế.
Đường thi, mà câu chữ tự nhiên hiện đại đến vậy, là Viễn Phương đã vượt lên trên hẳn các nhà thơ cùng thời làm thơ Đường theo lối tầm chương trích cú cũ kỹ. Chỉ có điều, không hiểu sao nhà thơ lại hạ tay đưa chữ "cứt" vào đối với chữ "cơm" một cách lạ thường đến thế.
Người xưa xem một bài thơ Đường như chính tâm trạng của người làm thơ gắn liền với bối cảnh sống hiện thời. Không gian của thơ Đường là không gian của tâm trạng, và được kiểm chứng bằng bối cảnh thực tại. Thế nên Đường thi mới có tả cảnh ngụ tình, và tâm sự về tình nhưng không thoát ly khỏi cảnh.
Có lẽ, công việc gánh cứt của người tù khổ sai khiến nhà thơ Viễn Phương ám ảnh đến mức khi nói về miếng ăn vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh này. Cũng có thể thân phận người tù bị hạ thấp đến mức giữa thức ăn và chất thải cũng không xa nhau mấy, cộng với nét kiêu bạc của một người chiến sĩ cộng sản đã khiến Viễn Phương mạnh dạn dùng một phép đối vô tiền khoáng hậu của thơ Đường Việt Nam.
Đối như thế, là phi luận bình, bởi nguyên tắc chung đã bị phá vỡ, mỹ cảm thông thường bị vượt qua, câu thơ như một tiếng vỗ cánh của đại bàng, lay động cành non lá mởn, làm đảo lộn những đường bay của các đàn chim khác, và trước khi có ai nhận ra nét đẹp tiềm ẩn trong khoảnh khắc ấy, bóng vỗ của cánh đại bàng khiến nhiều người giật mình.
Sau này vào TP.HCM, trong một lần gặp nhà thơ Viễn Phương tại trụ sở hội Liên hiệp VHNT - 81 Trần Quốc Thảo - tôi có nhắc bài thơ này khi vui chuyện, ông chỉ cười hiền và nói “bài đó làm lúc tôi ở tù”.
Bây giờ, khi ông đã đi xa, tôi mới giật mình nhớ lại mình đã quên hỏi cớ sao ông lại nảy ra một tứ đối lạ lùng và “nghiệt” đến như vậy. Vì rằng, có lúc nào đó, nếu ai nhắc đến các phép đối trong hệ thống thơ đường Việt Nam, mà bỏ quên chi tiết này của Viễn Phương, e vẫn còn thiếu sót vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận