Phóng to |
Ông Inoue dạy tiếng Nhật cho sinh viên nghèo tại chùa Lá - Ảnh: Kim Tuyến |
Một buổi sáng ở chùa Lá (đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM), những sinh viên nghèo của lớp học ngoại ngữ ngồi chăm chú nghe một ông giáo già kể câu chuyện dân gian Nhật Bản Con kiến và bông hoa để minh họa cho bài giảng. Ông thầy tóc bạc hẳn, gương mặt hằn nếp nhăn nhưng vẫn cười lý lắc trước đủ thứ thắc mắc của học trò. Lớp học ngoại ngữ miễn phí ở ngôi chùa này đã có thêm không khí mới ấm cúng, sôi nổi kể từ khi giáo sư Inoue Masski dành thời gian đến dạy ở đây.
Dạy học miễn phí
Buổi học cuối năm, thầy trò ôm nhau chào tạm biệt, xúm xít nói những lời chúc tốt lành. Đám học trò hơn 40 người vây quanh thầy Inoue. Ông nhắc: “Các em không nên ăn quá nhiều, quên học bài và làm bài tập đã được giao đó”. Sự bịn rịn của họ làm ông giáo vừa lúng túng vừa xúc động. Học viên Nguyễn Ngọc Hoa (quê ở Bình Định) thắc mắc hỏi: “Thầy có về Nhật ăn tết không? Thầy có quay lại dạy tụi con không?”. Ông Inoue mỉm cười, nói nhẹ nhàng như một lời hứa: “Không đâu, phải ở đây dạy đến khi nào các trò lên đến trung cấp tiếng Nhật mới thôi chứ. Thầy còn ở đây lâu lắm”.
Trải lòng làm thiện nguyện Nhà sư Thích Nhuận Tâm (trụ trì chùa Lá, nơi ông Inoue dạy tiếng Nhật) nhận xét: “Trong khi nhiều người mải chạy theo những bon chen của riêng mình trong cuộc sống thì việc ông Inoue cứ lặng lẽ làm thiện nguyện trên một đất nước xa xôi thật đáng quý trọng. Ông ấy đến với các học viên nghèo và lớp học miễn phí bằng tất cả sự nhiệt tình và tấm lòng của mình. Không chỉ giảng dạy, hỗ trợ các em học tập, thầy Inoue còn tự học tiếng Việt để có thể tiếp xúc gần gũi, ân cần với các học viên như một người thân và hỗ trợ họ khi gặp khó khăn, hữu sự”. |
Ngoài giờ đứng lớp ở chùa Lá, hằng tuần ông Inoue vẫn đều đặn ghé Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 (đường Nguyễn Khoái). Ở đây, ông là một tình nguyện viên rất năng nổ. Ông chăm sóc từng li từng tí, chơi đùa với các trẻ khuyết tật và cùng vào bếp phụ mọi người lo từng bữa cơm cho các em. Để nói chuyện được với các em nhỏ khiếm thính, ông đã tự mày mò học ngôn ngữ ký hiệu bằng tay theo bảng chữ cái tiếng Việt. Ông ra dấu kể một câu chuyện vui, cả mắt, miệng đều biểu cảm theo lời kể. Các em nhỏ cười nắc nẻ và vỗ tay hưởng ứng.
Vào một ngày khác, thứ năm hằng tuần, trong công viên Lê Văn Tám, ông thầy già đọc truyện vui cho sinh viên lại trở thành một... người già thật sự, với những học trò không thua kém tuổi mình là bao. Những buổi đi dạo trong công viên từ hơn một năm về trước đã giúp ông kết bạn với những người già. Bây giờ họ cùng nhau ngồi lại, học tiếng Nhật, kể chuyện, tâm sự. Ông luôn là “hạt nhân” chính đứng ra tổ chức buổi họp mặt, trò chuyện của người già nơi này. Họ kể ông nghe về gia đình, bạn bè. Họ học tiếng Nhật do ông dạy. Ông kể về người vợ yêu quý đã mất hơn mười năm của ông. Ông nhắc về con gái đang dạy dương cầm tại Tokyo. Kỷ niệm của những người già đan kết vào nhau để thành niềm vui. Ông đưa những tấm ảnh của vợ và con gái xếp ngay ngắn trong ví ra cho bạn bè xem. Đó là những khoảng lặng hiếm hoi mà người thầy này tìm thấy trong những ngày ở TP.HCM xa lạ, nơi ông dành tất cả niềm vui, sự trẻ trung và nhiệt tình của mình cho thế giới của những đứa trẻ.
Mọi người hay nói đùa: “Ông Inoue lấy đâu ra nhiều năng lượng thế? Tuổi đã về già, làm việc liên tục không thấy mệt sao?”. Lúc đó ông Inoue chỉ cười: “Tôi không thấy mình già. Tôi chỉ là thanh niên sống lâu năm thôi. Khi tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ Sài Gòn, tôi nhận từ họ sự nhiệt huyết, năng lượng và tôi muốn làm theo họ”.
Sài Gòn ở trong lòng
Khi ai đó hỏi câu quen thuộc: “Ông cảm nhận thế nào về Việt Nam, về Sài Gòn?”. Ông Inoue đều trả lời: “Tôi không muốn nói nhiều về cảm nhận của mình”. Ông cho rằng khi một ai đó cảm nhận hay nhận xét về một điều gì đó nghĩa là họ đã ở ngoài nó. Ông không tự tách mình ra khỏi môi trường sống mình đã chọn lựa ở TP này bởi vì ông cảm thấy yêu tha thiết nơi này tự khi nào. Ông đi dép Lào, mặc áo sơmi giản dị, mặc chiếc áo mưa thay áo khoác vào ngày thời tiết xấu. Với chiếc xe Wave cũ kỹ, ông đi khắp ngõ hẻm TP tìm những nét sinh hoạt văn hóa, cuộc sống đầy ắp thú vị của Sài Gòn.
"Ở Việt Nam, tôi đã tìm thấy những người bạn và niềm say mê vào cuộc sống mới. Và tôi chỉ mong góp được một vài điều tốt đẹp để đáp lại sự chân tình ấy. Bởi vì tôi yêu Việt Nam, tôi yêu Sài Gòn" |
Hành trình ấy đưa ông đến TP.HCM. Ông chọn một căn nhà trọ nhỏ trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.5, TP.HCM), sống khác hẳn những ngày tiện nghi ở Nhật. Căn phòng hẹp chỉ toàn sách báo, có thêm đôi bộ quần áo. Ông Inoue nhẩm tính: “Đây là cái tết thứ hai của tôi tại Việt Nam. Tết ở đây khác hoàn toàn với Nhật Bản. Có lẽ vui hơn và hướng ngoại hơn”. Ông đã không ngờ mình ở lại Việt Nam lâu đến thế. Ông chỉ biết giải thích: “Một người tò mò không thể bỏ nơi đây sớm để đi được. Ở đây còn có quá nhiều thứ để tôi tìm tòi và học hỏi. Tôi sẽ còn gắn bó với nơi này lâu dài”.
Khi ông chọn dạy tiếng Nhật miễn phí cho những người trong TP có nhu cầu, ông giải thích: “Tôi vô cùng hứng thú khi có nhiều người quan tâm và muốn học ngôn ngữ của đất nước tôi. Và đó là điều tôi có thể làm tốt nhất khi ở đây. Chính sự giản dị hiền hòa trong lối sống của người Việt Nam đã lôi kéo tôi ở đây lâu như vậy. Ở đây tôi có nhiều người bạn mới và có nhiều việc để làm, tôi không nghĩ mình là du khách, chỉ đến, ngắm cảnh và ra đi. Nơi đây đã trở nên thân thuộc với tôi và có nhiều việc để tôi phải làm”. Từ những bài giảng ngôn ngữ, những câu chuyện, lời tâm sự, ông có thể trải ra trước mắt người học một hành trình nhỏ vào nước Nhật để người dân hai nước có thể hiểu nhau hơn, gần nhau hơn như ông thổ lộ.
Ông bảo đổi lại ông được rất nhiều. Những con người Sài Gòn đã mở lòng kể cho ông nghe tất cả về một TP hiền lành, sôi động và những sinh hoạt văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam duyên dáng đến kỳ lạ. Vậy là bỗng dưng Sài Gòn cứ gắn chặt lấy ông. Ông bảo ông muốn làm điều gì đó có ích cho Sài Gòn như là một công dân thực thụ của TP. Tất cả thời gian của mình, ông dành cho việc dạy học miễn phí, chăm lo cho trẻ em cơ nhỡ ở các trại trẻ mồ côi, khuyết tật. Ông bỏ tiền túi dành dụm của mình để mua giáo trình, bút, vở cho học viên các lớp học và mua quà bánh, vật dụng cho trẻ em nghèo.
Ông đi khắp nơi để tìm hiểu, chiêm nghiệm tất cả những nét riêng văn hóa của Sài Gòn. Ông xúc động nhớ lại câu chuyện người lái xe ôm đã chỉ ông cách dùng áo mưa làm áo khoác khi đi ngoài đường để đối phó với những ngày mưa nắng thất thường. Ông tâm đắc hình ảnh chị hàng xóm bức xúc với những bãi rác “ngập như núi” ở chân cầu gần nhà, để rồi sau đó tự động đem bao ra nhặt dọn cho đỡ bẩn. Ông kể say mê về người bán hàng ở chợ Hòa Bình luôn chỉ đường giúp ông đi mua đồ ăn. Và cả những học trò luôn nhắc ông về tuổi trẻ Việt Nam, những say mê trẻ, những sự hào hứng và khao khát trước điều mới mẻ. Ông bảo tất cả những nét rất riêng của đất và người ở TP này đều được ông lưu giữ trong sổ tay để trở thành một kỷ vật quý báu cho riêng mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận