09/05/2005 05:56 GMT+7

Vắt kiệt sức học sinh!

PHẠM PHƯƠNG LAN
PHẠM PHƯƠNG LAN

TT - Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Những lớp học... lúc 23 giờ”, hàng chục phụ huynh học sinh đã lên tiếng phản đối kiểu dạy học phản sư phạm phổ biến ở nhiều trường hiện nay. Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến sau đây:

3zJwk0VR.jpgPhóng to
Trong hộc bàn HS lớp 12, lúc nào cũng đầy ắp sách vở
TT - Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Những lớp học... lúc 23 giờ”, hàng chục phụ huynh học sinh đã lên tiếng phản đối kiểu dạy học phản sư phạm phổ biến ở nhiều trường hiện nay. Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến sau đây:

Là cha mẹ, chúng tôi muốn con cái mình không chỉ phát triển trí tuệ mà còn phải được phát triển thể lực và nhân cách. Thế nhưng, nếu quí vị nào có con học các lớp cuối cấp chắc sẽ vô cùng xót xa. Con chúng ta đang bị vắt kiệt sức bởi kiểu học đối phó cho vấn đề thi cử.

Thưa các vị trong ngành giáo dục! Các vị có thấy rằng cả một năm sôi kinh nấu sử để năm tháng trước khi thi học sinh cuối cấp cả nước phải ngồi học lại từng bài từ đầu năm, không chỉ học một lần mà phải học chừng nào giám thị và thầy cô khảo bài thấy thuộc mới được về! Sáng học, chiều học và tối học như những con vẹt chỉ để vượt qua kỳ khảo thí của các vị. Các vị có xót xa không?

Riêng tôi thật sự đau lòng khi nhìn thấy con mình học đến lả người trong những ngày nắng nóng này. Ở lớp con tôi chỉ có hai cái quạt trần cho 50 học sinh và quạt cũng không còn gió mát mà chỉ quạt ra hơi nóng. Các vị có xót xa không khi các cháu về đến nhà thì mệt nhoài, ăn không được, ngủ không dám chỉ vì ba ngày thi cuối cấp.

Chúng tôi mong mỏi ngành giáo dục phải có giải pháp khác trong chuyện thi cử, đừng vắt kiệt sức của con trẻ để đạt được yêu cầu của ai đó (chứ không phải nhu cầu của xã hội cũng như của bản thân các em).

Cháu là một học sinh trường NK. Sau khi xem xong bài viết của phóng viên Minh Giảng, cháu cảm thấy cần phải nêu thêm nhiều vấn đề nữa để cho tất cả phụ huynh, học sinh đã hay đang chuẩn bị vào trường NK học thì phải có sự cân nhắc rõ ràng. Cháu không có ý nói xấu hay bôi bác ngôi trường này nhưng thiết nghĩ nhiều bậc phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ về trường N mà cứ ép con em mình vào đó học để rồi kết quả cuối cùng là con số 0 thì thật là đáng tiếc, vừa tốn công tốn sức mà lại tốn nhiều tiền bạc.

Cháu học ở trường đã từ năm học lớp 9 đến bây giờ, hồi đó mới vào trường không quen với cách học cả ngày lẫn đêm nên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhiều khi rất mệt mỏi nhưng bài vở vẫn chưa xong mà sáng nào thầy cô cũng kiểm bài rất gắt gao, có thể vì lo cho học sinh, muốn học sinh phải làm được điểm tốt, phải học bài thật chu đáo, đàng hoàng, đi ngay vào nề nếp từ đầu năm học để đến lúc thi tốt nghiệp thì đạt kết quả cao.

Những lý do như thế thì còn có thể chấp nhận được, ngay cả việc phải học cả những ngày chủ nhật, ngày lễ cũng có thể đồng ý. Cháu không phải là một học sinh khá giỏi mà chỉ là học sinh có học lực trung bình khá nhưng cháu đã đạt được kết quả tốt trong kỳ thi cuối cấp, đó cũng là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của thầy quản nhiệm, hiếm khi nào mà gặp được một người thầy tận tâm hết lòng vì học sinh như thế.

Còn hiện nay, thầy quản nhiệm của cháu thì thật là hết chỗ nói. Thầy là người đã được đào tạo bài bản qua trường lớp đại học, là người có học thức, vậy mà sao thầy có thể dùng những lời lẽ thô bạo đối với học sinh, có cách đối xử phân biệt như thế được. Thầy đã có nhiều hành động, nhiều lời nói mà... không còn gì để nói nữa, những lời lẽ đó đâu có phù hợp với trong môi trường học đường.

Còn việc giáo dục học sinh, có cần thiết phải dùng đến những đòn roi mạnh bạo đến như thế không? Dẫu rằng ông bà ta từng nói "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", nhưng chỉ nên đánh cảnh cáo chứ sao lại... Có lẽ nói ra thì thật khó hình dung, cháu nghĩ các cô chú nhà cứ đến hỏi trực tiếp chúng cháu, những học sinh lớp 10, 11, 12 thì sẽ rõ hơn.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng cứ vào trường NK là sẽ thi đậu ĐH, nhưng khi vào rồi thì mới vỡ lẽ. Thật ra ngay từ những năm lớp 10, nhà trường đã có sự sàng lọc rõ ràng, những HS học yếu môn Toán, chỉ cần dưới 5.0 là có nguy cơ ra khỏi trường, đến lớp 12 chỉ còn lại những HS giỏi thì làm sao mà không thi đậu ĐH, tốt nghiệp 100% được cơ chứ!

HS lớp 9 thì sách vở đặt trong hộc bàn, còn những HS lớp 12 thì đặt ra cả bàn và cả dưới đất nữa, cháu nhìn mà thấy sợ. HS lớp 12 thời gian đầu nhìn còn tươi tắn, càng về sau càng phờ phạc, lúc nào cũng ủ rũ thật tội nghiệp. Ngày xưa ông bà ta vẫn học giỏi, vẫn thi đậu, đạt nhiều thành công lớn mà việc học thì vẫn cứ nhàn hạ vô tư chứ đâu như bây giờ.

Tụi cháu học nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu, càng học lại thấy mình càng xuống dốc, trái ngược với khẩu hiệu mà thầy hiệu trưởng đề ra là "Vào trường NK là phải tiến bộ". Tiến bộ đâu chẳng thấy, chỉ thấy ngày càng lùi.

Học phí thì cao, càng lên lớp trên học phí càng tăng, cứ cho rằng cả ba cơ sở gộp lại thì ít ra cũng khoảng 3 tỷ đồng. Vậy mà việc ăn uống lại chẳng ra sao, ở cơ sở 2 như thế nào cháu không biết chứ ở cơ sở 3 thì HS ăn uống rất đàng hoàng, tử tế, chu đáo. Còn ở cơ sở 1 thì thật tệ, cơm canh nguội lạnh, thức ăn thì cứ lặp đi lặp lại đến phát ngán, ngay cả rau má cũng không đủ, chỉ thấy toàn nước với nước. HS đóng tiền đâu có thiếu, tại sao lại không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho HS trong khi lịch học thì cứ ngày càng tăng?

Thầy hiệu trưởng lúc nào cũng muốn đưa những đề nghị rất chính đáng và đúng đắn nhưng những người thực hiện thì không làm theo đúng như vậy, thử hỏi trách nhiệm của các thầy cô giáo đâu hết cả rồi?

Còn rất nhiều điều nữa nhưng không thể nói hết được, cháu chỉ nói đến thế thôi, mong rằng những suy nghĩ này của cháu sẽ được quý phụ huynh đồng tình, và mong quý phụ huynh sẽ suy nghĩ đúng đắn hơn khi cho con em vào học để không có những chuyện đáng tiếc xảy ra.

Cách đây ba năm, khi học lớp 12 tại một trường THPT công lập của TP.HCM, tôi cũng phải tối tối đạp xe đến trường để học theo thời khóa biểu đã được nhà trường sắp xếp. Tôi phải khẳng định: tôi học không tệ, rất khá là đằng khác, và những buổi học “tăng ca” như thế là bắt buộc đối với tất cả học sinh các lớp. Và chúng cũng chỉ bắt đầu xuất hiện từ lúc Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp.

Vậy những buổi tối đó chúng tôi học được gì? Xin thưa, không học gì cả. Thầy cô dạy chậm hơn, cho làm bài tập hoặc ôn lại bài đã học buổi sáng, còn học trò bên dưới thì tán dóc, tranh thủ ăn tối và thậm chí... nằm ngủ! Hoàn toàn không có chút hiệu quả nào! Ấy thế mà những lứa học sinh đàn em sau tôi cũng vẫn phải học “tăng ca” y như tôi lúc trước.

Vậy thì học khuya để làm gì? Chắc chắn chỉ có một đáp án duy nhất: để chạy theo căn bệnh thành tích, để cố nhào nặn cho được một tỉ lệ tốt nghiệp thật đẹp, thật hoàn hảo, để chứng tỏ ta cũng “bằng chị bằng em” với trường khác và với hàng ti tỉ lý do khác.

Điều dễ nhận thấy là những giờ học “tăng ca” như thế hoàn toàn phản tác dụng: học sinh và giáo viên đều phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đằng sau những giờ học đó là sự mệt mỏi, giảm khả năng tiếp thu và tập trung - điều rất cần cho những học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp.

Ở trường chúng tôi, song song với những việc buộc phải làm vì “thuộc về chủ trương”, ban giám hiệu đã tạo điều kiện cho những giáo viên (GV) tình nguyện có thể làm một số việc cần làm nhằm đem đến cho học sinh (HS) sự hứng thú trong học tập. Cụ thể, nhà trường tạo điều kiện cho một số GV tình nguyện tiếp cận với “Phương pháp dạy học cho tương lai”.

Theo phương pháp này, HS trong lớp được chia ra thành nhiều nhóm, các em được giao một vai trò để đóng vai. Ví dụ: những nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, kinh doanh; hay đơn giản hơn: đại diện HS của trường đi dự hội thi về thiết kế và tạo dáng bonsai...

Trong thời gian khoảng vài tuần lễ, dưới sự hướng dẫn của GV, các em tự tìm hiểu một số kiến thức trong sách giáo khoa, nhà sách, thư viện, Internet... Sau đó, HS trình bày lại những kiến thức đã tìm hiểu được. Và dưới sự hướng dẫn của GV, HS tiếp tục tổng hợp những điều hiểu biết của mình để giải quyết một vấn đề mới, hoặc thiết kế một sản phẩm mới...

Với cách học này, HS sẽ cảm thấy thích thú với bài học và thật sự đạt được một số kỹ năng như: biết cách nhường nhịn nhau khi tranh cãi, nghe ý kiến của nhau khi làm việc chung, biết cách và có nhu cầu sử dụng Internet vào việc học. Một cái được rất lớn khác của cách học này là HS thấy sự liên hệ giữa kiến thức phải học và thực tế.

Xin chia sẻ một cách làm của trường chúng tôi. Vì ngồi than trách mãi nhau có lẽ cũng chẳng được gì! Bắt tay vào làm một chút gì đó đi, dù sao cũng còn được... một chút!

PHẠM PHƯƠNG LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên