30/03/2013 00:01 GMT+7

Về Bá Giang xem hội thi thả diều

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin dịch vụ - Làng Bá Giang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) có một ngôi miếu cổ thờ ông Nguyễn Cả. Hàng năm làng mở hội vào tháng ba âm lịch, tổ chức rước bánh dày, thi thổi cơm, thi thả diều… Hội thi thả diều lớn nhất ở miền Bắc vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Chẳng ai còn nhớ chính xác lễ hội thả diều bắt đầu được tổ chức khi nào nhưng theo truyền thuyết của dân làng, do những bậc cao niên kể lại, khi xưa dũng tướng Nguyễn Cả sau khi giúp Đinh Bộ Lĩnh thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, xin cáo quan về Bá Dương Nội (Bá Giang ngày nay). Ông đã giúp dân lập làng mạc, khai khẩn đất hoang trồng trọt và cũng chính tướng Nguyễn Cả đã dạy người dân nơi đây biết đến thú chơi thả diều.

Sau này, người dân trong làng quyết định chọn ngày rằm tháng ba hàng năm tổ chức lễ rước bánh dày, hội thi thả diều để tưởng nhớ ân đức của người dũng tướng thương dân hết mực. Hội thi thả diều Bá Giang diễn ra trong không khí trang trọng, giữ được những nét truyền thống. Những con diều tham gia hội thi đều phải là diều sáo, một loại diều truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Mỗi năm, làng cử người khéo tay làm một chiếc diều to làm biểu tượng. Diều dài 5m, rộng 1m50 dán giấy hồng điều, có đề bài thơ:

“Gió hát trăng thanh hồn non nướcSải cánh diều bay nhạc sáo ngân Khí thiêng tướng Cả lưu truyền thống Anh hùng rạng rỡ sáng lòng dân”

Địa điểm thi thả diều là khu vực trước cửa miếu thờ ông Nguyễn Cả đến đề Châu Trần thờ thần bản thổ. Cửa miếu nhìn ra một cánh đồng thoáng rộng bên con đê sông Hồng ôm ấp lấy xóm làng. Một dải hồ trong xanh in bóng nước.

Mở đầu là lễ trình diều, tất cả những người dự thi mang diều đến lễ trình trước cửa miếu. Hàng năm thường có từ 30 đến 60 diều dự thi. Diều to dài 3m, diều nhỏ dài 1m. Người thi đa số ở trong làng, có thêm ở Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Trung…cũng mang diều đến dự.

Buổi chiều quê, khi gió nồm nam lộng thổi, cánh đồng lúa đang thì con gái xao động rì rào. Trước cửa miếu Bá Giang, mấy chục cánh diều nối tiếp bay lên, bầu trời xanh vi vu tiếng sáo… Đứng trên bờ đê, trong làng xóm, ngoài đồng ruộng, ở đâu cũng xem được diều bay. Thỉnh thoảng lại có diều đứt dây bay mất ra phía sông. Có diều chao đảo rồi rơi xuống nước. Lại có những diều đan chéo dây quấn vào nhau, cả hai đều rơi… gây thành những cuộc reo hò huyên náo và những chuỗi cười sảng khoái của người xem.

Lũ trẻ trong làng rủ nhau thả diều con theo hội. Thế là có hàng chục, hàng trăm diều nhỏ dán đuôi bay khắp hội, tạo thành mấy tầng diều, tầng cao tầng thấp bay chấp chới trong gió xuân. Nghe đâu đây ngân nga tiếng "chuông Bồng, cồng Bá" hòa cùng tiếng sáo, tiếng vằng của hội diều. Cảnh sắc làng quê biết bao ngoạn mục.

Cuộc thi thả diều diễn ra từ 1 đến 2 giờ, do ban tổ chức qui định, còn phụ thuộc vào sức gió của thiên nhiên. Những diều do đứt dây hoặc đảo, tự loại khỏi cuộc thi. Thường khi vào chung kết chỉ còn lại trên hoặc dưới 10 diều dự chấm giải. Ban tổ chức trực ở đền Châu Trần. Người có diều dự chấm lùa dây buộc vào hàng cột trước cửa đền. Sao cho diều ở trên cao ứng với nóc thờ miếu ông Nguyễn Cả.

Giải thưởng của hội diều là cờ và tặng phẩm, xếp theo thứ tự nhất nhì ba với tiêu chuẩn diều bay cao không đảo và có tiếng sáo hay. Người được nhận giải lần lượt vào tạ lễ thần và hội thi kết thúc, những cánh diều vẫn tiếp tục bay, tiếng sáo vẫn ngân nga để “hầu thánh” cho đến tận đêm khuya.

Ngày nay, miếu Bá Giang đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa . Người dân ở đây quan niệm rằng cứ năm nào hội diều mãn nguyện thì năm ấy dân làng được “hòa cốc phong đăng”. Di tích và hội diều đều được giữ gìn và kế thừa cho đến ngày nay.

Row1EyxN.jpg

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên