![]() |
Biếm họa đăng trên tạp chí The Economist với ý nghĩa con người bằng sự hỗ trợ của máy tính đã tạo ra sự sống - Ảnh: The Economist |
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện J. Craig Venter (Mỹ), dẫn đầu là nhà di truyền học Craig Venter, đã chiết xuất thành công một tế bào vi khuẩn hoàn toàn từ một nhiễm sắc thể nhân tạo, được làm từ hóa chất tổng hợp và có “cha mẹ” là một máy vi tính. Thành công này được giới thiệu trên tạp chí khoa học Science.
Tạp chí The Economist số ra ngày 20-5 bình luận: “Trong sâu thẳm tâm hồn, con người luôn cho rằng sinh học không đơn thuần là tổng hợp những nguyên tử dịch chuyển và tương tác lẫn nhau, mà còn có một tia lửa thần thánh truyền sức sống. Do đó quả là một cú sốc khi giờ đây chính con người đã tạo ra sự sống”.
Trong xã luận của mình, báo này cũng viết: “Tạo nên sự sống từ nay không chỉ còn là đặc quyền của các thần thánh”.
Nhiều ứng dụng thực tiễn
"Bước tiến khổng lồ của khoa học và có lẽ là bước tiến vĩ đại của nhân loại" Báo The Independent (Anh) |
Báo này viết tiếp: phát minh của Viện J. Craig Venter có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều so với việc chế tạo ra quả bom hạt nhân đầu tiên. Bởi lẽ, “bom hạt nhân mang tính hủy diệt thuần túy, còn sinh học có ý nghĩa sinh dưỡng, phát triển.(...) Sinh học nhân tạo cũng hứa hẹn những điều tương tự”.
Và giới khoa học xác định nghiên cứu của Viện J. Craig Venter có vô số ứng dụng thực tiễn. Nó có thể được sử dụng để tạo ra các loại vi khuẩn đặc biệt giúp sản xuất nhiên liệu sinh học, hấp thu khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, sản xuất văcxin, các nguyên liệu thực phẩm, thành phần hóa học mới, nước sạch... Thậm chí, theo một số nhà khoa học, với công nghệ này con người có thể tạo ra các sinh vật để tồn tại trên sao Hỏa hoặc các hành tinh khác.
Báo The Independent nhận định với những tiềm năng ứng dụng phong phú, tế bào nhân tạo là "bước tiến khổng lồ của khoa học và có lẽ là bước tiến vĩ đại của nhân loại". Theo báo này, đây có thể là bước khởi đầu của một cuộc cách mạng sinh học công nghiệp toàn cầu. Giới khoa học quốc tế cũng tỏ ra phấn khích không kém.
Nhà di truyền học Philippe Marliere, đồng sáng lập Công ty Global Bioenergies, so sánh: “Cả thế giới đã bị ấn tượng. Nó giống như ngày Gutenberg in cuốn Kinh thánh đầu tiên vậy. Đúng là ông đã lấy cách làm báo của người La Mã và lấy chữ nổi của người Trung Hoa, nhưng sự phối hợp của hai kỹ thuật này đã làm thay đổi lịch sử".
Giáo sư Paul Freemont thuộc ĐH Imperial College London bình luận: “Đây là bước đột phá trong sinh học nhân tạo, dẫn tới một thời đại công nghệ sinh học mới”. Trên tạp chí khoa học Nature, nhà nghiên cứu Arthur Caplan thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ) so sánh thành công của Viện J. Craig Venter với những công trình khoa học vĩ đại của những bậc tiền bối như Galileo, Copernicus, Darwin và Einstein khi khẳng định: “Tế bào nhân tạo có lẽ đã dập tắt hoàn toàn quan điểm cho rằng để tồn tại, sự sống cần sự hỗ trợ của một thế lực hoặc quyền năng đặc biệt”.
Những nguy cơ lớn
Tuy nhiên, không ít người phản đối nghiên cứu của Viện J. Craig Venter cả về mặt khoa học lẫn đạo đức. Nhật báo L'Osservatore Romano của Vatican đã phản ứng trước việc tạo nên một tế bào sống đầu tiên từ một bộ gen tổng hợp khi tuyên bố “đó là một động cơ rất tốt nhưng không phải bản thân sự sống".
Người phát ngôn của Vatican Federico Lombardi tỏ ra thận trọng khi cho rằng cần phải chờ có thêm nhiều hiểu biết hơn nữa bởi đã từng có nhiều công trình được loan báo tương tự nhưng rồi sau một thời gian phải điều chỉnh lại. Trên báo New York Times, nhà nghiên cứu gen David Baltimore thuộc ĐH Caltech (Mỹ) cũng cho rằng nhóm nghiên cứu của Venter “không tạo ra sự sống mà chỉ bắt chước sự sống”.
Giáo sư Julian Savulescu thuộc ĐH Oxford (Anh), tiến sĩ David King thuộc Tổ chức Human Genetics Alert (Cảnh báo gen con người), Tổ chức giám sát công nghệ ETC cáo buộc các nhà nghiên cứu đã “đóng vai trò của Thượng đế” với tham vọng “kiểm soát hoàn toàn tự nhiên”, trong khi vẫn chưa thấu hiểu hết sinh học.
Biên tập viên Michael Hanlon của tạp chí Science bày tỏ lo ngại công nghệ này sẽ bị lạm dụng để tạo ra vũ khí sinh học, hoặc tồi tệ hơn là nguy cơ sinh vật nhân tạo có thể tiến hóa một cách bất thường và “hủy diệt toàn bộ mùa màng trên Trái đất, hoặc thậm chí cả con người”. Tạp chí Newsweek cũng cho rằng đây là “chiếc hộp Pandora về đạo đức sinh học” và yêu cầu chính quyền cần giám sát chặt chẽ hoạt động nghiên cứu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận