Nghe đọc nội dung toàn bài: |
“Bạn là xưởng trưởng bảo trì. Hãy lên danh sách các thiết bị và dụng cụ cầm tay cho xưởng của bạn. Bạn có một giờ để chuẩn bị”. Đây là một tình huống giả định mà nhà tuyển dụng đặt ra đối với một SV tốt nghiệp với điểm số các môn rất cao. Nhà tuyển dụng không yêu cầu kiến thức gì cao siêu nhưng kỹ sư này đã lúng túng, không đáp ứng được. Ông Võ Sĩ Hào, giám đốc chi nhánh HCM City Alcatel - Lucent Vietnam Limited, mang đến hội nghị một dẫn chứng sinh động về chuyện đi xin việc của một SV vừa rời ghế nhà trường như trên.
Ông Hào nói: phần lớn công việc không đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, nhưng đòi hỏi kiến thức tổng hợp và khả năng giải quyết từng vấn đề trên thực tế. Các đơn vị sản xuất luôn đặt ra các yêu cầu rất cụ thể cho vị trí họ tuyển dụng. Trong khi môi trường ĐH của chúng ta là môi trường học thuật, SV ra trường chuẩn bị cho các công việc theo hướng chuyên môn cao hoặc sâu. Do vậy, khó hoặc không thể đáp ứng yêu cầu thực tế.
Còn ông Nguyễn Hải Sơn, phó giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật cơ điện lạnh, thương mại xây dựng Phố Việt, dẫn ra hai vấn đề: đa số SV ra trường phải làm việc trái nghề, tỉ lệ SV ra trường làm đúng chuyên môn mình đã học rất thấp; các doanh nghiệp luôn phải đào tạo lại SV mới ra trường. Nguyên nhân do nhiều ngành nghề trường đào tạo đã không còn phù hợp thực tế hoặc đã bão hòa. Kiến thức SV sau tốt nghiệp còn mang nặng tính hàn lâm và thiếu thực tế công nghệ. Mặt khác, chương trình đào tạo ở trường ĐH dành quá nhiều cho các môn học đại cương, các môn chuyên ngành còn ít.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cũng đặt hàng đối với “sản phẩm” của trường: “Giáo viên trường đào tạo có kiến thức khoa học vững vàng nhưng nên rèn luyện tay nghề chuẩn hơn. Giáo viên nghề nhất thiết phải giỏi thực hành. Giáo viên thao tác mẫu không chuẩn không thể dạy tốt được”.
Khoa điện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phản ánh một nghịch lý tồn tại từ rất lâu nhưng vẫn chưa có hướng ra: “Hiện chúng ta phải đào tạo SV theo diện rộng vì cũng chẳng biết sau khi tốt nghiệp SV sẽ làm ở đâu, ai tuyển dụng... Nói chung là đào tạo không có địa chỉ rõ ràng. Trong khi đó, yêu cầu nhà tuyển dụng lại rất khác nhau khiến chúng ta thật sự bị động, lúng túng...”.
Theo ông Võ Sĩ Hào, SV ra trường thường đặt câu hỏi: có công việc nào phù hợp với chuyên môn của mình, trong khi các đơn vị tuyển dụng lại đặt ra yêu cầu tìm ứng viên nào đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của doanh nghiệp? Để đáp ứng được yêu cầu này, ngay từ năm 3 SV nên có những chuẩn bị cần thiết không nằm trong chương trình: khả năng thích ứng, khả năng ngoại ngữ, làm quen với các cuộc phỏng vấn... Nhà trường, các khoa nên tăng cường nhiều hoạt động ngoại khóa để SV tiếp xúc doanh nghiệp.
Trần Nam Phương, cựu SV khóa 87, lại đặt vấn đề: nhà trường cần nghiên cứu rút ngắn thời gian học (còn 3,5 hay bốn năm thay vì năm năm) nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bằng cách đưa một số môn học tự nghiên cứu, có kiểm tra. Trường có thể tạo điều kiện cho SV làm thêm ngay tại trường bằng chính ngành học của mình (ví dụ bằng các đề tài, dự án...) từ năm đầu tiên để giảm chi phí học tập giúp SV yên tâm học tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận