![]() |
Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ảnh (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm đá mỹ nghệ sang thị trường châu Mỹ, EU và khu vực ASEAN. Năm 2006, cơ sở phấn đấu xuất khẩu 2.000 sản phẩm, doanh thu đạt hơn 10 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2005 - Ảnh: TTXVN |
Khả năng cạnh tranh còn thấp
ĐB Võ Quốc Thắng cho rằng VN gia nhập WTO là một tín hiệu rất tốt, nhưng cũng là một áp lực cho các doanh nghiệp (DN) trong nước. “Ở các nước hiện nay, người ta có những biện pháp để làm sao hạn chế hàng nhập khẩu bằng những qui định của nước sở tại, mình có quyền qui định những tiêu chuẩn để khi hàng hóa nào đạt yêu cầu thì chúng ta mới cho nhập khẩu” - ông Thắng nói.
ĐB Trần Thị Mai Phương (Long An) nói rằng VN đã chính thức là thành viên WTO, sản phẩm hàng hóa của các DN đang phải đối đầu với một sự cạnh tranh quyết liệt. Muốn sống còn và phát triển bền vững, các DN phải đảm bảo có được sản phẩm có chất lượng. Nhưng, theo bà Phương, “thực trạng sản phẩm hàng hóa của chúng ta như hiện nay chưa thật sự đáp ứng yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng và giá thành, khả năng cạnh tranh sản phẩm của các DN còn thấp”. Thực tế trong thời gian qua hàng VN xuất khẩu bị kiểm soát rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật, nhưng hàng nhập về VN lại kiểm soát rất lỏng lẻo. Một số hàng kém phẩm chất như giống cây con, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí cả thuốc tây vẫn vào VN một cách dễ dàng. Nguyên nhân vì sao? Theo ĐB Phạm Thị Thu Hòa (Thái Bình), đó là do quản lý nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu chưa tốt.
Nhiều DN còn nặng về mua bán danh
Chỉ ra những mặt tích cực của hội chợ hàng VN chất lượng cao do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng những hội chợ như vậy “đã tạo ra được những điều kiện rất tốt cho DN quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế của hàng hóa VN trên thị trường trong nước và nước ngoài, giúp điều chỉnh thói quen của người tiêu dùng, đưa họ đến nhiều hơn với hàng hóa VN”. Ông Hậu cũng lưu ý có một số loại danh hiệu hội chợ ra đời sau này khá tùy tiện, việc trao danh hiệu nặng về mua bán danh, bỏ qua yêu cầu chất lượng của sản phẩm.
Ông Hậu cho biết có một số tổ chức ở nước ngoài thường xuyên mời gọi các DN VN để đăng ký được chứng nhận chất lượng này nọ, mang tầm quốc tế, nhưng để nhận cúp ấy, giấy chứng nhận ấy chỉ cần phải làm một hồ sơ hết sức đơn giản, nộp vài ngàn USD, mua vé máy bay bay sang nhận về! Thế mà không ít DN dùng những cúp, giấy chứng nhận ấy để đi khoe khắp bàn dân thiên hạ và lòe những đối tác thiếu thông tin. “Ở dự thảo này chưa thấy đề cập những vấn đề như vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung cho thích hợp” - ông Hậu đề nghị.
V.H.QUỲNH
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Vừa rồi, chúng ta nói là khách hàng dùng xăng pha aceton có thể được bồi thường, thiệt hại của họ chỉ là 200.000 đồng thôi nhưng nếu họ kiện cáo, làm những thủ tục để được bồi thường thì có thể mất rất nhiều tiền và rất mất công. Cho nên gần như không có ai đi kiện chuyện này cả. Nếu chúng ta qui định chặt chẽ thì tôi là người bị thiệt hại, tôi có thể ủy quyền cho một văn phòng luật sư, hiệp hội người tiêu dùng... giúp tôi theo đuổi vụ kiện này, và sau đó người có sản phẩm gian dối này sẽ phải bồi thường cho bản thân tôi có thể vài triệu đồng chi phí kiện và vẫn phải bồi thường đủ. Như vậy mới khả thi, nếu không người tiêu dùng cứ mua một sản phẩm bị thiệt hại chất lượng phải đi thưa kiện thì người ta bỏ hết, không ai làm việc đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận