05/04/2008 06:41 GMT+7

Vì thơ tôi sẽ ở lại

PHAN DANH HIẾU(Trường Bùi Thị Xuân, Biên Hòa, Đồng Nai)
PHAN DANH HIẾU(Trường Bùi Thị Xuân, Biên Hòa, Đồng Nai)

AT - Năm 1997, khi tôi đang là một cậu học sinh lớp 10 trường huyện - cái phố huyện nhỏ vùng bán sơn địa của xứ Nghệ nghèo đến nỗi cả một thư viện chỉ có khoảng vài mươi cuốn sách mà toàn là sách cũ, không bìa, rách nát. Nhưng phải nói là nó rất quí với những học trò nghèo như chúng tôi.

5XVVxTq8.jpgPhóng to

Tranh: LÊ MINH QUỐC

AT - Năm 1997, khi tôi đang là một cậu học sinh lớp 10 trường huyện - cái phố huyện nhỏ vùng bán sơn địa của xứ Nghệ nghèo đến nỗi cả một thư viện chỉ có khoảng vài mươi cuốn sách mà toàn là sách cũ, không bìa, rách nát. Nhưng phải nói là nó rất quí với những học trò nghèo như chúng tôi.

Tôi yêu văn chương từ những cuốn sách đó. Mà yêu nhất vẫn là thơ bởi nó dễ đi vào lòng người. Và không biết có phải vì thế mà tôi học văn rất khá. Thỉnh thoảng trong những bài văn của tôi, mỗi khi bí dẫn chứng là y như rằng tôi bịa ra thơ mà lại bịa rất hợp lý. Thầy dạy văn tôi phán: "Cậu được lắm, hay lắm, tương lai cậu sẽ là... nhà thơ”. Tôi không biết là khi ông nói có ý muốn nhắc nhở tôi đừng mang thơ mình ra làm dẫn chứng hay là ông coi tướng số cho tôi nữa? Nhưng tôi thì nhớ mãi hai từ "nhà thơ”.

Năm 2000, tôi đỗ vào Trường ĐHSP Huế khoa ngữ văn. Nơi tôi đến là xứ sở Thần kinh hữu tình như mộng. Đất Huế đẹp lạ lùng với những lăng tẩm đền đài phế tích, những con đường uốn khúc quanh co, lên gò xuống dốc. Tôi yêu Huế như thể là người tình hay vì tôi yêu một người nên Huế cũng rất thơ.

Nhà nghèo, cha tôi lại ốm nặng, mọi kinh tế đều nhờ vào anh chị tôi ở Đồng Nai, nhưng anh chị tôi mới vào lập nghiệp nên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tôi xoay ra kiếm sống bằng nghề bán hột vịt lộn ở ngã tư Mai Thúc Loan. Cũng may, có những con người Huế tốt bụng thấy sinh viên làm thêm nên thương tình mua giúp.

Nhiều đêm tôi thức trắng, nghĩ lại ngày xưa ông thầy dạy văn có nói với tôi về danh từ "nhà thơ” mà tôi sẽ mang. Ừ nhỉ! Sao mình lại không thử một lần cơ chứ. Tôi bắt đầu mày mò làm thơ. Khó thật, câu chữ cứ ngoằn ngoèo, vần gieo cứ... trật lất. Nhưng có một người thầy dạy tôi môn Hán Nôm ở trường đã lần đầu tiên để ý đến thơ tôi. Đó là thầy Nguyễn Lãm Thắng (bây giờ là giảng viên Hán Nôm Trường ĐHSP Huế, hội viên Hội VHNT Thừa Thiên - Huế). Thầy hướng dẫn tôi cách gieo vần, cách lấy tứ, cách dùng từ và dần dà tôi đã làm được những bài thơ có thể nói là tạm được.

Cùng khóa với tôi có Vân Khánh, Đinh Hạ, Đào Tấn Trực... là những người bắt đầu tập tành làm thơ. Chúng tôi thường ngồi bên nhau nói chuyện văn thơ như những người nổi tiếng thật sự. Tôi mạnh dạn gửi bài về tờ báo đầu tiên mà tôi yêu thích - tờ Áo Trắng. Nhưng Áo Trắng không phải là nơi đăng thơ tôi đầu tiên mà là tờ Phụ Nữ Chủ Nhật. Tâm trạng của kẻ lần đầu có thơ đăng báo có thể nói là sướng rơn. Sướng đến nỗi tôi đạp xe ngược chiều bị mấy chú công an tóm được và phạt năm chục ngàn đồng, méo mặt nhưng bụng vẫn không sao nói hết được những cảm xúc lâng lâng về bài thơ ấy.

Như kẻ chết đuối vớ được chiếc phao giữa mênh mông nước. Tôi đã tìm đến thơ như một người bạn tri âm. Thơ cho tôi những buồn vui, những nỗi niềm tuổi trẻ. Đã có lần tôi mê thơ đến độ dắt xe ra công viên vào giữa đêm khuya, ngồi nặn cho bằng được mấy bài, nhưng cơn buồn ngủ đã nhẹ nhàng đến. Công viên vắng vẻ, tôi dùng sợi dây buộc xe vào chân đánh một giấc dài đến sáng. Muỗi đốt đầy người, đỏ tấy như ghẻ.

Điên thật nhưng vui, rất lãng mạn. Và cứ thế dần dần thơ tôi đăng đều đều trên các báo: Phụ Nữ Chủ Nhật, Áo Trắng, Sông Hương, Tài Hoa Trẻ, Thế Giới Mới... Nhưng có lẽ vui nhất là năm 2003, tôi được hai giải thưởng thơ: Giải nhì thơ Mực Tím, Giải thơ Bút Mới "Đất nước và lục bát" của báo Tuổi Trẻ. Giải thưởng không lớn nhưng đã làm tôi đam mê thơ hơn. Bây giờ tôi đã có một gia tài với hơn hai trăm bài thơ đăng báo, hơn hai ngàn lá thư kết bạn và rất nhiều kỷ niệm không tên!

Tôi mang ơn mẹ tôi, mẹ là người thường cổ vũ động viên tôi bước đi trên con đường văn chương. Mỗi lần tôi có bài đăng báo mẹ thường săm soi từng câu từng chữ và tự hào về tôi lắm lắm. Tôi cũng mang ơn cô bạn gái của mình, nàng không yêu thơ tôi cho lắm nhưng lại là người khuyến khích tôi sáng tác. Mỗi lần làm được một bài, tôi thường đọc cho nàng nghe. Nàng như một nhà phê bình hẳn hoi và cũng cho tôi nhiều ngôn từ xứng đáng. Nàng bây giờ là người "ở tù chung thân" với tôi. Tôi yêu nàng, yêu thơ, yêu tất cả mọi người. Hình như thơ ca làm người ta dễ yêu nhau hơn thì phải.

Tôi vào miền Nam lập nghiệp, phương Nam nhiều nắng gió, người ta sống công nghiệp và vội vã những bon chen. Tôi vẫn yêu thơ nồng nàn, thơ vẫn là lẽ sống. Nhưng dần dà thơ đăng báo ít đi, không phải là tôi không hứng thú nữa mà là vào thời gian gần đây nhiều báo đã bỏ đi trang thơ. Tôi không còn nơi để gửi nữa, tôi muốn gửi lòng tôi đến mọi người "để tình trang trải khắp muôn nơi" nhưng không được. Tiền thì tôi không có để in thành sách, thơ viết ra chất đầy bàn mà không biết gửi về đâu. Tôi hơi buồn! Hơi thất vọng.

Tôi lại đổi hướng sang viết truyện. Dù sao đó cũng là một kiểu tư duy mới mà thôi. Không biết có thành công không nhưng quả thật là khi gửi truyện ngắn đầu tiên đến báo Kiến Thức Ngày Nay, tôi được chọn đăng một truyện ngắn dã sử.

Rồi sau đó là truyện ngắn Cù lao trên báo Người Lao Động (Truyện ngắn này sau đó được tuyển chọn vào 10 truyện ngắn trẻ hay nhất năm 2006 do số báo Văn Nghệ Trẻ xuân Đinh Hợi phát hành, được đọc trên sóng FM của nhiều đài). Đến truyện ngắn Ung thư pháp đăng trên Người Đương Thời, "được" và "bị” gây phản ứng quyết liệt, được tạp chí này mở diễn đàn tranh luận sôi nổi đến nỗi CLB thư pháp của TP Hồ Chí Minh phải vào cuộc...

Nhưng tôi vẫn không quên được thơ. Đó là điều tôi day dứt nhất.

Tôi ngưng làm thơ thật rồi. Nhưng có lần mẹ tôi hỏi tôi giọng buồn buồn: "Con không có bài thơ nào đăng báo nữa à?". Tôi chợt giật mình. Đã lâu lắm tôi không còn làm thơ nữa. Nhưng câu hỏi của mẹ đã kéo ngược tôi lại, tôi quay về với thơ như một lời tạ tội, ăn năn. Tuyển tập Áo Trắng trở lại như một duyên nợ của những người tâm huyết với giới trẻ.

Như bao thế hệ đã trưởng thành từ Áo Trắng, tôi lại tìm đến thơ và thử nghiệm ở ngôn ngữ thơ Tân hình thức. Guồng quay của thơ ca lại một lần nữa làm tôi tỉnh ngộ. Dù bây giờ tôi không còn viết sung sức như cách đây mấy năm nhưng còn yêu đời nên tôi phải viết, phải viết để đền ơn những người đã trao gửi niềm tin nơi tôi. Vì thơ tôi sẽ trở lại. Các bạn hãy chờ xem nhé!

EOPhkDs4.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 (ra ngày 1-04-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHAN DANH HIẾU(Trường Bùi Thị Xuân, Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên