![]() |
Dây chuyền cắt may của Công ty TNHH quốc tế Chutex - Ảnh: NHƯ HẰNG |
“Người ăn không hết, kẻ lần không ra”
Tính đến 31-7-2004, tổng hạn ngạch (quota) cat.338-339 (áo sơmi dệt kim nam, nữ chất liệu bông) mà Chutex thực hiện được khoảng 1,24 triệu tá (1 tá = 12 chiếc). So với tổng lượng quota cat. này khoảng 15,56 triệu tá thì một mình Chutex đã nhận được gần 10%. Cần biết đây là cat. (mã hàng) được xếp vào loại “cực nóng” của năm 2004 khi các DN khác đều được cấp không đủ so với nhu cầu.
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Thương mại) công bố ngày 17-5-2004, số máy móc thiết bị của Chutex khoảng 3.245 máy. “Nếu tính năng suất bình quân khoảng 20 sản phẩm/máy, mỗi tháng DN này sẽ sản xuất được khoảng 1,6 triệu áo. Vị chi trong bảy tháng tổng sản phẩm DN này sản xuất được khoảng 11,811 triệu áo, tương đương khoảng 984.310 tá”, một chuyên gia trong ngành phân tích. Như vậy, có thể nói công ty đã được cấp dư xấp xỉ 264.000 tá, tương ứng khoảng 3,15 triệu áo!
Trong khi đó các DN khác được cấp bao nhiêu? Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đến 31-7 đã được cấp 260.299 tá. Công nhân của Hanosimex ước khoảng 2.600 công nhân với số máy chừng 2.400 máy. Nếu làm một phép tính tương tự, lý ra DN cũng phải được cấp khoảng 728.000 tá. So với con số thực tế, DN này chỉ được cấp chừng 1/3 và chỉ bằng 1/4 so với Chutex.
|

Trụ sở Công ty Chutex (ảnh chụp chiều 24-9-2004)- Ảnh: T.T.D
Công ty TNHH quốc tế Chutex đặt tại 18 lô C1, KCN Sóng Thần 1 (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), là DN 100% vốn đầu tư của Singapore, được cấp phép vào tháng 9-2000, chính thức hoạt động vào đầu năm 2001 với vốn đầu tư ban đầu 12,5 triệu USD.
Sau một thời gian hoạt động, hiện Chutex đã điều chỉnh tăng vốn lên khoảng 29,86 triệu USD.
Được biết, năm 2002 kim ngạch xuất khẩu của Chutex sang thị trường Mỹ đạt khoảng 65,22 triệu USD. Sang năm 2003, kim ngạch nhảy vọt lên khoảng 87,91 triệu USD. Chín tháng đầu năm 2004, Chutex đã đạt xấp xỉ 53,6 triệu USD.
Dệt may Thành Công cũng không khác mấy. Với số lượng gần 2.800 công nhân, số máy tròm trèm chừng 3.700 máy, Thành Công cũng chỉ nhận được gần 300.000 tá, áng chừng gần 1/4 so với tổng lượng của Chutex đã nhận được.Thê thảm hơn nữa là Công ty thương mại xuất nhập khẩu Tân Phú Cường. Đến tận thời điểm hiện nay DN này chỉ được thực cấp khoảng 97.000 tá, dù có đến 1.000 máy, khoảng 1.500 công nhân! Do chuyên làm cat.338-339 nhưng quota được cấp quá ít, Tân Phú Cường hiện phải chuyển sang sản xuất các mặt hàng không phải là thế mạnh của mình dẫn đến năng suất thấp, lương công nhân không cao, nguy cơ giảm bớt công nhân lao động là điều không tránh khỏi.
Theo ông Phạm Văn Sơn Khanh, giám đốc Sở Thương mại tỉnh Bình Dương, phần lớn các DN dệt may trên địa bàn tỉnh ông chỉ nhận được lượng quota đáp ứng khoảng 50-60%, thậm chí còn ít hơn so với năng lực thực tế. Công ty XN may P là một ví dụ. Tổng quota cat.338-339 DN này nhận được khoảng 55.000 tá, trong khi lượng công nhân khoảng 2.500 người với số máy gần 4.000.
“Quota nhận được chúng tôi chỉ làm veo trong hai tháng là hết sạch. Bây giờ phải chuyển sang làm gia công cho DN khác vì chẳng còn gì để làm”, ông giám đốc thở dài sườn sượt nói. Bi kịch hơn, hiện xí nghiệp của ông đã quyết định đóng cửa phân xưởng sản xuất cat.338-339 hồi tháng rồi, 800 công nhân mất việc.
Một đề nghị nhiều năm chưa đáp ứng!
Sự “ưu ái” dành cho Chutex lại tiếp tục diễn ra trong việc ứng trước quota 2005 cho cat. 338-339. Chutex xin ứng 42.631 tá thì đã được liên bộ hào phóng chấp bút ứng 120.000 tá! Trong khi đó Công ty Tân Phú Cường xin ứng 12.000 tá nhưng chỉ được ứng 590 tá. Công ty may mặc xuất khẩu Dah Sheng quốc tế VN xin ứng 1.907 tá nhưng cũng chỉ được 313 tá...
“Tôi đề nghị liên bộ, trước hết là Bộ Thương mại, phải có sự giải thích về trường hợp của Chutex. Tôi thật sự không hiểu điều gì đang diễn ra. Tại sao Chutex lại được tập trung một lượng hạn ngạch lớn đến mức khó hiểu như vậy?”, ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) - đặt thẳng vấn đề. Đây cũng là quan điểm chung của tất cả DN hội viên của Agtek khi cho rằng “từ trước đến nay chưa từng có DN nào chuyên sản xuất cat.338-339 được cấp một lượng hạn ngạch lớn đến như vậy”.
Để vấn đề này được sáng tỏ, các DN cho rằng Bộ Thương mại cần cung cấp số liệu thành tích làm cơ sở phân bổ hạn ngạch lần đầu của từng DN (tính từ 1-1-2002 đến 31-3-2003, tức 15 tháng đầu tiên). Đây sẽ là cơ sở để xem có phải Chutex nhận được đúng lượng quota đáng có của mình hay không?
Không chỉ đợi bây giờ khi đường dây “chạy hạn ngạch” lộ diện, các yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại cung cấp số liệu thành tích làm cơ sở phân bổ hạn ngạch mới được nhắc đến.
Trong các cuộc họp phản ánh về cơ chế phân bổ quota các năm vừa qua, yêu cầu này luôn được nhắc đi nhắc lại. Nếu được công khai, minh bạch các số liệu thành tích mà DN đạt được, không chỉ Bộ Thương mại tiện việc kiểm soát, mà chính các DN còn có thể tự kiểm tra lẫn nhau. Thế nhưng, yêu cầu đúng đắn này vẫn không được đáp ứng. Tại sao vậy?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận