14/02/2008 07:47 GMT+7

Úc chính thức xin lỗi người bản địa

THANH TRÚC
THANH TRÚC

TT - Buổi sáng 13-2 sẽ là thời điểm trọng đại không quên trong lòng gần nửa triệu người bản địa sống tại Úc. Sau hàng chục năm thoái thác, chính phủ nước này đã chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với người dân bản địa vì những bất công họ phải gánh chịu hơn hai thế kỷ kể từ khi người da trắng đặt chân lên Úc.

kkLCIn5e.jpgPhóng to

Thủ tướng Kevin Rudd (phải) ôm những người thuộc “Thế hệ bị đánh cắp” sau khi đọc lời xin lỗi chính thức tại Tòa nhà quốc hội ở Canberra ngày 13-2 - Ảnh: Reuters

TT - Buổi sáng 13-2 sẽ là thời điểm trọng đại không quên trong lòng gần nửa triệu người bản địa sống tại Úc. Sau hàng chục năm thoái thác, chính phủ nước này đã chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với người dân bản địa vì những bất công họ phải gánh chịu hơn hai thế kỷ kể từ khi người da trắng đặt chân lên Úc.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

"Chúng tôi xin lỗi đến những người mẹ và người cha, người chị và người anh, đến những gia đình và cộng đồng bị ly tán". Thủ tướng Kevin Rudd đã đọc lời xin lỗi dài bốn phút trước quốc hội trước sự có mặt của khoảng 100 người bản địa. Theo Reuters, dù trời đổ mưa nhưng gần 7.000 người, trong đó có gần 1.000 người bản địa, vẫn tề tựu gần tòa nhà quốc hội để theo dõi qua màn hình lớn cử chỉ hòa giải mang tính lịch sử này.

Nhiều người lặng lẽ lau nước mắt khi Thủ tướng Rudd nhắc đến "Thế hệ bị đánh cắp", những người bản địa bị tách rời khỏi gia đình khi còn bé thơ trong chiến dịch đồng hóa của chính quyền Úc giai đoạn 1910-1970. "Chúng tôi đặc biệt xin lỗi về hành động tách rời trẻ em bản địa ra khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước họ. Vì nỗi đau đớn, niềm thống khổ và sự tổn thương của những thế hệ bị đánh cắp, con cháu họ và gia đình bị bỏ lại sau lưng, chúng tôi xin lỗi". Thủ tướng Rudd khẳng định sự bất công này sẽ không bao giờ tái diễn, và lời xin lỗi chính là một phần của "quá trình hòa giải đất nước".

Động thái này đã được đông đảo người bản địa đánh giá cao. Mỗi lần ông Ruud nói "xin lỗi", những người đứng xem lại hò reo tán thưởng. "Nó làm cộng đồng thổ dân cảm thấy lần đầu tiên trong một quãng thời gian dài, thật sự là một phần của nước Úc, được toàn nước Úc đón nhận", Mark Bin Bakar - một người thuộc "Thế hệ bị đánh cắp" - chia sẻ.

Lời xin lỗi muộn màng được đưa ra 11 năm sau sự xuất hiện của một báo cáo về các chính sách đồng hóa của chính quyền Úc đối với người bản địa. Báo cáo kêu gọi có một lời xin lỗi quốc gia đến những người bị ảnh hưởng. Nhưng chính quyền bảo thủ của thủ tướng John Howard lúc bấy giờ đã bác bỏ kết luận của báo cáo này và chỉ đưa ra một tuyên bố "lấy làm tiếc". Một phần vì chính phủ Howard không muốn chịu trách nhiệm về sai lầm của các chính quyền trước gây ra, phần khác vì lo sợ nếu xin lỗi thì phải đi kèm với trả một khoản tiền bồi thường khổng lồ.

Thủ tướng Kevin Rudd tuy không đưa ra khoản tiền bồi thường nào nhưng cam kết sẽ cải thiện đời sống của người bản địa. Trong bài diễn văn dài 20 phút đọc sau khi xin lỗi, ông nêu lên những mục tiêu giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ mù chữ và chết sớm ở người bản địa trong một thập niên tới. Chính phủ cũng có kế hoạch cải thiện nhà ở cho người bản địa, công nhận họ về mặt hiến pháp là những người làm chủ nguyên thủy của nước Úc.

Hiện nay, chỉ còn khoảng 460.000 người bản địa sinh sống ở Úc, chiếm 2% dân số nước này. Đây là nhóm người chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống, có tuổi thọ trung bình kém người Úc 17 năm, ngược lại có tỉ lệ thất nghiệp, phạm tội, nghiện ngập... rất cao.

THANH TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên