10/11/2021 16:23 GMT+7

Tuyến vận tải ven biển là ưu tiên số 1 để giảm tải cho đường bộ

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang được Chính phủ nhấn mạnh là ưu tiên số 1 trong 9 hành lang vận tải thủy theo quy hoạch.

Tuyến vận tải ven biển là ưu tiên số 1 để giảm tải cho đường bộ - Ảnh 1.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đến năm 2030 - Nguồn: Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết như vậy vào chiều 10-11 tại lễ công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Theo ông Thể, trọng tâm 5 năm tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ cố gắng cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch với 9 hành lang vận tải thủy. Trong đó, hành lang vận tải ven biển (cách bờ 12km) từ Quảng Ninh đến Kiên Giang sẽ là tuyến đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa Bắc - Nam, giảm tải đường bộ và đường sắt.

"Với 1.800 phương tiện vận tải ven biển có sức chở từ 5.000 đến 23.000 tấn hoạt động dọc bờ biển sẽ tải được hàng hóa lớn thay thế cho hàng ngàn ô tô. Chính phủ nhấn mạnh đây là hành lang vận tải số 1", ông Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm đến hành lang vận tải này bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp mua tàu biển, hình thành doanh nghiệp vận tải ven biển để "cõng" hàng hóa theo chiều dài đất nước.

Ngoài tuyến vận tải ven biển, có 8 hành lang vận tải thủy quan trọng được quy hoạch gồm: 4 hành lang ở miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai); 4 hành lang ở miền Nam (TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, TP.HCM - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TP.HCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu).

Với nhu cầu vốn đầu tư vào đường thủy giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 157.533 tỉ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng), ông Thể cho biết: Bộ Giao thông vận tải sẽ huy động vốn xã hội hóa để xây các cảng nội địa kết nối với vận tải đường bộ hàng hóa xuống đường thủy. Còn nguồn vốn đầu tư công sẽ sử dụng để nâng cấp, nâng tĩnh không cầu, luồng tuyến để tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư bến cảng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 17.253km (chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh cả nước). Vận tải đường thủy có chi phí thấp và đang đảm nhận tỉ lệ luân chuyển hàng hóa trong toàn ngành giao thông ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5%, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 80%.

Thực hiện quy hoạch, giai đoạn đến 2025 sẽ tập trung đầu tư các dự án giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến chính như: cải tạo tĩnh không cầu Đuống trên hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì; kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển hành lang đường thủy nội địa và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy quốc gia trọng yếu; đầu tư các cảng thủy nội địa, gắn với các trung tâm logistics, cảng cạn.

Giai đoạn từ 2026 - 2030: đầu tư nâng cấp các tuyến vận tải thủy nội địa chính trên toàn quốc; cơ bản hoàn thành việc cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy quốc gia; đầu tư các cảng thủy nội địa trên toàn quốc.

Bố trí cảng đường thủy tại cảng biển để gom hàng thuận lợi cho hàng hải Bố trí cảng đường thủy tại cảng biển để gom hàng thuận lợi cho hàng hải

TTO - Từ kinh nghiệm của một số cảng biển, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các cảng biển bố trí cảng thủy nội địa trong cảng biển để kết nối hàng từ đường thủy thuận tiện cho hàng hải.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên