03/04/2006 05:48 GMT+7

"Uống gì bổ nấy": thật không?

LÊ ANH ĐỦ - YẾN TRINH -  NGỌC HÀ
LÊ ANH ĐỦ - YẾN TRINH -  NGỌC HÀ

TT - Mới đây một bệnh nhân tại TP.HCM "tiêu" luôn "của quí" vì uống rượu ngâm thuốc không rõ nguồn gốc. Vậy mà nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng "uống gì bổ nấy" và "dzô" tới bến.

ma2zVYg2.jpgPhóng to

Rượu ngâm các loại được bày bán tràn lan - Ảnh: L.A.Đ.

TT - Mới đây một bệnh nhân tại TP.HCM "tiêu" luôn "của quí" vì uống rượu ngâm thuốc không rõ nguồn gốc. Vậy mà nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng "uống gì bổ nấy" và "dzô" tới bến.

Uống vào là "khỏe" liền

Quán rượu dân tộc QM trên đường Lò Sũ, Hà Nội nổi tiếng trong dân nhậu bởi một loại rượu đặc sản mang chính tên quán. QM được truyền tụng như một bài thuốc ngâm bí truyền, uống vào là "khỏe" liền.

Cô nhân viên tên Hoa khẳng định chắc nịch: "Ông chủ tự nghĩ, tự pha, không thể lộ cho ai biết được!". Trải ra bàn là một thực đơn dài dằng dặc gồm gần 20 loại rượu.

Hỏi Hoa rượu nào hợp với nam, với nữ, rượu nào bổ cho trung niên, lão niên... cô cười phớ lớ: "Người chọn rượu chứ làm gì có chuyện rượu chọn người bao giờ. Tất cả rượu ngâm ở đây ai uống cũng được, trẻ già đều "sung" lên tức thời".

Tại TP.HCM, rượu ngâm hiện được bày bán khắp nơi từ lề đường đến chợ, quán ăn, nhà hàng...với "kính thưa" các loại rượu. Khu bán rượu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) mời mọc khách bằng những bảng quảng cáo bán sỉ lẻ các loại rượu thuốc gia truyền với hàng loạt những thẩu đựng thứ nước đen đen xếp trên kệ.

Trong nước đen đen ấy ngâm đủ thứ con, cây, củ, rễ. Nào là bìm bịp lông ướt rượt, rắn to bằng bắp tay cuộn tròn phùng mang, bọ cạp giơ càng, thậm chí còn có chuột non và hằm bà lằng vị thuốc.

Trong vai người mới mở quán nhậu, chúng tôi được một chủ tiệm rượu trên đường này cho biết có ba loại rượu bình dân được "ve chén" ưa nhất là Minh Mạng, chuối hột và ngọc dương.

Giá cả thì rẻ bất ngờ: chỉ 10.000đ/lít dù đã qua nhiều trung gian! Ngay cả loại ngọc dương được quảng cáo tráng dương, bổ thận cũng chỉ 15.000đ/ lít.

Khi chúng tôi thắc mắc cái bình ngâm mấy con bọ cạp trong thứ nước nhờ nhờ cùng nhiều loại rễ cây là thứ gì thì bà chủ giải thích là "ngâm với thuốc bắc, uống vô tăng cường sinh lực và trị nhức mỏi". Tuy nhiên, trong thuốc bắc ấy có vị gì thì bà trả lời kiểu phớt lờ: "Là vậy đó em!".

Bà chủ cũng không quên khoe một bình rượu đựng đến vài trăm con bửa củi đen thui: "Mua cái này về chưng. Mấy ông vô nhà hàng bán một xị 100.000đ trong khi chị bỏ sỉ 75.000đ 1,5 lít thôi". Ngoài bửa củi, hàng cao cấp của quán còn có rượu ngâm tay gấu, mật gấu, hà nàm và pín cọp. Trị giá một bình rượu ngâm này có khi từ vài chỉ đến một lượng vàng.

Cứ nghe đồn là... uống

Cách đây vài tháng, hai giáo viên đại học sau khi uống rượu bị ngộ độc và tử vong. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong năm 2005 TP có ba ca ngộ độc rượu và các hóa chất trong rượu.

Năm 2002 ở Tây nguyên cũng có vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây làm năm người chết; nhiều vụ ngộ độc tập thể làm chết nhiều người cũng đã xảy ra ở Bình Định, An Giang. Gần đây nhất, một bệnh nhân nam đã được đưa đến BV Bình Dân cấp cứu do uống quá nhiều rượu thuốc. Hậu quả là anh bị "tiêu" luôn "của quí"...

Về nguồn gốc của rượu cũng như nguyên liệu ngâm, anh chủ tiệm trên đường Triệu Quang Phục (TP.HCM) bộc bạch: "Nói chung rượu lấy tùm lum chỗ hà. Một phần do các công ty cung cấp, phần khác do tiệm ngâm".

Thế nhưng, với quan niệm "uống gì bổ đó", rượu rắn trị đau khớp do xương rắn tốt, ngọc dương bồi bổ "công lực", pín cọp sẽ "dũng mãnh" như chúa sơn lâm...nên những bình rượu không tem nhãn dồn đầy các loại động thực vật chưng nhan nhản vẫn bán chạy.

Theo các chủ tiệm, phần đông người sử dụng rượu thuốc là công chức "xịn". Nhưng hầu như đối tượng này không hiểu kỹ về đặc tính của từng loại rượu, cứ nghe kháo nhau là đến mua.

Nhớ câu chuyện của một giảng viên trường kinh tế đi công tác Phú Yên hớn hở về khoe cả phố lọ rượu ngâm cá ngựa chính hiệu. Khách quí đến là trà dư tửu hậu, tấm tắc khen giống cá ngựa đậm đà, uống vào mát đến tận ruột.

Đến khi rượu cạn, ngứa tay vớt con cá ngựa ra cắn thử thì rắn câng câng. Xem kỹ chỉ là... đồ nhựa tổng hợp được tẩm phết phẩm màu như thật. Hóa ra mọi người cũng bị cảm giác ảo đánh lừa, thấy cá ngựa là đều tin rằng... bổ!

Bác sĩ Đào Hữu Minh, khoa châm cứu dưỡng sinh Viện Y học cổ truyền dân tộc trung ương, thừa nhận ngay các bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền cũng khó phân biệt được rượu thuốc thật giả nếu chỉ nhìn qua bình. Còn người bình thường lại càng không thể nhận diện mà chỉ căn cứ... tờ giấy dán trên bình.

hW4rArrV.jpgPhóng to
"Dzô" rượu thuốc: liệu có bổ?
Không có chuyện "uống gì bổ nấy"

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng, không thể phủ nhận những giá trị của rượu thuốc trong nền y học cổ truyền. Tuy nhiên hiện nay nhiều lang băm cũng lấy cây cỏ sao tẩm, không học hành đến nơi đến chốn, hái những cây độc trên rừng ngâm rượu.

Không riêng những loại thú hay thực vật có độc, trong quá trình ngâm ủ, những cây cỏ hiền lành cũng có khi phản ứng gây ra tác dụng phụ. Hoặc rượu có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Đã có trường hợp cấp cứu do uống rượu mật gấu.

Rượu thuốc tức là dùng rượu để dẫn thuốc vào cơ thể thì rượu ấy chế dưới dạng thuốc. Nếu dùng phải do thầy thuốc cấp và hướng dẫn cách uống. Riêng những loại rượu với đủ kiểu ngâm biến tấu bán tràn lan hiện nay thì nên tránh xa.

Bác sĩ Mai khẳng định không có chuyện "ăn uống gì bổ nấy". Để tăng cường sức khỏe chớ ham tìm đồ "độc" mà chỉ cần sinh hoạt điều độ: hít thở không khí trong lành, lao động đúng mức, ăn cân đối hợp lý các chất (đạm, đường, béo, các chất khoáng, sinh tố)..."Nếu uống gì bổ nấy thì nhiều người đã biến thành... rắn, cọp, hươu, nai hết rồi!".

Theo PGS.TS Chu Quốc Trường, viện trưởng Viện Y học cổ truyền trung ương, những người khỏe mạnh, bình thường thì không nên sử dụng rượu bổ dương, dễ phản tác dụng.

Ngay trong nhóm người bị thiểu năng tình dục, rối loạn cương dương, suy giảm nồng độ và chất lượng tinh trùng, không phải đều chung một nguyên do, mà mỗi người hư suy một chỗ khác nhau: dương hư, âm hư, khí hư, hoặc có thể là khí huyết hư...Nếu cứ vô tư dùng thuốc bổ dương có tính chất ôn ấm thì hậu quả rất khó lường.

Bác sĩ Trần Hữu Vinh- trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Viện Y dược học dân tộc- cho biết: rượu thuốc tức là các dược liệu ngâm với rượu. Nếu là rượu thuốc đúng cách, có chỉ định của bác sĩ có thể phòng và trị một số loại bệnh.

Nguy hiểm nhất là hiện nay người ta sử dụng rượu thuốc như một loại thực phẩm, uống vô liều lượng. Đối với nhiều loại rượu thuốc ngâm để chữa bệnh, nếu uống quá nhiều sẽ gây triệu chứng khó chịu, bứt rứt, gây một số rối loạn giống như tình trạng lạm dụng thuốc. Đó là chưa kể có những dạng rượu thuốc chỉ sử dụng bên ngoài xoa bóp.

Riêng nói uống rượu ngâm hàng độc, đắt tiền như pín cọp, ngọc dương... để chữa bất lực thì không đúng. Có thể do sử dụng rượu cộng với yếu tố tâm lý, những người "phấn khích" trong giai đoạn đầu hiểu nhầm là do rượu ngâm phát huy tác dụng.

LÊ ANH ĐỦ - YẾN TRINH -  NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên