Theo tôi, để giảm “chảy máu” ngoại tệ từ việc người dân đi điều trị ở nước ngoài, ngành y tế trong nước còn phải làm rất nhiều việc.
1. Xây dựng dịch vụ y tế hoàn hảo. Ở nước ngoài người ta quan niệm bệnh nhân là khách hàng đặc biệt. Từ quan niệm này, dịch vụ y tế ở xứ người đáp ứng tất cả những gì bệnh nhân mong muốn. Trong khi đó, chúng ta chưa coi bệnh nhân là “khách hàng” nên dịch vụ y tế còn rất kém.
2. Chuyên môn hóa từng chuyên ngành. Ngành y tế VN hiện còn thiếu nhiều chuyên khoa sâu. Khi đi vào từng chuyên khoa sâu thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả hơn.
3. Trang thiết bị hiện đại. Nếu thiếu trang thiết bị cần thiết, hiện đại thì không thể thực hiện các kỹ thuật cần thiết trong y khoa. Ở Singapore hầu như những kỹ thuật cao, mới có trên thế giới họ đều có.
4. Hình thành tập đoàn y tế. Những bệnh viện lớn ở Singapore liên kết nhau thành những tập đoàn y tế hùng mạnh, họ cùng nhau hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm, những kỹ thuật mới. Ở VN thì không ai chịu ai cả!
5. Hình thành khu y tế kỹ thuật cao. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có những khu y tế kỹ thuật cao. Khu y tế kỹ thuật cao sẽ là nơi tập trung nhiều chuyên khoa sâu để cùng hỗ trợ, chia sẻ nhau và tiết kiệm rất nhiều chi phí khác cho bệnh nhân.
6. Xã hội hóa y tế. Nên kêu gọi các tập đoàn y tế lớn ở các quốc gia tiên tiến đầu tư vào VN và có chính sách ưu đãi cho họ.
7. Xóa bỏ cơ chế quản lý lạc hậu, nắm lấy những cơ hội. Mới đây, giáo sư Phạm Thụy Liên (chủ tịch Hội Ung thư VN) có bài đăng trên một tờ báo tâm sự rằng VN cần rất nhiều bệnh viện ung thư để điều trị hàng trăm nghìn bệnh nhân mỗi năm, và nhiều lần ông đã vận động được các nhà tài trợ quốc tế giúp VN xây dựng những trung tâm chuyên điều trị về ung thư. Thế nhưng, bao nhiêu cơ hội đã vụt bay vì vướng những cơ chế quản lý chồng chéo, quan liêu.
8. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng cao trình độ chuyên môn là đội ngũ bác sĩ trẻ của VN cần được học tập ở những nước có nền y tế tiên tiến nhất. Điều này cần một chính sách quốc gia trong việc hợp tác đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận