07/03/2021 11:08 GMT+7

Về làng đưa đèn lồng cố đô xuất ngoại

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Bỏ công việc trang trí nội thất tại TP.HCM, anh Nguyễn Ngọc Mẫn quyết tâm về Huế để khôi phục nghề làm đèn lồng cung đình truyền thống của gia đình đã gần như thất truyền từ lâu.

Về làng đưa đèn lồng cố đô xuất ngoại - Ảnh 1.

Tại cơ sở làm đèn lồng của mình, anh Mẫn vừa làm vừa truyền nghề cho người dân, các bạn trẻ cùng địa phương - Ảnh: NHẬT LINH

Sau nhiều trắc trở, cuối cùng nhiều lô đèn lồng xứ Huế của anh Mẫn đã được chuyển đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ...

Bỏ phố về làng làm... đèn lồng

Cơ sở sản xuất đèn lồng cố đô Huế nằm tít sâu trong ngôi làng nhỏ cạnh sông Hương thuộc phường Hương Long, TP Huế. Trước khoảng sân rộng treo đủ loại đèn lồng nhiều màu sắc và 5 người thợ đang ngồi cặm cụi cắt tỉa khung đèn lồng hình con cá. 

"Khi chưa có dịch COVID-19, xưởng làm đèn lồng của tôi thường ngày có khoảng 50 người làm việc. Dịch đến, đơn hàng ít dần và khó đưa hàng ra nước ngoài nên nhân công cũng giảm dần" - anh Mẫn cho biết.

Anh Mẫn kể tiếp chuyện đã "sống chết" với đèn lồng truyền thống từ hơn 20 năm nay, sau khi bỏ việc trang trí nội thất ở TP.HCM vào năm 1999. 

"Ông nội tôi là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Giao - người trực tiếp làm đèn lồng xưa để đưa vào treo trong Đại nội Huế từ thời các vua nhà Nguyễn. Sau do tình hình kinh tế khó khăn, những học trò được ông tôi truyền nghề dần bỏ nghề, dần dần nghề làm đèn lồng xưa biến mất ngay trên mảnh đất cố đô từ khi nào không hay" - anh Mẫn nói.

Về Huế, việc đầu tiên anh Mẫn làm là... mua vé vào Đại nội Huế để trực tiếp nghiên cứu chiếc đèn lồng lục giác có họa tiết con rồng đặt trong điện Thái Hòa do chính tay ông nội anh làm dâng lên cung vua. 

Ý tưởng làm ngay một chiếc đèn lồng tương tự lóe lên nhưng để làm được cần phải có nhiều kỹ thuật uốn nắn thân tre, chọn gỗ để làm khung đèn lồng xưa mà thời điểm đó, theo anh Mẫn, ở Huế gần như không còn ai biết các kỹ thuật này.

"Tôi cũng đã cất công đi tìm những học trò của ông nội tôi nhưng không có kết quả. Có lẽ do cuộc mưu sinh nên họ đều bỏ hết nghề làm đèn lồng xứ Huế. Cũng may sao tôi vô tình tìm được "bí kíp" khi dọn dẹp nhà cửa thấy một cuốn sổ tay của ông nội có ghi chép, vẽ ra khá chi tiết các công đoạn làm đèn lồng xưa" - anh Mẫn hồ khởi khoe.

Sau một tháng vừa làm vừa sửa, chiếc đèn lồng lục giác đầu tiên của anh cũng hoàn thành và ít lâu sau có một doanh nghiệp đến xem rồi trả giá 25 triệu đồng. "Số tiền trên giúp tôi khởi nghiệp, thuê nhân công và chính thức "sống chết" với nghề" - anh Mẫn nhớ lại.

Tự hào khi đưa đèn lồng Huế xuất ngoại

Anh Mẫn cho biết qua 20 năm theo nghề, hiện trong tay anh có hơn 100 mẫu đèn lồng. Tuy nhiều mẫu mã nhưng những chiếc đèn lồng này vẫn giữ được cái hồn của lồng đèn truyền thống xứ Huế, khác hẳn với đèn lồng Hội An hay các dạng đèn lồng nước ngoài khác đang bày bán trên thị trường.

"Đèn lục giác Huế có bộ khung làm từ gỗ thông được tuyển chọn nên chắc chắn hơn các loại đèn lồng khác để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt ở đây. Phần vải làm đèn lồng cũng được chọn từ những tấm vải gấm, tơ lụa tằm có chất liệu khá bền. Họa tiết trên đèn được vẽ bằng tay một cách tỉ mẫn..." - anh Mẫn ví dụ.

Ban đầu để tiếp cận thị trường, anh Mẫn đưa lồng đèn của mình để xin "gửi nhờ" các cửa hàng lưu niệm trên TP Huế. Ngờ đâu khi đưa đèn đến, nhiều chủ tiệm hàng lưu niệm thích quá, mua luôn để bán chứ không cho anh Mẫn "gửi nhờ" nữa. Cũng từ đó, thương hiệu đèn lồng cố đô Huế dần dần tiếp cận đến tay khách hàng.

"Năm 2014, trong một lần đưa đèn lồng đi trưng bày ở một hội chợ tại Hà Nội, tôi làm quen được một anh bạn kiến trúc sư người Nhật. Anh bạn này đặt luôn mấy trăm cái để đưa về Nhật trang trí tại các nhà hàng, khách sạn... Đây là đơn hàng đầu tiên xuất ngoại của tôi" - anh Mẫn kể lại. 

Sau đơn hàng đó, anh Mẫn được mời sang Tokyo (Nhật Bản) để trực tiếp bán lồng đèn cho các khách hàng ở đây.

Anh Mẫn cho biết khi người Nhật mua lồng đèn thì đều hỏi ý nghĩa của những hoạt tiết được vẽ trên mặt vải. "Đó là những bức tranh vẽ sông Hương, núi Ngự, cảnh đẹp của cố đô, những nét thư pháp gắn liền với đời sống Phật giáo xứ Huế" - là câu trả lời của anh Mẫn. 

"Có lẽ họ mua đèn lồng không chỉ vì đẹp để treo mà còn là để trao đổi văn hóa với Việt Nam" - anh Mẫn tự nhủ và chia sẻ.

Bà Phạm Thị Quỳnh Giao - trưởng Phòng văn hóa thông tin TP Huế, thành viên ban tổ chức Festival làng nghề truyền thống Huế - cho biết đèn lồng truyền thống Huế của anh Mẫn mang giá trị thẩm mỹ rất cao. Trong các kỳ festival làng nghề truyền thống Huế, đèn lồng của anh Mẫn luôn được ban tổ chức ưu tiên đặt số lượng lớn để trang trí, quảng bá văn hóa Huế đến mọi người.

"Anh Mẫn là một trong những nghệ nhân có tâm với việc phục hồi nghề làm lồng đèn truyền thống Huế nên mới có nhiều tác phẩm được ưu tiên thế" - bà Giao nói.

Đèn lồng Huế xuất ngoại Đèn lồng Huế xuất ngoại

TT - Không chỉ chinh phục được người tiêu dùng nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam, gần đây đèn lồng của Huế với vẻ đẹp thuần Việt và mẫu mã đa dạng đã được xuất sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản...

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên