04/09/2003 07:40 GMT+7

Tuyển sinh đại học 2003: một lần nữa phải rùng mình !

NHÓM PV GIÁO DỤC thực hiện
NHÓM PV GIÁO DỤC thực hiện

TT (TPHCM) -Tuổi Trẻ vừa tập hợp và tự tổ chức thống kê kết quả tuyển sinh 2003 của 141 trường đại học trong cả nước. Kết quả một lần nữa đáng phải rùng mình, hoàn toàn trùng khớp với thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT và như năm 2002 ! Những con số trên một lần nữa khẳng định điều gì?

1k4GeucG.jpgPhóng to
(click vào để xem rõ hơn)
TT (TPHCM) -Tuổi Trẻ vừa tập hợp và tự tổ chức thống kê kết quả tuyển sinh 2003 của 141 trường đại học trong cả nước. Kết quả một lần nữa đáng phải rùng mình, hoàn toàn trùng khớp với thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT và như năm 2002 ! Những con số trên một lần nữa khẳng định điều gì?

* GS-TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH An Giang):

Tôi không ngạc nhiên...

Tôi không ngạc nhiên khi biết kết quả này. Kết quả đã phản ánh trung thực thực trạng giáo dục ở nước ta hiện nay. Đó là kết quả của khoảng thời gian dài chúng ta sống theo thành tích, luôn đặt ra và tự cho phép mình đạt được những chỉ tiêu cao nhưng chất lượng thực tế thì cấp quản lý lại không kiểm tra.

Hai năm nay, nhờ có đề thi tuyển sinh chung nên mới lòi ra thực chất vấn đề. Nhìn nhận một cách khách quan thì trình độ giáo viên của chúng ta hiện nay rất thấp và thường dạy vẹt.

Chính các trường sư phạm cũng dạy vẹt, sinh viên sư phạm học vẹt, khi ra trường thì bê nguyên xi cái mà mình đã học vẹt đó để dạy HS phổ thông. Hậu quả HS cũng học vẹt, học để nhớ chứ không phải học để hiểu. Đến khi đề thi yêu cầu thí sinh phải hiểu mới làm bài được thì kết quả thấp là điều đương nhiên.

* TS Nguyễn Cam (giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học, Viện Nghiên cứu giáo dục phía Nam, ĐH Sư phạm TP.HCM):

Một sai lầm nghiêm trọng của giáo dục phổ thông

Hiện nay ở bậc phổ thông chúng ta chưa cải cách thi cử một cách trọn vẹn dẫn đến việc dạy và học lạc hậu, học để thuộc bài và để có thể thi đậu tốt nghiệp. Giáo viên truy bài HS cho đến thuộc thì thôi, đúng ra phải để HS tự học, tự chịu trách nhiệm về việc học của mình. Đề thi ở phổ thông cũng vậy, chưa ra theo hướng hiểu - suy luận mà chỉ ra theo hướng kiến thức.

Và hậu quả là khi đề thi ĐH ra theo hướng xử lý, suy luận, không rập khuôn theo kiểu trả bài (mặc dù đề thi hiện nay chưa hoàn hảo với hướng này) và mức độ đề thi cao hơn thì HS bị hụt hẫng ngay và làm không được.

Trong khi đó việc đánh giá rất là phập phù, chưa xây dựng được một khung đánh giá, định lượng năng lực của HS một cách chính xác, mà chỉ đánh giá HS và giáo viên theo hướng tỉ lệ phần trăm. Đó cũng chính là một sai lầm nghiêm trọng của giáo dục phổ thông hiện nay.

* GS Nguyễn Cảnh Toàn:

Do cách dạy, học và thi ở phổ thông

Nguyên nhân trực tiếp của kết quả đáng thất vọng trong kỳ thi tuyển sinh không gì khác là do cách dạy - học và cách thi, trong đó trách nhiệm thuộc về cả nhà trường và người học.

Đối với nhà trường, bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông đã khiến không chỉ kết quả thi xa rời chất lượng giáo dục, mà còn khiến cả thầy và trò chạy theo thành tích, điểm số, xa rời những kiến thức cơ bản, học thụ động, thuộc lòng nhiều hơn thực hiểu.

Đối với bản thân HS, khi đi thi phần nhiều vẫn trông chờ vào ngoại lực nhiều hơn nội lực. Ngoại lực là gì: khi học thì trông dựa vào các lớp luyện thi, học thêm, là các bài mẫu, bài luyện máy móc; khi đi thi thì trông chờ vào tài liệu, các biện pháp gian lận...

Phương pháp giáo dục, cách dạy - học, thi cử, đánh giá trong nhà trường khiến HS dần dần thiếu tự tin, thiếu sự tự lực, thi cử nặng về ăn may.

* TS giáo dục (Ed.D.) Dương Thiệu Tống: So với năm 2002, không có gì khác lạ!

IuqEW9Le.jpgPhóng to
(click vào để xem rõ hơn)
So sánh với các dữ liệu của năm 2002, có thể nhận định sơ khởi như sau:

- Không có gì khác biệt giữa hai kỳ thi tuyển sinh năm 2002 và 2003. Không có bằng chứng xác nhận điểm số của thí sinh, nói chung, trong năm 2003 cao hơn năm 2002. Trong cả hai trường hợp điểm trung bình là 8 và trung vị là 7, nghĩa là dưới trung bình kỳ vọng (15/30) đến 8 điểm.

- Nếu mục tiêu của người soạn đề thi là khảo sát những khả năng cần thiết của HS để có thể theo học bậc ĐH một cách có hiệu quả thì kết quả của cả hai năm đều cho thấy đa số thí sinh (86%) chưa đạt được khả năng ấy, kể cả một số thí sinh trúng tuyển.

Như vậy sẽ đặt ra cho các trường ĐH trách nhiệm phải bổ túc kiến thức của sinh viên về các môn khoa học cơ bản để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc ĐH.

- Nếu mục tiêu của người soạn đề thi tuyển sinh ĐH cũng giống như mục tiêu của người soạn đề thi tú tài, nghĩa là chỉ khảo sát khả năng hoàn tất chương trình trung học, thì việc cần làm trước tiên là nghiên cứu tính chất khả thi của chương trình trung học hiện hành với thời lượng đã được qui định và điều kiện học tập hiện có, sau đó mới tìm hiểu và đánh giá phương pháp dạy học của giáo viên. Theo suy nghĩ của tôi, đó là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

* TS Hồ Thiệu Hùng (phó Ban Tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.HCM): Báo động về mặt quản lý

Con số trên khiến ta đặt ra hai khả năng. Khả năng thứ nhất là đề thi tuyển sinh ĐH vượt quá yêu cầu của bậc học phổ thông. Nhưng những người ra đề, những người chấm thi tuyển sinh đã xác nhận đề thi nằm trong chương trình. Như vậy chỉ còn khả năng thứ hai là kết quả thi tốt nghiệp THPT của HS không đúng thực chất. Mà không đúng thực chất có thể do các đơn vị chạy theo thành tích, chấm thi dễ dãi, nâng điểm cho học trò của mình; có thể do coi thi tốt nghiệp lỏng lẻo (trong khi coi thi ĐH chặt chẽ).

Kết quả trái ngược nhau giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH cho thấy sự chênh lệch quá lớn về mức độ nghiêm túc trong công tác coi thi, chấm thi giữa hai kỳ thi - một sự báo động về mặt quản lý của ngành giáo dục. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên công bố những con số cụ thể về tỉ lệ HS đạt điểm giỏi, khá, trung bình, yếu, kém ở hai kỳ thi của từng địa phương để dễ so sánh.

Từ bảng so sánh ấy, có thê kết luận ngay địa phương nào chạy theo thành tích, địa phương nào quản lý nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thế nhưng, việc quan trọng hơn, cần quan tâm hơn chính là tình trạng dạy đối phó theo “chiêu” ở các trường phổ thông hiện nay. Điều này đã diễn ra từ nhiều năm, công luận đã lên tiếng nhiều lần và phê phán gay gắt nhưng đến bây giờ nó vẫn tồn tại.

NHÓM PV GIÁO DỤC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên