Vết bùn lấm tấm trên đôi chân mẹ
TTO - Mẹ không phải là người phụ nữ hiện đại, chẳng phải là cô giáo hay bác sĩ để con có thể khoe với bạn bè. Vậy mà trong lòng con, chưa khi nào con thôi tự hào về người mẹ quê mùa, chân chất, hiền hậu của mình.
Nhiều khi nhìn tay chân mẹ nứt nẻ, làn da mẹ sạm đen vì nắng gió miền Trung, con không khỏi chạnh lòng. Ngày chúng con còn bé, bố đi bộ đội, mình mẹ ở nhà đánh vật với gần một mẫu ruộng. Mẹ vẫn thường dạy chúng con câu hát: “Bố đi đánh giặc giữ nước. Mẹ đi trồng khoai, trồng lúa, trồng hành”.
Sự lam lũ của mẹ thể hiện ở dáng đi vội vàng với đôi quang gánh trên vai, với quần ống thấp ống cao. Mẹ nhoài mình để cho chúng con một cuộc sống đầy đủ hơn. Trong bữa cơm, mẹ luôn nhường cho chị em con những miếng ngon nhất. Ngày ấy, con không hiểu tại sao mẹ “thích” ăn đầu cá trích, sao mẹ không thích ăn những miếng cá ngon như chúng con?
Con cũng không biết tại sao mẹ không thích may áo mới? Tại sao mẹ vẫn mặc chiếc áo trứng sáo đã bạc màu cả lưng bao năm trời? Con không hiểu tại sao mẹ thích ăn cơm độn sắn độn khoai mà không ăn cơm trắng như chúng con? Con cũng không biết tại sao mẹ không thích đi dép? Có rất nhiều câu hỏi mà lớn lên con mới có câu trả lời.
Dường như tình yêu thương mẹ dành hết cho chồng, cho con. Ốm, mẹ chẳng dám mua thuốc vì sợ tốn tiền và không muốn đụng vào tiền đóng học của các con. Năm lớp 8, con phải ở lại lớp vậy mà con không biết rằng mẹ đã bí mật gặp cô giáo để xin cho con lên lớp như chúng bạn. Dường như điều mẹ sợ nhất là chúng con thất học. Mẹ vẫn bảo ăn khoai, ăn ngô mà các con nên người thì mới là nhà có phúc, ở mảnh đất miền Trung cằn cỗi “chó ăn cát, gà ăn sỏi” này muốn sướng thì phải học.
Con thật xấu hổ khi nhớ lại ngày còn nhỏ, trong bữa ăn con cầm đôi đũa vặn cái đầu cá trích gắp vào bát mẹ và nói: “Mẹ ăn tạm!”. Bởi vì bữa ăn nào mẹ cũng chỉ ăn đầu cá. Hồi còn bé, con bị chó cắn, mẹ bế con chạy lên tận trạm xá xa hơn 3 cây số để rửa vết thương. Khi con vô tình nhìn xuống chân mẹ thì thấy vẫn còn lấm tấm đất bùn lên tận đầu gối. Và khi nào giặt quần áo, con cũng thấy quần mẹ có màu bùn đất đục ngầu cả chậu. Mẹ thường nói vui: “Chân mà không lấm bùn thì lúa răng mà tốt được?”.
Ngày bé, con bị vàng móng, lại bị “đi kiết” (đi ngoài) mà dì út đến giờ vẫn thường nhắc lại: “Nhìn mi khi đó đến ruồi cũng chẳng thèm bâu”. Mẹ bụng đói đi tìm thuốc cho con hết xã này sang xã khác, hết huyện này đến huyện khác. Đến khi con khỏi bệnh, mẹ ứa nước mắt: “Cha bố nó, rứa cũng bõ công”. Những ngày miền Trung lũ lụt, mưa bão, mẹ thức trắng đêm để hứng nước vì sợ mưa dột vào người chúng con.
Mẹ chẳng biết 8-3 hay 20-10 là ngày gì cả. Nhưng năm nào con cũng xin tiền mẹ để đi mua hoa, mua thiệp tặng cô giáo. Duy có năm ấy, còn thừa một bông hoa, con đem về cho mẹ - chứ không phải tặng. Con không nghĩ là mẹ lại vui như thế. Con nhớ gương mặt mẹ nở một nụ cười: “Mẹ ở nhà thì cần chi mồng 8-3?”.
***
Năm con thi trượt đại học, một cảm giác hổ thẹn ập đến, trong giây phút nông nổi của đứa con mười tám đôi mươi, con kêu lên: “Con thấy chán đời lắm rồi”. Mẹ lại nhẹ nhàng đến bên con bằng những lời an ủi “rất nông dân”: “Năm nay không cày bừa được thì để năm sau con ạ. Lúa trổ đòng sớm cũng chưa chắc cuối vụ thu hoạch được thóc đẹp mô”.
Rồi mẹ nhìn thẳng vào mắt con: “Mi mới 18 tuổi, phía trước còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón. Có chi mà phải kêu chán đời?”. Mẹ nói đúng, con mới tí tuổi mà đã la chán đời thì thử hỏi sau này nếu gặp khó khăn trên đường đời, liệu con có thể vượt qua được hay không?
Cuối cùng ước nguyện trở thành sinh viên ĐH Kiến trúc của con cũng trở thành hiện thực. Được tung tăng trong môi trường mới, con như chú chim đủ lông đủ cánh bay ra khỏi tổ ấm. Nhưng dường như từ lúc ấy con càng trở nên vô tâm hơn.
Tiền hằng tháng bố mẹ gởi ra, con thỏa sức chi tiêu mà không nhớ rằng ở quê bố mẹ đang dãi nắng dầm mưa. Con nhịn ăn để mua quần áo, giày dép đua đòi theo chúng bạn. Con không muốn bạn bè nói mình là: “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”. Con đâu biết rằng ở nhà, đã bao năm nay bố mẹ vẫn chưa có một bộ quần áo mới? Con cũng đâu biết rằng bố mẹ chật vật ra sao mỗi khi chu cấp tiền cho con và em trai đang học ngoài Hà Nội?
Mỗi lần về thăm quê, con có cảm giác mẹ vẫn như ngày xưa, cần kiệm và sống quên mình. Hầu như bữa cơm nào mẹ cũng gắp thức ăn vào bát chúng con. Có lúc con đã rất khó chịu và tỏ thái độ gay gắt: “Mẹ kệ con đi, để cho con tự nhiên. Mẹ cứ gắp thế này con ăn mất ngon”. Mẹ không nói gì nhưng nét buồn hiện trên gương mặt. Tại con vô tâm chẳng biết đó là sự quan tâm của mẹ? Hay con đã trót quên mất những ngày còn bé, mẹ chỉ “thích” ăn đầu cá trích, chỉ “thích” ăn cơm độn sắn độn khoai để nhường cơm trắng cho các con?
Chỉ đến cuối năm 2009, khi con bị sốt xuất huyết, con mới thấy rõ tình mẫu tử lớn đến chừng nào. Nghe tin con nhập Bệnh viện Bộ Xây dựng (Hà Nội). Mẹ từ Thanh Hóa bắt xe ra ngay trong đêm hôm đó. Khi vừa nhìn thấy con, mẹ đã nói: “Mẹ đang gánh nước tưới hành ở ngoài đồng, bác Huệ chạy ra báo là mi vào viện nên mẹ ra luôn”. Rồi mẹ gặp bác sĩ để xin truyền máu cho con. Nhìn đôi bàn chân mẹ vẫn còn lấm tấm bùn đất, vẫn quần ống thấp ống cao, mẹ không lẫn vào đâu được. Cái mùi mồ hôi ngai ngái vẫn còn vương trên chiếc áo bạc phếch của mẹ khiến nước mắt con tự nhiên rơi.
Gần một tháng nằm trong viện, nhìn mẹ ngồi vạ vật, mất ngủ, con mới thấy thấm thía và ân hận. Trong viện toàn người tứ xứ, dáng mẹ tất tả, giọng mẹ vẫn “mô, tê, răng, rứa” thật quê cục mà nghe ấm áp làm sao. Những khi mẹ chạy theo bác sĩ để hỏi bệnh tình của con, con mới càng thấm tháp nhiều điều ý nghĩa.
Hằng ngày đôi bàn tay nứt nẻ, thô ráp của mẹ vẫn tỉ mỉ lau mặt cho con mỗi sáng, mỗi tối tựa như ngày con còn là đứa trẻ lên ba, lên năm vậy. Vẫn là những cử chỉ ân cần, tự tay mẹ bón cho con ăn từng miếng cơm và thức trắng đêm để chăm sóc, canh cho con ngủ. Khi ấy, con tự hỏi mình từ xưa đến nay đã bao giờ nấu cho bố mẹ bát cháo nóng khi trái gió trở trời? Con đã bao giờ hỏi, động viên mỗi khi bố mẹ mệt hay chưa?
Dường như lúc nào con chống chếnh mẹ đều ở bên. Con vẫn thường trêu: “Cứ nhìn thấy đôi chân mẹ là con thấy củ khoai lang nướng”. Mẹ lại nở nụ cười rất đẹp. Bởi nhờ có “củ khoai lang” đen đúa ấy, con mới có được ngày hôm nay.
Với con, mẹ đẹp nhất là cái lúc đôi chân còn lấm tấm bùn màu với quần ống thấp ống cao. Con yêu hình ảnh quê mùa, bình dị ấy của mẹ biết bao bởi vết bùn vương sự lam lũ, chân chất của người mẹ hiền.
Con của mẹ!
HÀN TRỌNG THỨC (nguồn: www.netbuttrian.vn)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận