![]() |
Ông Ngũ Duy Anh - Ảnh: Vĩnh Hà |
Theo ông Ngũ Duy Anh, khi chỉ đạo ngành GD-ĐT triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, đặc biệt là khuyến khích tổ chức các hoạt động gần với truyền thống dân tộc.
Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị phối hợp với Liên đoàn Vovinam VN, các liên đoàn vovinam địa phương trong việc phổ biến rộng rãi vovinam. Theo đó các địa phương tùy theo điều kiện của mình, có thể phối hợp với Liên đoàn Vovinam VN để giới thiệu môn võ này trong chương trình hoạt động ngoại khóa.
* Hiện có nhiều môn võ thuật đã và đang được đưa vào nội dung hoạt động ngoại khóa của các nhà trường, vì sao Bộ GD-ĐT không giới thiệu các môn võ thuật khác mà lại là vovinam? Nếu triển khai vovinam trong các nhà trường, những hoạt động thể thao tương tự khác có phải hạn chế hoặc ngừng hoạt động?
- Dù nhiều trường đã chủ động phối hợp tổ chức việc dạy võ thuật nhưng đến nay mới chỉ có Liên đoàn Vovinam VN làm việc với Bộ GD-ĐT để đề xuất việc tiếp cận các nhà trường nhằm tuyên truyền cho môn võ này.
Từ đây, Bộ GD-ĐT cũng tìm hiểu kỹ thực lực, mục đích triển khai hoạt động của vovinam. Trong đó chú ý đến việc “dạy võ” nhằm tăng cường thể lực, tinh thần tập thể của học sinh song song với “dạy đạo” nhằm giúp học sinh có hành xử đúng mực, hướng thiện.
Vì thế, Bộ GD-ĐT mới có công văn giới thiệu vovinam với các sở GD-ĐT. Nhưng đây không phải là yêu cầu bắt buộc các sở GD-ĐT phải thực hiện. Các trường cũng không được phép ép buộc học sinh phải học vovinam.
Việc có hay không triển khai vovinam trong các nhà trường tùy thuộc sự bàn bạc, thống nhất giữa Liên đoàn Vovinam với ngành GD-ĐT các địa phương, trên cơ sở có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và đáp ứng nhu cầu học sinh. Bộ GD-ĐT khuyến khích nhưng không bắt buộc thực hiện việc đưa vovinam vào nhà trường.
* Việc chỉ có duy nhất vovinam được Bộ GD-ĐT chính thức giới thiệu sẽ có nhiều đơn vị giáo dục hiểu lầm đây là chủ trương bắt buộc của Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ xử lý điều này thế nào?
- Tùy điều kiện của từng trường, điều kiện riêng của học sinh, nhu cầu, sở thích của các nhóm học sinh khác nhau và thời lượng dành cho hoạt động ngoại khóa, các trường có thể lựa chọn và tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa phù hợp.
Khi Liên đoàn Vovinam đề nghị, chúng tôi đã tìm hiểu và thấy môn võ thuật này đã được triển khai ở 36 tỉnh, thành phố, với đội ngũ võ sư đủ điều kiện huấn luyện lên tới trên 3.000 người. Với thực lực này, vovinam có khả năng triển khai được ở nhiều trường học.
Nhưng để phủ khắp các trường phổ thông trong lĩnh vực thể thao, giải trí cho học sinh, cần có sự hợp tác của nhiều đoàn, hội khác. Vì vậy chúng tôi mong muốn có nhiều hơn lực lượng xã hội chủ động góp tay cùng ngành GD-ĐT trong việc giáo dục học sinh.
* Có nhiều ý kiến lo ngại các hoạt động ngoại khóa sẽ làm tăng chi phí cho cha mẹ học sinh. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Như tôi đã nói ở trên, đây là hoạt động không mang tính bắt buộc. Vì vậy, trước khi quyết định đưa vovinam hay các hoạt động thể thao, giải trí vào nhà trường, các trường cần tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh, việc thu phí, cách thức thực hiện cũng phải trên cơ sở nguyện vọng của người học.
Các trường có quyền từ chối không triển khai nếu thấy không phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh của học sinh và điều kiện của trường.
* Bộ có lo ngại việc khuyến khích đưa vovinam và các môn võ thuật vào nhà trường sẽ khiến việc loại trừ bạo lực học đường trở nên khó khăn hơn?
- Không chỉ ở VN mà trên thế giới, những người trước khi học võ phải học đạo. Họ biết học võ để làm gì, sử dụng điều đó vào những tình huống như thế nào và thực tế những người học võ lại là những người ít dùng bạo lực để xử lý các tình huống trong cuộc sống. Những người được tiếp cận với võ thuật một cách nghiêm túc luôn biết kiềm chế mâu thuẫn tốt hơn.
Cả nước hiện nay có tới hàng ngàn trường học và mỗi nơi lại có những nhu cầu khác nhau. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là đưa những môn võ truyền thống của người VN vào các chương trình ngoại khóa đối với học sinh, sinh viên.
Nếu các môn phái võ cổ truyền khác của VN cũng muốn truyền bá võ Việt đến với học sinh, sinh viên thì ngành giáo dục sẽ mở mọi cánh cửa để học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp cận.
Vovinam sẽ có mặt tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2012 Trong công văn ký ngày 21-7 của Bộ GD-ĐT do ông Ngũ Duy Anh chấp bút có đề cập việc đưa vovinam vào các trường học sẽ là cơ sở để vovinam thành một trong những môn thi có mặt tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012 tại Cần Thơ. Ông Ngũ Duy Anh cho biết tại các hội khỏe Phù Đổng, ngoài 15 môn thi đấu chính thức được xác định trước, địa phương đăng cai tổ chức có quyền đề xuất một số môn thi đấu khác với điều kiện phải được ít nhất 15 địa phương đồng ý. Tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2012, Cần Thơ đã đề nghị đưa vovinam vào chương trình thi đấu chính thức và đã có trên 15 tỉnh, thành phố đồng ý tham gia. Như vậy vovinam sẽ có mặt tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2012. |
___________________
![]() |
Vovinam sẽ giúp học sinh phát triển về thể chất lẫn tinh thần thượng võ - Ảnh: H.Long |
Tổng thư ký VVF Võ Danh Hải:
Trọng tâm là giáo dục võ đạo
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chủ trương của Bộ GD-ĐT đưa môn võ vovinam vào trường học, tổng thư ký Liên đoàn Vovinam VN (VVF) Võ Danh Hải khẳng định: “Đây là tin vui, bước ngoặt quan trọng của vovinam sau khi Liên đoàn Vovinam thế giới đã ra đời và vovinam sẽ có mặt tại SEA Games 2011”.
Theo ông Hải, việc đưa vovinam vào trường học không mới bởi đã được thực hiện tại một số trường ở TP.HCM, Đà Nẵng, giờ chỉ là mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng HLV (cả nước chỉ có vài ngàn HLV vovinam thực thụ) không đủ đáp ứng nhu cầu.
Để giải quyết vấn đề này, VVF dự định mở các khóa đào tạo ngắn hạn (khoảng hai tuần) và cung cấp băng đĩa, tài liệu cho giáo viên thể chất các trường để họ đủ khả năng trở thành hướng dẫn viên vovinam trong việc dạy học sinh. Sau đó, lực lượng này sẽ tiếp tục được bồi dưỡng vào mỗi kỳ hè.
Trước mắt, đối tượng dạy vovinam trong trường học là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 và giáo trình chỉ là căn bản vovinam. Sau bốn năm học thì trình độ học sinh sẽ tương đương võ sinh đai đen.
Trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, học sinh không nhất thiết phải mặc võ phục khi tập để giảm bớt khó khăn về chi phí.
Theo ông Hải: “Việc dạy vovinam ở trường học không chỉ đơn thuần rèn luyện thể chất mà quan trọng nhất là học sinh sẽ được giáo dục võ đạo, biết cách đối phó với nhiều tình huống khác bằng thái độ “nhu hòa” khi bị khiêu khích...”.
Đó là những giải pháp ban đầu, còn sâu xa hơn VVF phải khơi gợi được lòng đam mê của người Việt với vovinam. Do đó, VVF dự kiến sản xuất phim truyền hình về vovinam như bộ phim Hàn Quốc Cú nhảy cuối cùng từng một thời kéo người hâm mộ đến với bóng rổ.
Ngoài ra, việc lôi kéo nhiều ngôi sao đến với vovinam cũng là phương án hiệu quả. Hiện nay, hai ngôi sao điện ảnh VN là Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn cũng đang học vovinam và sắp thi lên đai.
T.PHÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận