27/01/2017 16:30 GMT+7

​Vẳng tiếng gà xuân

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

TTO - Chiều giao mùa, tôi nhớ về bức tranh dân gian làng Sình vẽ gà, nét chân phương, màu sắc mộc mạc như tấm lòng của người nông dân chân chất khắc trên mộc bản trăm năm.

Tranh 12 con giáp và tranh gà trống của làng Sình - Ảnh: Xuân Đạt
Tranh 12 con giáp và tranh gà trống của làng Sình - Ảnh: Xuân Đạt
Con gà cũng như con người, chỉ hay được một thời. Hóa kiếp để giữ khí tiết cho nó. Chắc chi đá thêm một trận nữa nó sẽ thắng nổi. Không khéo lại thân bại danh liệt!
Cụ Võ Liêm Sơn

Một chú gà trống kiễng chân đi, dáng điệu hùng dũng, oai phong. Chú có mào đỏ, chân vàng, lông cánh được phối ba màu đỏ, vàng, xanh lá cây nổi bật lên giữa những nét đen thuần hậu. 

Tranh gà làng Sình có kiểu vẽ bức riêng hoặc nằm chung trong bức 12 con giáp. Bức 12 con giáp làng Sình khá sinh động, một mặt trời cách điệu ở giữa trung tâm là biểu tượng âm dương, xung quanh là những tia ánh sáng rẻ quạt, ngoài cùng là 12 con giáp bao quanh được chia ô, kẻ chỉ ngay ngắn.

Con giáp Dậu sặc sỡ nhất, nằm giữa Tuất màu cam đơn điệu và Thân màu tím than buồn bã. Ngắm tranh gà làng Sình như soi thấu được tâm hồn bình dị của những người nông dân chân lấm tay bùn, gửi một chút tình, chút nghệ vào những mộc bản và màu sắc quyện mùi cánh đồng.

Tranh làng Sình giữ được khí chất của gà qua màu sắc và nét vẽ nhuần nhị của một giống loài gắn bó mật thiết với con người cả về ý nghĩa tâm linh và biểu tượng văn hóa. 

Trong tranh, gà luôn có mào đỏ, là mũ ô sa, cánh chuồn biểu thị cho đường công danh rạng rỡ, “văn”, chí tiến thủ của người trong trời đất, công danh vẹn toàn. Chân gà màu vàng, cựa sắc, là sức mạnh của giống loài đá bạt những đối thủ phương hại đến sự tồn tại của giống gà, đó là biểu thị của “vũ” uy dũng vô song.

Chợt nghĩ đến tiếng cục tác của gà mái, tiếng cục cựa của gà trống dẫn đường, gọi bầy gọi con cùng kiếm miếng ăn, chẳng phải là “nhân nghĩa” đấy sao. Nhưng quy lại, chữ “tín” với tiếng gáy dõng dạc hằng đêm báo hiệu giờ giấc chẳng bao giờ quên, chẳng bao giờ sai lệch của loài gà mới là biểu thị lớn nhất về phẩm cách trong hàng 12 con giáp. 

Chữ “tín” ấy của gà gợi lại những lãng quên từ thăm thẳm tỉnh dậy, gặm nhấm vị xuân đương bay đi trong chút hương lưu cữu bên góc nhà cũ. Thức giữa đêm đông, tôi chợt nhớ tiếng gà trong một đêm giao thừa đầy gió rét và mưa phùn của Huế.

Hơi lạnh sánh đặc, dường như lớp lớp nhang khói đóng băng lại trên mâm cúng giao thừa. Hương đèn, hoa quả, dăm chén xôi chè được bày biện trang nghiêm, đó là tất cả vật phẩm cúng đêm giao thừa của gia đình. Tôi ngồi co ro bên hiên nhà, nhìn những giọt nước ngưng đọng trên mái rỉ rả rơi xuống nhánh hoàng mai lấm tấm nụ vàng.

Gió tràn qua mâm cúng, từng xấp giấy vàng mã khẽ lất phất. Bộ đồ cúng giao thừa lung linh trong ánh đèn dầu leo lét.  Không gian yên ắng của một ngôi làng ngoại ô trong đêm trừ tịch ngày nào lắp lại từng mảnh ký ức rời rạc những bánh xe chân phương lăn theo lối kể. Các nhà hàng xóm bận rộn với lễ cúng, người đi tới kẻ đi lui, một vài nhà nồi bánh tét còn chưa chín, khói bếp một góc quyện vào sương. 

Mâm cúng giao thừa - Ảnh: Phạm Bá Thịnh
Mâm cúng giao thừa - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Ở một góc làng, bầu trời ửng hồng một dải sáng, sương khói như về đấy tụ hội cả, ấy là pháo hoa đương bắn bên bờ sông Hương xa chừng dăm cây số. Những âm thanh pháo hoa đùng đục lay động giữa trời kéo lòng tôi bận rộn.

Chuông quả lắc trong nhà rung lên hồi báo sang giờ mới, lanh canh như cuốc xe đạp chở hoa xuân đi chợ sớm. 0 giờ. Giao thừa điểm. Năm mới đến. Điều gì đó vừa lướt qua trong tôi, những hạt mầm của một thực tại mới nảy nở trong cái hình hài vừa được cộng thêm tuổi.

Vào lúc ấy, tôi bàng hoàng không biết mình đã đánh mất những gì, chưa làm được gì và đương chờ đợi gì trong vòng quay luôn hiện hữu của thời gian. Những hụt hẫng bùng lên như cỏ khô được mồi lửa rồi bị dập tắt trong cơn mưa hoài bão tuổi xuân. 

Tất cả đột ngột dừng lại, nhường chỗ cho một tiếng gà đậm giọng cất lên. Ó o kia tách những đường mưa, xé toang cái lạnh đông đặc, như một ánh lửa lóe trong trời đêm. Tiếng gà cô độc, lay động những nghĩ suy không rõ hình thù, cứ thế lan trên mặt nước đồng xâm xấp rồi từ tốn vang vọng khắp làng.

Tiếng gà ấy vừa nhịp đất trời, chắc hẳn sẽ đánh thức vầng thái dương đương ngủ sâu nhất trong đêm trừ tịch, rồi mai kia ánh nắng sẽ chiếu cho thế gian một năm đủ đầy no ấm như trong sự tích cúng gà đêm giao thừa của dân tộc Việt. Tiếng gà ấy là tín tâm, là sự biết ơn giống loài đã mang ánh sáng về cho loài người trong một đêm đen dài nhất giao thời cũ - mới.

Mâm cúng của nhiều nơi đem nguyên chú gà trống đó lên mâm lễ vật, chễm chệ như một tín cử sâu dày. Không may thay, chúng ta đã “tắt” bớt đi nhiều cơ hội gáy báo thức của bao chú gà trong đêm trừ tịch. 

Tiếng gà đã ngừng hẳn, kéo không gian trầm lắng kia lại gần. Sự tịch tĩnh sau tiếng gà gáy và nhang đèn mâm cúng kéo tôi sờ lên một tiếng gà khác của lịch sử. Đó là tiếng gà gieo vết thương lên giấc kinh kỳ, là tiếng gáy hồi thất thủ kinh đô đầy ám ảnh:

“Tháng Năm, giờ Tí, hăm ba/ Súng vang nổi dậy rạng lòa trời xanh/ Kinh thành ai nấy đều kinh/ Ôi thôi rồi giặc nổi trong thành phen ni/ Kẻ thì dắt vợ con đi/ Người thì chôn của một khi vội vàng/ Canh hai luống những bàng hoàng/ Bước qua gà gáy lịnh truyền mình hơn”.

Có những người vĩnh viễn không “bước qua gà gáy”, những chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong, những người nằm lại trong tiếng nấc của binh đao. Nhang khói lòng người thành tâm dâng niệm phận người đau thương. Tiếng gà canh hai thật khó phai trên tấm bia lịch sử của xứ đẹp và buồn.

 

Cụ Võ Liêm Sơn, người thầy tôn kính của nhiều thế hệ học trò yêu nước Trường Quốc học Huế, là chí sĩ phùng thời với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đã lấy gà để diễn cái sự làm người. Sinh thời cụ mê viết văn làm thơ và thú đá gà. Một lần cụ dẫn hai học trò là Nguyễn Chí Diễu và Nguyễn Khoa Văn đi đá gà.

Gà đá của cụ dũng mãnh, lật ngược tình thế với những đòn hiểm hạ gục đối thủ, chiến thắng trọn vẹn và nhận được số tiền thưởng khá lớn. Cụ vui vẻ mang gà về, trên đường về bảo học trò mai lên nhà thầy ăn cháo gà. Hôm sau các trò lên nhà thầy quả nhiên có món cháo gà. Các trò tưởng thầy đùa ai ngờ đó chính là con gà quán quân hôm qua.

Học trò thắc mắc thì cụ mới điềm tĩnh trả lời: “Con gà cũng như con người chỉ hay được một thời. Hóa kiếp để giữ khí tiết cho nó. Chắc chi đá thêm một trận nữa nó sẽ thắng nổi. Không khéo lại thân bại danh liệt!”.

Lời nhắc nhở của cụ Võ Liêm Sơn là bài học đắt giá cho nhân sinh, dừng phải lúc, đừng quá tham mà hại sức mình, giữ lấy huy hoàng sáng rỡ mãi như giữ lấy danh hiệu vô địch của con gà trong câu chuyện. Và điều hạnh phúc trên thế gian này là cảm thấy vừa đủ, không hơn không kém, như loài gà chẳng bao giờ gáy liên tục suốt giờ, nó chỉ nhắc khéo ta thời khắc quyết định mà thôi.

Lễ cúng hoàn tất, tôi khép cửa, trở về giường cuộn mình trong chăn ấm, thầm cầu sớm mai nắng xuân rạng rỡ trên xứ mưa ủ dột, tôi ra đường, hòa vào dòng người náo nức đón Tết con gà 2017. Hít lấy hơi thở của mùa xuân rạo rực xông khắp đất trời, tôi ôm tiếng gà đi vào giấc ngủ thầm thỉ nguyên xuân. 

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên