Hoàng Nhất Giang - Ảnh: Công an cung cấp
Ngày 29-11, Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra xử lý vụ 'bảo vệ dân phố sát hại bé trai 6 tuổi' từ Công an quận Tân Phú chuyển giao.
Kết quả giám định tâm thần rất quan trọng
Theo dõi vụ việc trên báo Tuổi Trẻ Online những ngày qua, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hành vi giết người của nghi can Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, bảo vệ dân phố phường 5, quận 11) đã rõ ràng khi vô cớ đi theo và cắt cổ bé trai tử vong.
Theo luật sư Đức, để đảm bảo điều tra khách quan, diễn biến tiếp theo, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa Hoàng Nhất Giang đi giám định tầm thần. Khi đó, kết quả giám định tâm thần là rất quan trọng trong vụ án mạng.
Luật sư Đức phân tích, nếu kết quả giám định tâm thần xác định tại thời điểm thực hiện hành vi giết người, Giang bị tâm thần thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Giang. Còn về mặt dân sự, Giang trên 18 tuổi và nếu Giang bị tâm thần nên cũng không chịu trách nhiệm dân sự gì cả.
Trường hợp Giang có tiền sử tâm thần phân liệt, từng được gia đình đưa đi điều trị tâm thần thì có thể phục hồi sức khỏe, sinh hoạt bình thường.
Nếu kết quả giám định tâm thần xác định tại thời điểm gây án, Giang ý thức được hành vi của mình thì Giang sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm liên đới
Riêng về việc bảo vệ dân phố bị tâm thần phân liệt (không đủ tiêu chuẩn sức khỏe) nhưng được tuyển dụng làm bảo vệ dân phố, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trả lời về vấn đề trên, luật sư Đức khẳng định dù quy trình thông qua nhiều khâu nhưng người kí quyết định tuyển dụng (Chủ tịch UBND phường) sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Trong tình huống không xử lý hình sự Giang thì về trách nhiệm dân sự, cơ quan đã tuyển dụng bảo vệ dân phố bị tâm thần và gia đình của bảo vệ dân phố phải chịu trách nhiệm liên đới.
Khi đó gia đình của bé trai bị sát hại, có quyền yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, vật chất theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo thông tin trên báo chí, cơ quan chức năng cho rằng lúc bảo vệ dân phố gây án không nằm trong thời gian công tác, thì sao?
Với vấn đề trên, luật sư Đức cho rằng nói như vậy là "không ổn rồi" bởi Giang đang ở trụ sở chốt dân phố đi ra thực hiện hành vi giết người, sau đó quay trở lại chốt dân phố.
Luật sư Đức lập luận, nếu không phải trong thời gian công tác, sao Giang có thể ra vào trụ sở chốt dân phố đó được.
Địa điểm xuất phát thực hiện hành vi rõ ràng, chưa kể con dao gây án có phải từ chốt dân phố? Nếu không phải trong thời gian công tác thì việc tổ chức quản lý công việc của bảo vệ dân phố lại có vấn đề!
Quy trình tuyển chọn Bảo vệ dân phố
Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn cụ thể về việc Tổ chức của Bảo vệ dân phố như sau:
-Mỗi cụm dân cư được thành lập một tổ Bảo vệ dân phố. Tổ trưởng và các tổ viên tổ Bảo vệ dân phố do đại diện các hộ gia đình trong cụm dân cư bầu ra. Tùy vào tình hình đặc điểm và số lượng dân cư trên địa bàn, mỗi tổ Bảo vệ dân phố có từ 3 đến 7 tổ viên.
-Mỗi phường được thành lập một Ban Bảo vệ dân phố. Ban Bảo vệ dân phố gồm Trưởng ban, các Phó trưởng ban và các Ủy viên. Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố là tổ trưởng các tổ Bảo vệ dân phố ở các cụm dân cư. Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố do tập thể Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.
-Trưởng Công an phường có trách nhiệm tổ chức việc bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, tổ trưởng và các tổ viên Bảo vệ dân phố và đề nghị UBND phường, quyết định công nhận các chức danh trên.
-Căn cứ vào kết quả bầu cử của Ban Bảo vệ dân phố và đề nghị của Trưởng Công an phường, Chủ tịch UBND phường ra quyết định thành lập Ban Bảo vệ dân phố, công nhận Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên, các Tổ trưởng và các tổ viên Bảo vệ dân phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận