Phóng to |
Biểu diễn đàn Krông-Pút |
Ngay lúc đó, Thành bước tới. Dáng gầy, nhỏ nhưng duyên, cậu đi như chạy và lém lỉnh: "mời chị vào căng-tin của trường em tham quan, ở đó rất lý tưởng". Và lại chạy. 10 phút sau, Thành "cưỡi" trên chiếc xe Wave Alpha do chính mình tậu được đi ra...
Bỏ học chăn vịt và 5 năm liền đạt HS tiên tiến
Thành cầm tinh con gà (sinh năm 1981), con út trong một gia đình có 3 chị em ở xóm Hoàng Vân, xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Bố là giáo viên cấp 1 đã nghỉ hưu, còn mẹ là nông dân.
"Đường học hành của em buồn cười lắm. Từ lớp 1 đến lớp 6, lực học của em bình thường, không trội môn nào. Đây là lý do khiến em chán học và đã ở nhà một năm đi chăn vịt!", Thành kể lại.
"Nhiều người hỏi: Bố là giáo viên mà không can thiệp chuyện học hành của con cái hay sao? Tất cả mọi chuyện bố em luôn cho mấy chị em tự do phát triển sở thích. Em nói bỏ học thì bố cho nghỉ".
Vả lại, cùng lứa tuổi Thành ở quê, ít ai được học hành trọn vẹn vì trong nhận thức của người lớn ở đây, hễ đi học là tốn tiền. Chi bằng biết cộng - trừ - nhân - chia rồi học nghề đi làm kiếm tiền còn có ích hơn! Và nghề chăn vịt cũng là nghề phổ biến ở Tân Yên. Được 1 năm, Thành nghĩ: chẳng nhẽ mình cứ đi chăn vịt suốt đời? Vậy là giải nghệ sau 1 năm cầm sào đuổi vịt ra đồng.
Vào lớp 7, Thành luôn bị các bạn trong lớp cười vì nói năng không ra câu, nhưng lúc nào cũng hăng hái phát biểu. Điểm trung bình cuối năm chỉ đủ đến lên lớp 8. Nhưng bắt đầu từ đó cho đến lớp 12, cậu luôn đạt học sinh (HS) tiên tiến.
Hết học kỳ I lớp 8, Thành được giải khuyến khích thi HS giỏi môn Sinh học cấp huyện. Và cũng môn học này, lớp 9 trả lời bằng giải nhì thi HS giỏi cấp huyện. Tốt nghiệp lớp 12, đạt HS tiên tiến nhưng biết vốn tiếng Anh học tại địa phương không đủ để thi ĐH, Thành thuyết phục bố, mẹ lên tỉnh vừa kiếm tiền vừa học ôn. Năm 2001, nhận phiếu báo đậu trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) thừa 2 điểm.
Ước mơ quảng bá nhiều vùng quê nghèo...
Tự sản xuất sáo trúc bán, trong năm 2000, Thành đã kiếm được trên 1 triệu đồng dùng chi phí cho việc ôn thi ĐH.
Hết ĐH năm nhất, Thành và một người bạn cùng trường tên Sỹ tìm đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xin làm tình nguyện viên với mục đích nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh. Cùng thời gian này, buổi tối, cậu làm thêm gia sư tiếng Anh và kèm HS tiểu học để kiếm thêm tiền mua tài liệu.
Ở Bảo tàng, Thành học được rất nhiều kiến thức về lịch sử và tiềm năng của các vùng dân tộc Việt Nam. Cộng với sở thích ham tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc, sau 2 năm, Thành đã biết sử dụng đàn Krông-Pút, sáo mèo, sáo trúc... "biểu diễn" cho khách nước ngoài.
Hai năm làm thuyết minh không lương, Thành nhanh chiếm được cảm tình của rất nhiều khách nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Úc, Thụy Điển, Pháp... Không chỉ thường xuyên lui tới Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, họ còn mời Thành làm "hướng dẫn viên" đi Hạ Long, Sa Pa và những nơi Thành giới thiệu.
Trong số những người bạn nước ngoài, nhiều lắm - Thành không tính được là bao nhiêu người, có ông Scott, 41 tuổi, người Mỹ đã từng lui tới quê Thành. Cậu tâm sự: "Sau một vài lần về quê và nghe em giới thiệu về đời sống sinh hoạt nơi đây - ông Scott đã giúp thành lập "Quỹ khuyến học của xã Hoàng Vân". Quỹ do Thành đứng tên và chủ yếu là tài trợ của người nước ngoài.
Quỹ tạo thêm động lực giúp thanh thiếu niên quê Thành cố gắng trong học tập. Mức khuyến học đối với HS thi đỗ ĐH, CĐ là 1 triệu đồng/người và 500.000 đồng/người học THCN. Năm qua, đã có 9 HS được nhận học bổng, trong đó có 1 đỗ ĐH, 1 CĐ và 7 THCN.
Khi dẫn người nước ngoài đi du lịch, Thành thường đưa họ đến những vùng quê nghèo. Mục đích để họ biết nhiều hơn đời sống nơi đây và người dân có cơ hội tiếp cận với người nước ngoài để mở mang kiến thức. Thành tỏ ra như một "chuyên gia": "Để kinh tế trong nước phát triển và hội nhập thì phải đi lên từ những vùng quê nghèo..."
Ước mơ của Thành sau tốt nghiệp ĐH là được học lên cao nữa. Trước mắt, sẽ làm hướng dẫn viên du lịch. Xa hơn là có đủ điều kiện thành lập1 công ty chuyên về du lịch. Thành mong muốn được quảng bá, khai thác thêm nhiều vùng quê nghèo giới thiệu với khách nước ngoài nhiều hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận