![]() |
Cách duy nhất để vào tham quan chiến khu rừng Sác là đi bằng xuồng. Những lối mòn thời chiến tranh vẫn còn đây. Chỉ có điều chúng đã được nạo vét rộng và sâu hơn để thuyền du lịch chở hàng chục người cũng đi được.
Năm 2000, UNESCO đã công nhận đây là một khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của thế giới. Và chính quyết định công nhận này đã góp phần gìn giữ không gian nguyên sơ của rừng Sác cho đến tận hôm nay.
Những cây đước khi xưa che chở cho các chiến sỹ đặc công khỏi bom đạn của đối phương, nay tiếp tục che chở cho di tích trước sự khắc nghiệt của thời gian.
Trung đoàn 10 đặc công nước đã sống và chiến đấu tại rừng Sác từ năm 1966 đến 1975. Xuất phát từ chiến khu này, bộ đội đặc công rừng Sác đã thực hiện hơn 1000 trận đánh lớn nhỏ vào các mục tiêu đầu não của địch trong thành phố Sài Gòn.
Ông bà Hans Jaeger đến từ nước Đức. Chuyến du lịch đầu tiên đến Việt Nam để lại ấn tượng chính là tại di tích chiến khu rừng Sác này. Ông bà Hans thực sự bị thu hút bởi những bức ảnh treo tại đây. Những người lính rừng Sác, họ còn rất trẻ và họ hy sinh khi tuổi mới đôi mươi. Ông Hans nhập ngũ và ra chiến trường chiến đấu khi mới 17 tuổi. Sau này, ông bà đã tham gia các cuộc biểu tình của nhân dân CHDC Đức phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Ông Hans Robert Jaeger – Khách du lịch người Đức, nói: "Đến đây, chúng tôi mới hiểu vì sao cả thế giới đã khâm phục sức sống, sức chiến đấu của người Việt Nam và đã phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Lúc đó, tôi còn nhớ, người biểu tình hô vang Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…”
Những gì mà ông bà Hans và cả thế giới đã khâm phục Việt Nam vẫn còn hiện rõ tại đây. Người chiến sỹ trong chiến khu rừng Sác không mất ý chí chiến đấu ngay cả khi ở đây không có nước ngọt. Những hệ thống lọc nước mặn để lấy nước ngọt thô sơ này là phương tiện để họ sống qua hàng chục mùa khô cho đến ngày toàn thắng.
Ông Nguyễn văn Tám vào chiến khu rừng Sác khi mới 14 tuổi. Sau chiến tranh, ông tình nguyện ở lại để trông nom các di tích của chiến khu và làm một người hướng dẫn viên du lịch. Ông Tám nói rằng, chỉ có sự nhanh nhẹn và sáng tạo mới giúp người lính rừng Sác chiến thắng sự khốc liệt của chiến tranh.
Vũ khí chiến đấu chủ yếu được chế từ phế liệu chiến tranh của Mỹ. Những quả bom tấn, bom tạ được cưa ra, lấy thuốc làm mìn, bộc phá. Và chính những vũ khí tự tạo này sẽ được đem đi đánh các mục tiêu của Mỹ. Trong 9 năm từ 1966 đến 1975, đặc công rừng Sác đã đánh hơn 1000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tàu chiến và phương tiện chiến tranh của Mỹ nguỵ.
Các chiến sỹ Rừng Sác vai trần chân đất từng là nỗi khiếp sợ của đối phương. Nha cảnh sát Sài Gòn lúc bấy giờ đã phải treo thưởng hàng chục cây vàng cho ai bắt được đặc công rừng Sác.
Biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sỹ đặc công rừng Sác đến hôm nay vẫn còn đây. Bức tượng đài tưởng niệm chính là bức thông điệp cho hôm nay và mai sau về sức sống và sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam và con người Việt Nam. 860 trong tổng số hơn 1000 chiến sỹ đặc công rừng Sác đã ngã xuống vì ngày toàn thắng cuối cùng. 30 năm, âm vọng của lòng dũng cảm vẫn còn huyền diệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận