19/04/2019 15:49 GMT+7

Viêm VA ở trẻ em

Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh

VA có vai trò miễn dịch giống như amiđan và được ví như 'tiền đồn' nhằm bảo vệ cơ thể của trẻ chủ yếu là bảo vệ đường hô hấp.

Viêm VA ở trẻ em - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: aboutkidshealth.ca

VA (Viết tắt của từ Végétation Adenoide trước đây được dịch là sùi vòm họng), là một khối mô lympho xuất hiện rất sớm ở vòm mũi họng khi bào thai người được khoảng 16 tuần. Trẻ mới sinh, VA có độ dày khoảng 2mm, nằm ở thành sau trên của vòm, không có vỏ bao và giới hạn rõ rệt, phía trước có thể lan tới cửa mũi sau, phía bên có thể lan tới lỗ vòi Eustache, phía dưới có thể lan tới thành sau họng miệng . VA phát triển theo lứa tuổi, phát triển nhanh về khối lượng kể từ lúc trẻ được 2 tuổi, bắt đầu teo dần khi trẻ hơn 7 tuổi rồi biến mất gần như hoàn toàn khi đến tuổi dậy thì. VA còn sót lại ở người trưởng thành có một tỷ lệ rất thấp. VA có vai trò miễn dịch giống như amiđan và được ví như "tiền đồn" nhằm bảo vệ cơ thể của trẻ chủ yếu là bảo vệ đường hô hấp: Không khí hít thở có chứa vi sinh vật gây hại sẽ bị VA bắt giữ và tiêu diệt tại vùng họng mũi.

Triệu chứng

Viêm VA là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị viêm VA có thể có sốt họăc không sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, hơi thở hôi. Trẻ có thể sốt vừa 38 -39OC, đôi khi sốt cao 39 – 40OC, ho dai dẳng, nghẹt mũi và sổ mũi kéo dài, lúc đầu dịch mũi trong, vài ngày sau đó trở nên xanh. VA khi bị viêm, nó sẽ to lên và gây tắc toàn phần hoặc một phần cửa mũi sau làm cho trẻ không thở được qua đường mũi mà phải thở qua miệng. Khi đó, lượng oxy vào cơ thể sẽ giảm đi, nếu tình trạng thiếu dưỡng khí kéo dài sẽ làm cho trẻ chậm phát triển thể chất và tinh thần, trẻ trở nên biếng ăn, bỏ bú hoặc bú ngắt quãng, khó ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình, đái dầm, trường hợp nặng có thể xuất hiện những cơn ngưng thở trong lúc ngủ. Ban ngày trẻ trở nên chậm chạp, lừ đừ, kém hoạt bát, kém năng động, trẻ nói hoặc khóc giọng mũi. Trẻ bị viêm VA không được điều trị có thể bị viêm tai giữa tái đi tái lại, viêm xoang, viêm họng, áp xe thành sau họng, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối lọan tiêu hóa… Lâu dần trẻ sẽ bị biến dạng khung xương sọ mặt và lồng ngực. Khi trẻ có các triệu chứng kể trên nên cho trẻ khám tai mũi họng để bác sĩ chuyên khoa xác định chẩn đoán và điều trị.

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm VA dựa vào các triệu chứng kể trên kết hợp khám tai mũi họng, chụp X-quang sàn sọ trước thế nghiêng và nội soi vòm mũi họng.

Nếu viêm VA cấp (thực chất là viêm họng mũi cấp) chỉ cần dùng thuốc giảm đau, hạ nhiệt, nâng đỡ tổng trạng, kháng viêm, kháng histamine và nhỏ mũi dung dich muối sinh lý 0,9%, hoặc xịt mũi với nước biển (Sterimar, Vesim,… ) và chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm.

Điều trị

Nếu VA quá phát (VA to) gây cản trở đường thở trên làm trẻ không thở được qua mũi, thở khò khè, ngủ ngáy, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ,… hoặc VA viêm tái hồi nhiều hơn 4 lần trong 1 năm hoặc viêm họng mũi kéo dài liên tục hơn 3 tháng hoặc VA viêm đã gây biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản tái đi tái lại nhiều lần nên nạo VA. Trong trường hợp này nạo VA để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh tai, mũi xoang, họng và thanh quản. Lứa tuổi thích hợp để nạo VA thường là sau 2 tuổi. Tuy nhiên, nếu VA quá phát gây tắc nghẽn hô hấp thì nên nạo sớm bất kể tuổi tác.

Nạo VA là lấy đi toàn bộ các mô lympho vùng họng mũi bao gồm sùi vòm họng và 2 hạnh nhân vòi mà không được làm tổn thương đến các thành của vòm mũi họng. Hiện nay việc nạo VA cho trẻ em đã được nhiều cơ sở y tế thực hiện tại phòng mổ với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và dưới sự hỗ trợ của gây mê đã nâng cao hiệu quả và giảm thiểu các tai biến. Tuy nhiên, cho dù nạo VA dưới hướng dẫn của nội soi và bằng Shaver đi chăng nữa vẫn có thể gặp những tai biến tiềm ẩn với tỷ lệ rất thấp như: Dị ứng với thuốc mê (tỷ lệ 1/10.000), chảy máu sau mổ (tỷ lệ 0,2- 2%). Điều này, các bác sĩ luôn trăn trở; cho nên hết sức cân nhắc khi chỉ định, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước mổ và thận trọng trong phẫu thuật.

Không được nạo VA đối với bệnh nhi mắc các bệnh gây rối lọan đông máu như bệnh ưa chảy máu (Hemophilia A, B, C), bệnh sinh chảy máu, xuất huyết giảm tiểu cầu chưa được điều trị, suy tủy,…

Nên trì hoãn lại nạo VA khi:

- Bệnh nhân đang có viêm hoặc nhiễm trùng cấp bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể kể cả VA.

- Đang mắc các bệnh mạn tính chưa điều trị ổn định.

- Đang có lao sơ nhiễm.

- Đang có dịch lây qua đường hô hấp như sởi, cúm hoặc đang có dịch sốt xuất huyết.

- Trẻ đang uống vaccine ngừa bại liệt trong vòng 15 ngày hoặc đang tiêm phòng dịch, nhất là vaccine phòng lao trong thời gian 6 tháng.

- Trẻ đang sử dụng các thuốc chống đông (Heparin, Aspirin…).

- Trẻ có dị tật hở hàm ếch (chẻ vòm khẩu cái).

Phòng ngừa

Để hạn chế viêm VA xin các bậc phụ huynh chú ý đến chế độ dinh dưỡng và giúp trẻ giữ gìn vệ sinh vùng mũi họng, hàng ngày nhỏ mũi cho trẻ với dung dịch muối sinh lý 0,9%, không để trẻ bị nhiễm lạnh, không đưa trẻ đến những nơi môi trường đang bị ô nhiễm, thường xuyên làm vệ sinh môi trường sinh họat, học tập của trẻ. Khi viêm cấp nên cho trẻ uống thuốc sớm, khi có chỉ định nạo VA không nên chần chừ, nên nạo kịp thời để tránh các biến chứng và các di chứng cho trẻ.


Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên