U-19 Nhật Bản (áo trắng) vẫn quá mạnh so với những Tuấn Anh, Xuân Trường, Trọng Đại, Tiến Dũng của U-19 VN năm 2014 và 2016. Ảnh: AFC |
Thật vậy, hai năm trước là lứa Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng “ra ràng” và bây giờ là tuyển U-19 vừa đoạt vé dự World Cup U-20 vào năm sau tại Hàn Quốc với lực lượng tập hợp từ nhiều nguồn.
Tuy nhiên có một chuyện cần phải nói, đó là vui thì cứ vui với U-19 nhưng đừng xem đó là “cứu tinh” của bóng đá Việt. Nghĩa là U-19 bây giờ giành được quyền dự World Cup U-20 thế giới thì đừng hi vọng 5, 7 năm sau bóng đá Việt sẽ có mặt ở World Cup!
Nói vậy bởi chuyện của bóng đá trẻ đi lên đỉnh cao là một con đường hết sức khó khăn, thậm chí có khi là hai con đường khác nhau nữa kia. Thực tế đã cho thấy không ít quốc gia châu Phi rất thành công ở bóng đá trẻ U-20, nhưng rồi nhiều cầu thủ lại “biến mất” khi trưởng thành. Ngay cả các quốc gia châu Âu cũng thế. Chẳng hạn tuyển trẻ Đức vô địch U-19 châu Âu năm 2008, nhưng chỉ góp được vỏn vẹn một thủ môn dự bị cho đội tuyển quốc gia 5 năm sau đó.
Riêng với bóng đá Việt, chúng ta cần bình tĩnh để thấy rằng trong khi các tuyển thủ U-19 nhà mình đã ăn tập theo kiểu “nuôi gà chọi” từ 12 tuổi thì cầu thủ đa số các nước vẫn là học sinh đúng nghĩa. Vấn đề là bắt đầu sau U-19, U-20 họ có môi trường tốt để trưởng thành, còn với bóng đá Việt cứ tiếp tục ngụp lặn trong V-League đầy rẫy bệnh tật thì tất cả có khả năng thành công cốc!
Trở lại với câu chuyện chính: vừa qua, không ít người đặt hai đội U-19 Việt Nam hiện tại và lứa Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng... lên bàn cân để bàn xem lứa nào hay hơn. Thật sự khó nói. Ai thích thành tích đương nhiên bỏ phiếu cho đội U-19 do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt. Nhưng ai thích chơi đẹp, chơi thứ bóng đá hồn nhiên thì thích lứa Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng... hơn. Với bản thân mình, tôi thích lối chơi của lứa U-19 hai năm trước hơn. Thích không chỉ vì chơi đẹp mắt hơn, mà thích vì bóng đá trẻ cần phải chơi hồn nhiên, thiên về kỹ thuật.
Xin lấy một đối tượng là U-19 Nhật Bản để so sánh. Từ năm 2014 đến nay, U-19 Việt Nam đã có năm lần đối đầu với U-19 Nhật Bản. Lứa U-19 do ông Guillaume dẫn dắt có bốn trận thua, lần lượt là 0-7 (ở cúp tứ hùng), 2-3, 0-1 (Giải U-19 Đông Nam Á mở rộng tại Hà Nội) và 1-3 tại Giải vô địch U-19 châu Á ở Myanmar. Trận thua còn lại là 0-3 của U-19 hiện nay do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt tại bán kết U-19 châu Á 2016.
Ngoại trừ trận thua 0-7 là Nhật Bản tung ra đội hình mạnh nhất, còn lại tất cả chỉ là đội hình thiếu nhiều trụ cột của họ, nhờ vậy chúng ta mới thua nhẹ. Nhưng những trận thua dưới thời Guillaume coi thích hơn vì tinh thần tiến công vẫn bao trùm lối chơi của U-19 Việt Nam. Còn ở trận thua 0-3 mới nhất, các cầu thủ U-19 hiện nay chơi khôn hơn, tính toán nhiều hơn và cũng biết đá... xấu nhiều hơn.
Tóm lại, có thể nói ngắn gọn thế này: U-19 của Guillaume lãng mạn hơn và U-19 dưới bàn tay HLV Hoàng Anh Tuấn thực dụng hơn. Chẳng thể nói ai hay hơn hay đúng hơn. Bởi ngay sự lãng mạn của U-19 thời Guillaume chẳng phải là cái đích cuối cùng của ông ấy hay của bầu Đức. Bởi VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) đã đi chọn lấy một học viện làm nòng cốt và lực lượng của họ cũng chỉ mới đang trong quá trình hoàn thiện cầu thủ cho thì tương lai mà thôi.
Cuối cùng, điều muốn nói ở đây là vai trò chuyên môn của VFF. Hai năm trước, chúng ta trình làng một đội tuyển U-19 do Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG làm nòng cốt với tinh thần chơi đẹp là chính. Còn bây giờ, U-19 của HLV Hoàng Anh Tuấn thì tính thực dụng cao ngút trời. Vậy thật ra VFF muốn gì? Và liệu có một định hướng chiến lược nào không cho bóng đá trẻ, hay chỉ là “đụng đâu xâu đấy” mà thôi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận