Các thanh niên đã bán thận và đang đợi bán thận “tập kết” ở 83 Nguyễn Sinh Cung (Huế). Ảnh cắt từ video clip “Vạch trần đường dây bán thận xuyên quốc gia” |
TS Phạm Văn Bùi - phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nguyên chủ nhiệm bộ môn thận niệu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho biết:
- VN hiện có khoảng 9 triệu người bị bệnh thận mãn tính, trong đó khoảng 1% bệnh nhân phải lọc thận nhân tạo, tương đương 90.000 người. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 15.000 bệnh nhân suy thận được điều trị, 75.000 bệnh nhân còn lại chưa được điều trị. Tuổi trung bình của bệnh nhân suy thận đang phải chạy thận nhân tạo ở VN cũng rất trẻ so với nước ngoài, chỉ trên dưới 50 tuổi.
* Thưa ông, có phải tất cả bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đều có chỉ định ghép thận?
- Trong 15.000 bệnh nhân đang phải lọc máu điều trị, không phải ai cũng có nhu cầu ghép thận vì chi phí ghép thận rất cao (250-300 triệu đồng/ca). Sau khi ghép thận, bệnh nhân còn phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Dù bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán tiền thuốc một phần thì hằng tháng cũng phải mua thêm 5-7 triệu đồng tiền thuốc để uống.
Nguyên tắc chung là nếu bệnh nhân nào có chỉ định ghép thận thì nên được ghép vì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ghép thận chắc chắn tốt hơn bệnh nhân lọc máu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù bệnh nhân có muốn ghép thận cũng không thể thực hiện được vì có nhiều bệnh kết hợp, quá lớn tuổi, có các bệnh thận chống chỉ định...
Tôi nghĩ ghép thận để kéo dài cuộc sống là nhu cầu rất lớn và chính đáng của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Sau nhiều năm lọc thận nhân tạo, đến một lúc nào đó người bệnh sẽ không thể sống được nếu không được ghép thận. Thực tế ở VN hiện nay chỉ những người có điều kiện kinh tế mới có tiền ghép thận. Tuy nhiên, ngay cả người có tiền cũng khó có thể được ghép thận do nguồn thận hiến rất ít.
* Để ngăn chặn tình trạng mua, bán thận và cứu chữa bệnh nhân suy thận, theo ông cần có giải pháp gì?
- Theo tôi, giải pháp tối ưu là vận động được nhiều người hiến tạng (thận, gan, tim, phổi) sau khi qua đời. Ở nhiều nước trên thế giới người ta lấy nội tạng của người cho chết não, chết tim (ngưng tim) hiến tặng để ghép cho người bị suy tạng. Nếu VN cũng có nhiều người tình nguyện hiến tạng khi chết não, ngưng tim thì có thể tạo một bước đột phá về ghép tạng nói chung, trong đó có ghép thận, vì có nguồn thận hiến đủ để ghép cho bệnh nhân.
Ông Phạm Văn Bùi |
* Luật pháp VN cho phép người sống hiến tạng vì mục đích nhân đạo nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng mua, bán thận?
- Thực tế việc tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời đã khó nên việc hiến tạng lúc còn sống lại càng khó hơn. Những trường hợp hiến thận, gan thật sự vì mục đích nhân đạo còn rất ít và thường là do thân nhân (cha mẹ, vợ chồng, con cái) hiến tặng cho người bệnh. Dù luật pháp nghiêm cấm và cả thế giới lên án việc mua bán tạng, nhưng không chỉ ở VN mà ở nhiều quốc gia khác cũng có tình trạng mua bán thận.
Ở một số nước, để tránh tình trạng mua bán tạng, người ta quy định ai muốn hiến tạng phải đăng ký với một bệnh viện nào đó được phép của nhà nước. Dựa trên danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng, bệnh viện này sẽ điều phối tạng hiến, theo nguyên tắc ưu tiên, chẳng hạn như: đầu tiên là cho người có nguy cơ tử vong nếu không được ghép, kế đến là người trẻ tuổi, cuối cùng mới là yếu tố tương hợp giữa người hiến và người nhận tạng.
* Ông có ý kiến thế nào về việc lấy thận của người sống ghép cho người bệnh suy thận?
- Thế giới cũng bắt đầu đặt lại vấn đề lấy thận từ người cho còn sống. Đúng là lấy thận từ người sống có ưu điểm hơn với người cho đã qua đời.
Một là người sống cho thận là người đang khỏe mạnh, chưa trải qua việc hồi sức (người bệnh chết não, ngưng tim hiến tạng thường đã qua một giai đoạn điều trị kéo dài).
Hai là việc lấy thận từ người sống được mổ theo chương trình nên có sự chuẩn bị trước chu đáo cho cả người hiến và người nhận tạng.
Ba là thận của người sống có thời gian sống tốt hơn thận lấy từ người chết não, ngưng tim.
Tuy nhiên, nhiều nước rất hạn chế lấy tạng từ người sống, như Pháp và Nhật Bản vì họ sợ đằng sau việc người sống hiến tạng có vấn đề mua bán không kiểm soát được. Cho tới nay, Nhật Bản vẫn cho phép lấy thận từ người sống nhưng với điều kiện phải chứng minh được người hiến có quan hệ nhân thân sáu đời với người nhận.
* Người cho thận sẽ sống ra sao sau khi hiến?
- Nhiều người cho đi một quả thận sau này rất dễ bị hai biến chứng làm ảnh hưởng đến quả thận còn lại của họ. Biến chứng thứ nhất là tăng huyết áp với tỉ lệ lên đến 17-40%. Biến chứng thứ hai là đạm niệu (có chất đạm trong nước tiểu, người bình thường nước tiểu không có đạm - PV). Đạm niệu nói lên quả thận còn lại đang bị tổn thương do phải làm việc quá mức và đến một ngày nào đó cũng bị suy sụp luôn. Chưa kể còn nhiều tác động bất lợi khác trên thận còn lại như môi trường, dinh dưỡng, hóa chất độc hại, lão hóa, hoặc nhiều bệnh lý khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc, béo phì, nhiễm trùng, rối loạn mỡ máu, tăng axit uric máu...
Thực tế trong danh sách người đang chờ ghép thận ở châu Âu có khá nhiều người trước đó 10-15 năm đã cho đi một quả thận.
Ngoài ra, người cho thận hiện nay ở VN dường như không được theo dõi sức khỏe sau khi chỉ còn một quả thận. Trong khi vấn đề này rất quan trọng vì không ai biết trước hậu quả của việc mất đi một quả thận gây ra cho họ như thế nào.
Ở nước ngoài, người cho thận được theo dõi, đánh giá định kỳ sức khỏe xem quả thận còn lại có vấn đề gì không, người đó có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, hút thuốc, bệnh tim mạch...) nào khác hại cho quả thận còn lại không. Nhưng người cho thận VN hiện nay sau khi rời phòng mổ lấy thận họ sống ra sao, sức khỏe thế nào, có đi khám, theo dõi sức khỏe định kỳ không thì có lẽ còn bỏ ngỏ.
Công an điều tra vụ đường dây mua bán thận xuyên quốc gia Ngày 14-9, chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc điều tra về đường dây mua bán thận xuyên quốc gia mà Tuổi Trẻ đã phản ánh. “Thanh tra Bộ Y tế cũng đã cử cán bộ đi xác minh. Bước đầu chúng tôi đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế thành lập tổ công tác để rà soát những điểm bất thường trong quá trình triển khai ghép thận tại bệnh viện, báo cáo Bộ Y tế để bộ có những quyết định tiếp theo” - ông Chính cho biết. Trả lời câu hỏi về những điểm quá dễ dãi trong quy định hiến - nhận tạng hiện nay có tạo điều kiện cho tình trạng mua bán tạng, ông Chính cho rằng về chuyên môn thì Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ rà soát xem điểm nào cần bổ sung. “Chúng tôi xác định đây là bài học đối với ngành y tế” - ông Chính nói. L.ANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận