![]() |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Lúc nào mẹ cũng cho hai đứa mặc đồ giống nhau, và chúng tôi luôn xun xoe trong những chiếc váy đầm xinh xắn mẹ để dành tiền mua cho. Ba đi làm xa, thi thoảng về lại ôm chúng tôi nựng lấy nựng để! Tôi lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ và sự hiện diện của nó bên cạnh.
Trong những buổi họp mặt gia đình, ba mẹ hay kể về chúng tôi ngày còn bé xíu. Khi chúng tôi còn nằm nôi vẫn luôn nắm tay nhau, không chịu rời ra cả trong lúc ngủ. Rồi lúc nó đi lạc, tôi khóc bù lu bù loa không nói được tiếng nào, chỉ biết ú ớ “em… em…” thấy mà thương! Ngay khi hai đứa mới học mẫu giáo, lúc nó bị ăn hiếp bởi những thằng nhóc to con thích trêu con gái, tôi đã lao vào đánh mấy thắng nhóc ấy như điên, để rồi “con gái con đứa” mà mặt mũi đầy vết cào cấu. Vậy mà khi thấy nó bẽn lẽn tới bên tôi, tự nhiên tôi lại òa khóc như đứa trẻ. Tôi cũng biết điều đó, tôi biết từ bé tôi đã là “anh hùng”, là “thần tượng” của nó, bởi thế tôi cũng luôn cố gắng xây dựng hình ảnh của mình thật hoàn hảo để được nó “hâm mộ” mãi. Mỗi người có mỗi cách yêu thương, tôi yêu thương nó theo cách đó.
Lên cấp hai, tôi ngày càng ngỗ ngược. Nó nữ tính hiền thục bao nhiêu thì tôi lại đanh đá bấy nhiêu. Được cái tôi chăm học. Tôi chăm học cũng chỉ vì nó, vì tôi muốn làm gương cho nó, vì tôi muốn nó luôn tôn trọng tôi, tôi muốn tôi phải là “số 1” trong mắt nó. Dường như nó cũng biết thế, lúc nào nó cũng tự hào giới thiệu với bạn bè theo kiểu “tớ là em của chị ấy đó”. Tôi hỏi thì nó bảo: “Vì em là em của chị, em hãnh diện về điều ấy”.Tôi vui, và cũng như bao lần tôi cho điều đó là hiển nhiên. Mà thật, ngày ấy tôi cũng nghĩ rằng nó phải lệ thuộc tất cả vào tôi. Tôi tự cho phép mình đặt ra cái quyền ấy, và tôi bắt nó phải theo tôi. Nhưng rồi tất cả đã thay đổi từ khi chúng tôi bước vào cấp ba, và đó cũng là lúc giữa hai chị em bắt đầu có những xích mích đầu tiên…
Nó chưa bao giờ cãi lời tôi, nó luôn xem tôi như một “hình mẫu” và để tôi quyết định tất cả cho cuộc sống của nó. Còn bản thân tôi, tôi luôn cho mình là đúng, đồng thời cũng biến mình thành một kẻ tự kiêu. “Xin lỗi chị, em sẽ học tự nhiên, đó là ban em thích”, nó nói mà không chút chần chừ do dự. Lúc đó tôi cũng không tin vào tai mình và lần đó hai đứa cãi nhau to. Đó là lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau, cũng là lần đầu tiên chúng tôi phải học khác lớp. Sau ngày ấy, chúng tôi có đôi phần rời xa nhau chứ không còn thân thiết như trước nữa, bởi lẽ tôi là kẻ ích kỷ, còn nó cũng trở lại bản tính nhút nhát như thường thấy. Tôi không để ý đến những đổi thay của nó, không nhận ra nó cũng đã lớn, bắt đầu nhạy cảm, có những buồn vui tâm sự. Chúng tôi ít nói chuyện với nhau hơn, hoặc đôi lúc nhìn nhau nói vài câu qua loa cho xong chuyện.
“Hình như Nhỏ bắt đầu yêu rồi đấy (cả nhà tôi hay gọi nó là Nhỏ) - mẹ tôi vừa khâu lại cái áo vừa nói - Mà nó cũng lớp 11 rồi, cũng lớn rồi mà!”. Tôi cũng ậm ừ cho qua, nhưng trong bụng thấy tưng tức… Từ đó tôi bắt đầu thấy cô em tôi ý nhị hơn, duyên dáng hơn và cả… xinh hơn! Tôi không nhận ra những biến chuyển khi nó bắt đầu yêu, và cả khi chia tay nó đã hụt hẫng như thế nào.Vì lý do nào đấy mà sang học kỳ 2 em tôi bắt đầu trượt dốc. Nó không còn nói lời yêu thương nữa, suốt ngày cứ như cái bóng vật vờ, vẻ hồn nhiên đáng yêu từ bé cũng không còn. Tôi cũng lo cho nó lắm, tính nó nhu mì, lại trẻ con nữa nên khi bị tổn thương sẽ không đủ mạnh mẽ để đứng dậy như tôi.
Nó thay đổi hẳn khi lên đại học, trầm tính, ít nói và lúc nào cũng cười buồn, Để tiện cho việc học, tôi dọn vào ở luôn trong ký túc xá, hai đứa càng ít gặp nhau. Lúc này gia đình tôi gặp biến cố, mẹ đổ bệnh, ba cố gắng gồng gánh nhưng cũng đã già yếu rồi, mọi thứ đổ ập lên vai tôi, tôi phải đi làm thêm. Tôi xin mãi mới được chân chạy việc trong quán ăn, làm chưa lâu mà cứ được tăng lương liên tục khiến tôi cũng vui. Có bận tới khuya lắm tôi mới thấy nó ở đâu về, gặng hỏi nó không nói, tôi bực mình bảo: “Chừng nào mày mới nên người được!”. Nó hiền quá không nói gì đâm ra tôi cũng ghét. Cứ mỗi lần ghé ngang nhà thấy nó là thể nào tôi cũng mắng, tôi mắng nó không tiếc lời khi nghĩ rằng tôi vất vả học hành, rồi lại làm thêm kiếm tiền mà nó lại ở đó nhởn nhơ đi chơi tới tận khuya.
Tính tình tôi trở nên cáu gắt hơn, lúc nào không vừa ý tôi lại lấy nó ra để “chém thớt”. Có lần tôi đã mắng nó khá nặng để nó phải bỏ chạy ra khỏi nhà mà khóc. Lúc ấy mẹ đã nói với tôi: “Ngày ấy má bệnh, con bắt đầu đi làm, nó cũng đòi theo nhưng má không cho. Con chưa bao giờ thắc mắc vì sao lương tháng con cứ tăng hoài à? Đó là vì sau khi con về, nó đã tới đó làm thêm nữa với danh nghĩa của con đó… Vậy mà con cứ mắng nó là đi chơi khuya…”. Tai tôi ù đi nhưng tim tôi đập mạnh. Bao ký ức từ khi bé thơ với việc nó hiện diện bên đời tôi bỗng chốc hiện lên. Nó là em gái tôi, nó biết tôi đang đau những gì và cố gắng những gì, còn tôi cả những giây phút hạnh phúc lẫn khổ đau của cuộc đời nó, tôi vẫn dửng dưng vì tính ích kỷ của mình. Nó chưa bao giờ xa tôi, chỉ có tôi là tự xa nó bởi những suy nghĩ áp đặt của mình. Còn nó, nó vẫn yêu thương và dõi theo tôi. Tôi gục đầu xuống ghế khóc dữ dội… “Chị sao thế?”. Tiếng của nó làm tôi ngẩng vội lên. Tôi gào lên như trẻ nít: “Em… Em tha thứ cho chị nhé?”. Nó nhìn mẹ rồi nhìn tôi mỉm cười: “Em sẽ tha thứ… Vì em là em của chị mà!”…
Áo Trắng số 2 ra ngày 15/1/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận