![]() |
Ông Toyoda bộc lộ nhiều trạng thái cảm xúc trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 24-2 - Ảnh: Reuters, AP |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một luật sư tại TP.HCM cho biết phiên điều trần của Toyota không phải là một phiên tòa xét xử. Việc Toyota phải thu hồi lượng lớn xe như vậy ảnh hưởng rất nhiều tới người tiêu dùng Mỹ, cũng là những cử tri, người đóng thuế cho các chi phí hoạt động của chính quyền. Quốc hội là đại diện của cử tri, muốn nghe Toyota giải trình nguyên nhân và cách giải quyết. Trách nhiệm giải trình của các đại diện dân cử ở Mỹ là rất rõ ràng và các nghị sĩ chịu sức ép rất lớn từ những người bầu họ. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, luật sư này nhận định phiên điều trần là cơ hội để doanh nghiệp giải thích và phần nào lấy lại hình ảnh của mình. |
Ông Toyoda lúc đầu cũng từ chối ra trước Quốc hội Mỹ, nhưng sau đó lại đồng ý. “Ông ta sẽ bước vào biển lửa, nhưng ra điều trần là một quyết định của danh dự. Điều đó giống như bạn bước vào nhà của người khác để giải thích sai lầm của mình” - Mark Zupan, giáo sư tại khoa kinh doanh Đại học Rochester, nói với AP.
Theo nhà chính trị học Graham Wilson ở Đại học Boston, Quốc hội Mỹ không có quyền pháp lý yêu cầu công dân nước khác ra điều trần. Sở dĩ ông Toyoda chấp nhận trả lời các câu hỏi là bởi áp lực rất lớn từ công luận. Họ muốn biết công ty của ông đã biết về các vấn đề an toàn với xe được bao lâu và có cố gắng giải quyết vấn đề hay không. Tóm lại, như AP bình luận, ông Toyoda “không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận lời mời của ủy ban”.
Nhiều nhà phân tích so sánh sự tương đồng giữa ông Toyoda và giám đốc ngành xe hơi người Nhật khác từng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ 10 năm trước, cũng vì những vấn đề an toàn. Ngày 6-9-2000, ông Masatoshi Ono đã gặp các ủy ban của cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ sau khi hàng triệu lốp xe của Công ty Bridgestone-Firestone bị thu hồi.
Ông Ono thừa nhận ông lo lắng và đã phải luyện tập rất nhiều để có thể đọc bài phát biểu mở đầu của mình bằng tiếng Anh. Sau đó ông Ono phải nhờ đến một phiên dịch và hai thành viên khác trong ban lãnh đạo công ty ngồi cạnh để trả lời các câu hỏi.
Ông Ono đã xin lỗi vì những cái chết liên quan đến lốp xe bị nổ, nhưng không đưa ra được câu trả lời tại sao các tai nạn lại xảy ra. Các nghị sĩ đã “vặn vẹo” ông suốt 13 giờ liền. Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Barbara Mikulski thậm chí còn hỏi: “Với tư cách một con người, lương tâm của ông ở đâu?”. Một tháng sau, ông Ono từ chức.
Lần này, ông Toyoda đã làm tốt hơn nhiều so với người đồng hương 10 năm trước. Ông vượt qua cuộc truy vấn một cách khá trôi chảy mà không cần phiên dịch. Cách ông biểu lộ cảm xúc, lời xin lỗi và nhận trách nhiệm cũng như những giọt nước mắt của ông khi gặp các nhân viên Toyota tại Mỹ sau đó phần nào đã làm dịu sự ác cảm đối với hãng xe hơi nổi tiếng thế giới này.
Ngày 25-2, Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama bình luận: “Việc chủ tịch Toyota đích thân có mặt ở cuộc điều trần là tốt”. Bộ trưởng giao thông Nhật Bản Seiji Maehara cũng nói: “Tôi hi vọng Toyota sẽ nỗ lực lấy lại lòng tin của công chúng”. Tuy nhiên, như Tatsumi Tanaka, chủ tịch Công ty Risk Hedge ở Toykyo, bình luận trên Wall Street Journal: “Ông ấy chỉ tập trung vào việc vượt qua cuộc điều trần và không cho thấy mục tiêu của việc ông ấy có mặt ở đó”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Toyota “đã chạy theo tốc độ tăng trưởng” Toyota bị điều tra hình sự ở Mỹ Xe Toyota kém do "phát triển quá nhanh, quá lớn"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận