Phóng to |
Đàn em “Vệ út” hát mừng chiến thắng Sông Thao - Hè 1949 |
175 em nhỏ đã tham gia làm cứu thương, tiếp tế, trinh sát, liên lạc như con thoi dưới làn đạn địch. Không ít thiếu niên mới 13-15 tuổi trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Và họ được vinh dự mang tên “Vệ út quyết tử Thủ đô”.
Làm sách để nhớ về “thủ đô huyết lệ”
145 bức ảnh quý chuẩn bị được ra mắt
Một triển lãm ảnh quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chặng đường hoạt động vẻ vang của các chiến sĩ “Vệ út Thủ đô”, của quân và dân Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa đang được gấp rút hoàn thành và sẽ ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12 năm nay tại Triển lãm số 45 Tràng Tiền - Hà Nội.
Bác Đặng Văn Tích 73 tuổi, nguyên là chiến sĩ “Vệ út Thủ đô” say sưa nói về từng trận đánh ác liệt tại Liên khu I, những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí về 60 ngày đêm “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bác cho biết: Những hình ảnh gây xúc động nhất do nghệ sĩ nhiếp ảnh Tiến Lợi khi đó từng là chủ hiệu ảnh “Bella photo” tình nguyện tham gia quân tự vệ bám theo từng trận đánh ghi lại sẽ được giới thiệu tại triển lãm.
Hình ảnh được ghi lại một cách chân thực từ nhiều góc độ của cuộc chiến đã tạo nên bức tranh về 60 ngày đêm chiến đấu hiện ra trên những bức ảnh thật sinh động và hùng tráng.
Người xem như được sống lại những ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra ở Hà Nội với những chiến lũy dựng bằng giường, tủ, bàn ghế, bao cát trên khắp các tuyến phố Hàng Đường. Giao thông hào được đào tại phố Lê Ninh - khu Đông kinh nghĩa thục (ngã ba Tạ Hiện - Cầu Gỗ hiện nay) và tại phố Hàng Thiếc.
Những tổ chiến đấu của tự vệ trên phố Hàng Chiếu, phố Hà Trung. Hình ảnh các chiến sĩ tự vệ quyết tử ôm bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch, những hình ảnh khói lửa cháy ngút trời ở khu Phúc Tân - Long Biên sau đêm 19-12 đầy khốc liệt... tạo ấn tượng rất mạnh.
Phóng to |
Sáng sớm 18-2-1947, đồng bào chở đò đưa bộ phận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng rút khỏi Hà Nội |
Nhiều bức ảnh xúc động về hai “Vệ út” nhỏ tuổi nhất là Phạm Đình Luận 9 tuổi và Trang Công Lũy 10 tuổi biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội; về các chiến sĩ “Vệ út” quyết tử mang trên vai bộ trống ếch nhi đồng người chân trần, người dép lốp đi đầu cuộc diễu hành của trung đoàn Thủ đô tại huyện Đại Từ-Thái Nguyên năm 1947; hay như hình ảnh “Vệ út” Thủ đô hát múa chào mừng Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952… sẽ được đưa ra giới thiệu tại triển lãm càng làm nổi bật tinh thần hăng hái quả cảm của lực lượng “Vệ út quyết tử Thủ đô” tham gia vào mỗi trận đánh, mỗi chiến trường.
Bức ảnh “Xung phong” của nghệ sĩ Tiến Lợi từng đoạt giải Vàng quốc tế và một số bức ảnh đẹp của tác giả Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Duy Kiên… cũng sẽ được giới thiệu tại triển lãm.
Tấm lòng của các cựu “Vệ út quyết tử Thủ đô”
Phóng to |
Nữ tự vệ Thủ đô tại chiến hào - mùa Đông năm 1946 |
Hai trong số những người tích cực nhất tham gia sưu tầm, xây dựng triển lãm đó là bác Nguyễn Trọng Hàm năm nay đã 85 tuổi nghỉ hưu tại Hà Nội và bác Đặng Tích 73 tuổi nghỉ hưu tại xã Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Tây).
Mặc dù tuổi cao lại bệnh tật, nguồn sống chỉ từ suất lương hưu ít ỏi nhưng hai bác đã không mệt mỏi tổ chức các buổi giao lưu, thăm hỏi, động viên liên kết giữa những cựu “Vệ út quyết tử” trong đời sống hôm nay. Điện thoại nhà riêng bác Hàm luôn bận trong những ngày chuẩn bị tổ chức triển lãm.
Ở tuổi 85 chân chậm mắt mờ, nhưng nhiệt tình với hoạt động Ban liên lạc của bác Hàm thì dường như không suy giảm. Vừa viết tài liệu, trả lời phỏng vấn đài truyền hình, làm phim tư liệu, bác Hàm vừa tham gia nói chuyện-giao lưu với sinh viên nhân kỷ niệm ngày 19-12 với tư cách là nhân chứng lịch sử.
“Những ngày đứng trong hàng ngũ “Vệ út quyết tử” với tôi không bao giờ quên. Biết bao kỷ niệm tuổi trẻ-tình yêu của tôi đã gắn với những ngày bom đạn”, bác Hàm tâm sự.
Tìm được ảnh đã khó, công tác phục chế và đính chính, chú thích cũng đòi hỏi không ít thời gian và công sức. Có biết bao địa danh mà các chiến sĩ “Vệ út” đã đi qua. Nhiều nhân chứng lịch sử đã hy sinh hoặc không còn.
Bác Đặng Tích đã đọc nhiều tài liệu, cất công lặn lội tìm đến nhiều gia đình có người thân tham gia “Vệ út”, đến gặp các nhân chứng lịch sử như nghệ sĩ Tiến Lợi để tìm hiểu thông tin. Đã có hàng chục bức ảnh, sự kiện được đính chính lại về thời gian, địa điểm, con người.
Hai cuốn sách giới thiệu về “Vệ út quyết tử” đã được Ban liên lạc cho ra mắt bạn đọc gồm: “Vệ út Thủ đô quyết tử” và “Ấn tượng nghĩa tình”.
Để có kinh phí tổ chức triển lãm và tổ chức sinh hoạt cho các hội viên, Ban Liên lạc đã vận động các hội viên đóng góp theo sức của mình, chủ yếu là trích từ khoản lương hưu tiết kiệm từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng mỗi người.
* Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ quyết tử Liên khu I anh hùng-Hà Nội-Trung Đoàn Thủ đô; tư liệu của Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận