15/04/2006 06:05 GMT+7

Vì sao 7 HS giỏi bị hủy bài thi?

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Một vụ xìcăngđan lại nổ ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) lớp 12 năm 2005: có tới bảy HS trong cùng một đội tuyển dù có bài làm rất tốt, xứng đáng nhận những giải cao nhất nhưng tất cả chỉ được... 0 điểm.

MM8xkAS0.jpgPhóng to
TT - Một vụ xìcăngđan lại nổ ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) lớp 12 năm 2005: có tới bảy HS trong cùng một đội tuyển dù có bài làm rất tốt, xứng đáng nhận những giải cao nhất nhưng tất cả chỉ được... 0 điểm.

Từ “giải nhất” đến... 0 điểm!

Trong kỳ thi HSGQG năm 2005, tỉnh Thái Bình có 88 HS trong 11 đội tuyển dự thi đủ cả 11 môn. Tất cả HS dự thi HSGQG của tỉnh đều là HS Trường THPT chuyên Thái Bình. Có 47 HS đoạt giải gồm ba giải nhất, 10 giải nhì, 13 giải ba và 21 giải khuyến khích - một kết quả rất khả quan so với các địa phương trong khu vực.

Trong đó, ngược lại với số giải tương đối ở các môn thi khác, đội tuyển tin học của tỉnh chỉ có duy nhất một giải ba. Bảy HS còn lại trong đội tuyển đều có kết quả thi là... 0 điểm. Kết quả này hoàn toàn ngược lại với những “thông tin hành lang” trước đó cho rằng đội tuyển HSG môn tin học của Thái Bình có một kết quả cực kỳ rực rỡ: cả tám thành viên đều đoạt giải với bảy giải nhất và một giải ba.

Ngay khi được chính thức công bố, điểm số này đã làm không ít người có liên quan choáng váng, bất ngờ. Thậm chí có HS sau khi vừa biết thông tin đã cho rằng đây là một sự nhầm lẫn, oan ức và đề nghị các thành viên trong đội tuyển HSG tin học Thái Bình lên tiếng đòi lại danh dự.

Sự thật thì sao? Không có sự nhầm lẫn nào cả. Bảy thí sinh này đã bị hủy kết quả thi vì vi phạm qui chế - theo một nguồn tin chính thức từ Cục Khảo thí - kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD - Bộ GD-ĐT). Bảy bài thi này giống hệt nhau đến từng chi tiết, kể cả những chi tiết sai, những lỗi sơ suất... Hội đồng chấm thi đã xem xét kỹ lưỡng và đi đến quyết định xử lý theo qui chế: hủy kết quả. Còn lại một HS duy nhất trong đội tuyển đã không tham dự vào “bài thi tập thể” được nhận giải ba.

Lỗi của HS?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-4, TS Nguyễn An Ninh, cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, cho biết cục đã thông báo sự việc và yêu cầu Sở GD-ĐT Thái Bình xem xét sự việc và có biện pháp xử lý.

Trong khi đó, ông Mạc Kim Tôn - giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, hiện tham gia đoàn công tác của Quốc hội giám sát tại Bắc Ninh và Hưng Yên (ông Tôn là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) - cho biết ông đã đi công tác từ đầu tuần, chưa nhận được ý kiến chỉ đạo chính thức của bộ, bản thân ông cũng chỉ mới nắm sơ sơ vụ việc. Vì vậy, tuy đã sau hơn một tuần kể từ khi kết quả thi HSGQG được chính thức công bố, Sở GD-ĐT Thái Bình vẫn chưa đưa vụ việc ra xem xét, đánh giá, do vậy chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến sự việc cũng như biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, ông Tôn nhận định: “Đây có lẽ hoàn toàn là lỗi của các em HS. Có thể do các em đã trao đổi bài với nhau”. Lý do, theo ông Tôn, là cán bộ coi thi được hoán đổi 100% từ các tỉnh khác đến. Trong kỳ thi HSGQG năm 2005, cán bộ coi thi ở Thái Bình là giáo viên đến từ Quảng Nam và Hà Tây. Vì vậy “không thể có chuyện cán bộ, giáo viên của Thái Bình can thiệp vào việc làm bài của HS, chỉ do các em tự vi phạm...” (?).

Đây không phải là lần đầu tiên kết quả trong kỳ thi HSGQG có trường hợp phải hủy vì gian lận tập thể. Thậm chí ngay trong kỳ thi năm nay, cũng có một vài trường hợp ở các địa phương khác bị xử lý kỷ luật vì có gian lận như đánh dấu bài… Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc với những gian lận như Cục KT&KĐCLGD đã xử lý với đội tuyển tin học Thái Bình là hoàn toàn đúng.

Nhưng đã đủ chưa? Nếu theo lý luận “chỉ do HS tự phát, trao đổi bài dẫn đến vi phạm”, vậy trách nhiệm của các cán bộ coi thi ở đâu khi có tới 7/8 thí sinh trong phòng thi trao đổi, chép bài của nhau? Hơn nữa, trong một kỳ thi quốc gia chọn HSG xảy ra những vụ việc gian lận tập thể và tiếp tục tái diễn, liệu có thể coi là thường tình? Chỉ xử lý bằng cách hủy kết quả thi của HS đã đủ sức răn đe những hành vi gian lận như thế chưa?

Cuối cùng, xin trích dẫn ra đây ý kiến của nick “DanBD” trên diễn đàn của mạng giáo dục edunet: “Đến lúc chúng ta cần đánh giá lại việc thi HSG: có thực chất hay không? Nhiều HS sau này lên đại học, nhìn lại quãng đường phổ thông đã nhận xét thẳng: giá trị ảo! Mỗi năm đậu hàng nghìn HSGQG, thế nhưng trong số đó có bao nhiêu người giỏi thật sự? Còn chuyện lấy thành tích thì ở đâu cũng có! Để đạt kết quả, người ta bỏ ra hàng đống tiền mời GS dạy cho trúng đề. Thi HSG bây giờ không còn là chuyện thi đấu sòng phẳng nữa!”.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên