06/08/2014 00:01 GMT+7

Vấn đề thu hồi và xử lý bóng đèn compact

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Theo chuyên gia, đèn compact có cấu tạo là ống thủy tinh, mặt trong ống có phủ lớp bột huỳnh quang với thành phần chủ yếu là hợp chất phốt pho, hơi thủy ngân và khí trơ (acgon, kripton).

Trước tiên phải khẳng định rằng, bóng đèn huỳnh quang compact ra đời đang dần thay thế cho bóng đèn sợi đốt, đã và đang tích cực góp phần làm giảm áp lực trong việc khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp điện năng, giảm phế thải độc hại và khí CO2 vào môi trường, chống lại sự biến đổi khí hậu.

Nguy hiểm khi không xử lý bóng đèn compact đúng cách

Trong trường hợp người tiêu dùng không may để bóng bị nứt và vỡ thì thủy ngân, bột phốt pho trong bóng sẽ thoát ra ngoài, điều này có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bột phốt pho, khi tiếp xúc trực tiếp với da người có thể gây bỏng phốt pho. Người bị bỏng phốt pho, nếu không vệ sinh đúng cách sẽ bị nhiễm trùng, gây lở loét hoặc hoại tử. Cùng với bột phốt pho, trong bóng đèn compact còn có thủy ngân, thủy ngân được sử dụng ở dạng nguyên tố nên dễ dàng gây độc cho người sau khi hít vào. Thủy ngân nguyên tố được hít vào sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và tập trung gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Công nghệ sản xuất bóng đèn từ trước đến giờ là sử dụng thủy ngân dạng lỏng nên hàm lượng thủy ngân nhiều gây ra những ảnh hưởng không mong muốn khi bị vỡ. Vì vậy một số doanh nghiệp trong những năm gần đây đã chuyển sang công nghệ dùng Amalgam (thủy ngân dạng rắn) thay cho thủy ngân dạng lỏng, nhờ vậy, có thể hạn chế được tối đa những tác hại này, đồng thời có thể thu gom và tái chế sản phẩm dễ dàng hơn.

Trong quá trình xử lý bóng đèn hỏng, những bộ phận có thể tái chế gồm: vỏ thủy tinh, hạt Amalgam, đuôi đèn… Tuy nhiên, chỉ có đơn vị có trách nhiệm mới được phép thu gom, tái chế. Người sử dụng không được tự ý đập vỡ bóng đèn hay tùy tiện xử lý nhằm tránh nguy cơ phát tán thủy ngân ra ngoài môi trường.

SNZjo1ej.jpg

Cần cơ sở pháp lý trong việc xử lý bóng đèn compact

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, về vấn đề thu gom chất thải nguy hại liên quan đến bóng đèn thải đạt kết quả rất thấp, việc xử lý chủ yếu thực hiện tại các cơ sở tư nhân, đối với các cơ sở hành nghề xử lý chất thải nguy hại, công suất thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng bóng đèn phát sinh…

Mặt khác, các công nghệ xử lý bóng đèn đã được cấp phép mới chỉ ở mức độ là tiền xử lý để phân tách thành các chất thải riêng biệt (thuỷ tinh, đầu bịt kim loại, bột huỳnh quang và thuỷ ngân sau khi được hấp phụ hoặc hấp thụ) để tạo thuận lợi cho các bước xử lý tiếp theo, do đó hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn môi trường rất thấp. Các chất thải sau khi phân tách được xử lý tiếp theo bằng phương pháp hóa rắn hoặc chôn lấp khi đó các chất thải này vẫn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tốn diện tích để lưu chứa. Thực tế hiện nay do các thiết bị xử lý đều có công suất bé (5-10 kg/h) nên hiệu quả thu hồi không cao. Ngoài ra, do số lượng bóng đèn huỳnh quang thải ít nên cũng là trở ngại để các doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải nguy hại nghiên cứu đầu tư các trang thiết bị có công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế bóng đèn huỳnh quang thải. Đứng trước mối lo ngại về môi trường và để ngành công nghiệp điện tử phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định cũng ban hành kèm theo danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi, xử lý. Quyết định nêu rõ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có nghĩa là phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chẳng hạn như tại điểm thu hồi thì sản phẩm thải bỏ được lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quyết định này đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm bị thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường. Việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên