14/11/2007 06:02 GMT+7

Vết hằn trong tâm

LÊ MINH CÔNG(Bệnh viện Tâm thần trung ương 2)
LÊ MINH CÔNG(Bệnh viện Tâm thần trung ương 2)

TT - Tình trạng đánh đập hay bỏ mặc và xúc phạm trẻ em mà giới chuyên môn gọi là ngược đãi đang xảy ra ngày càng nhiều. Xin lưu ý đa số các em bị ngược đãi thường có ý tưởng tự sát.

PsglCVjB.jpgPhóng to
Bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã bị chấn thương tâm lý sau khi bị công an xã “hỏi cung” vì nghi ngờ em lấy cắp 47.800 đồng - Ảnh: LÊ THANH HÀ
TT - Tình trạng đánh đập hay bỏ mặc và xúc phạm trẻ em mà giới chuyên môn gọi là ngược đãi đang xảy ra ngày càng nhiều. Xin lưu ý đa số các em bị ngược đãi thường có ý tưởng tự sát.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Em T.H., 13 tuổi, là con trai thứ hai trong một gia đình tại TP.HCM. Em được cha mẹ đưa đi khám với lý do lo âu, hay căng thẳng, xa lánh đám đông và có triệu chứng khí sắc trầm và chán nản, không thể tập trung học tập. Các triệu chứng này xảy ra cách đây một tháng.

Các chuyên viên tâm lý lâm sàng quan tâm chi tiết cách đó hơn một tháng em bị nghi ngờ lấy trộm tiền của một bạn cùng lớp. Thay vì xử lý một cách tế nhị bởi đó chỉ là sự nghi ngờ, cô giáo có những lời nói và hành động làm em tổn thương. Cô bắt em lục tung cặp của mình, làm kiểm điểm và đưa lên văn phòng trường tự suy nghĩ về hành động của mình. Khi gặp các chuyên viên tâm lý lâm sàng, em vẫn chưa hết hoảng hốt và sợ sệt.

Giá mà em...

Em H.A., 18 tuổi, đến trung tâm tham vấn tâm lý với tình trạng sa sút về nhận thức và khí sắc trầm, mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ và có ý định tự sát đã hai ngày, cảm giác của em luôn trống rỗng và buồn quá mức, rất khó khăn khi tiếp xúc với người xung quanh. Các bác sĩ chẩn đoán là rối loạn trầm cảm nặng và điều trị lâu dài. Em có ba chạy xe ba gác, mẹ buôn bán nhỏ tại chợ.

aZf5qTzV.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Bình tại phòng khám chấn thương sau 13 năm bị vợ chồng nhà chủ đánh đập - Ảnh: M.QUANG
Tuổi thơ của em là những trận đòn của ba và lời mắng nhiếc của mẹ. Em thường thấy ba mẹ đánh chửi nhau trong những cơn say của ba. 18 tuổi em vẫn bị ba đánh và vẫn phải nghe những lời nói cay nghiệt từ mẹ. Gần đây, cộng với những áp lực từ kỳ thi cuối cấp, em càng khó khăn và dẫn tới stress bệnh lý mà em không thể chống đỡ được. Em nói với nhà tâm lý: "Cuộc sống của em là những chuỗi ngày đau khổ, giá mà em không có mặt trên đời có lẽ tốt hơn".

Trầm cảm, lo âu

Tại Mỹ, hằng năm có khoảng 4.000 trẻ em chết vì bị ngược đãi hành hạ. Theo Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, đang có hàng trăm triệu trẻ em trên khắp thế giới bị ngược đãi. Tại Việt Nam, các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng trẻ em và thanh niên có mưu toan tự sát và tự sát thường liên quan rất nhiều đến bạo hành, ngược đãi. Tại Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, trong sáu tháng đầu năm nay, số trẻ đến khám và điều trị tâm lý có nguyên nhân từ sự ngược đãi của thầy cô giáo, cha mẹ tăng cao và chiếm khoảng 1/4 trong tổng số 400 trẻ đến khám.

Hai loại ngược đãi

Ngược đãi có thể chia ra làm hai loại chính: thể xác và tinh thần. Ngược đãi thể xác là dùng sức mạnh hay một phương thức nào đó hành hạ, đánh đập làm tổn thương đến thể xác của trẻ. Còn ngược đãi tinh thần là dùng tác động ngôn ngữ, hình ảnh... làm tổn hại đến tinh thần của trẻ. Cả hai loại ngược đãi đều mang đến cho trẻ những tổn thương thể xác và tinh thần. Đa số bị ngược đãi thường ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, nhiều em rơi vào các trạng thái rối loạn tâm thần và hành vi.

Hành vi ngược đãi luôn để lại những sang chấn tâm lý nặng nề, phần lớn các em rơi vào stress, lo âu... Nhiều em rơi vào các trạng thái rối loạn tâm thần như trầm cảm và các bệnh tâm căn khác. Đa phần các em bị ngược đãi thường có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Các nhà tâm thần học cho rằng tất cả trẻ em bị ngược đãi dù trong hoàn cảnh nào, với đối tượng nào cũng lưu lại những sang chấn tâm lý âm ỉ cả cuộc đời. Chúng tôi đã gặp những gia đình mà ba hoặc mẹ hành hạ con bởi chính họ cũng có một tuổi thơ đầy rẫy những tủi hờn, đòn roi. Có những người gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình bởi họ có một gia đình không êm ấm và thường xuyên bị ngược đãi.

Để hạn chế tình trạng ngược đãi trẻ em đòi hỏi sự phối hợp của toàn xã hội mà vai trò đặc biệt là từ gia đình. Nếu gia đình lành mạnh, luôn hòa đồng và mọi người tôn trọng lẫn nhau sẽ rất ít có sự ngược đãi trẻ.

Nhiều trẻ lại bị ngược đãi ở trường học và ngoài xã hội, do vậy việc xây dựng nếp sống văn hóa và truyền thông đến mọi người về việc chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ là cần thiết và cực kỳ quan trọng. Ở nước ta vấn đề này còn chưa được coi trọng.

LÊ MINH CÔNG(Bệnh viện Tâm thần trung ương 2)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên