07/03/2008 07:55 GMT+7

Tùy tiện bổ sung, chỉnh sửa bản án

CHI MAI
CHI MAI

TT - Bà Nguyễn Thị Mười, ngụ P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM, vừa gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, đề nghị xem lại việc sửa chữa, bổ sung bản án một cách kỳ lạ của một thẩm phán TAND TP.HCM.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Theo bà Mười, quyết định sửa chữa bổ sung bản án của tòa gần như thay đổi toàn bộ nội dung bản án đã tuyên, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Bà Mười là đương sự trong một vụ án ly hôn, phân chia tài sản chung vợ chồng do TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm tháng 8-2007. Thẩm phán Lê Hoàng Tấn là người chủ tọa phiên tòa này. Trong phần quyết định, ngoài kết luận về nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay trong thời kỳ chung sống, về tài sản chung là căn nhà thì bản án tuyên như sau: căn nhà tại khu phố 4, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9 là tài sản chung của ông Đặng Ngọc Hải và bà Mười. Căn cứ kết quả định giá căn nhà có trị giá hơn 139 triệu đồng, chia hai mỗi người được hưởng hơn 69 triệu đồng. Ông Hải được quyền quản lý, sử dụng căn nhà này sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán.

Khi bản án có hiệu lực, bà Mười đến Cơ quan Thi hành án quận 9 để yêu cầu buộc ông Hải thanh toán cho bà 1/2 giá trị căn nhà. Trong khi quyết định thi hành án chưa được thực hiện thì mới đây bà được chấp hành viên cho biết tòa đã có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án.

Thông báo sửa chữa bản án do thẩm phán Lê Hoàng Tấn ký với nội dung: coi như ông Hải đã thanh toán xong cho bà Mười 1/2 giá trị nhà vì ông đã tự nguyện nhận trả nợ thay cho bà Mười tổng cộng 103 triệu đồng, nên được khấu trừ khoản tiền 69 triệu đáng lẽ phải trả cho bà Mười. Ông Hải được quyền quản lý, sử dụng nhà và được hợp thức hóa quyền sở hữu (nhà chưa có giấy chứng nhận) sau khi trả nợ.

Quá bức xúc vì cho rằng việc ông Hải nhận nghĩa vụ trả nợ thay cho bà là do tự nguyện, nay lại bị khấu trừ vào tiền chia tài sản, bà Mười đã khiếu nại nhiều nơi, đề nghị cơ quan thi hành án hoãn thi hành để xem xét lại nhưng không được chấp thuận.

Ông Lê Minh Tánh, trưởng Thi hành án quận 9, thừa nhận: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được một thông báo sửa đổi, bổ sung bản án một cách kỳ lạ như vậy. Thông thường khi bản án có lỗi gì đó về kỹ thuật như sai câu chữ, con số do đánh máy sai... thì tòa án có gửi văn bản sửa đổi, đính chính cho chính xác. Lần đầu tiên chúng tôi thấy có văn bản đính chính, thay đổi gần như toàn bộ nội dung quyết định của bản án như thế này".

Cũng theo ông Lê Minh Tánh, trong trường hợp này TAND TP.HCM nên kiến nghị kháng nghị bản án theo trình tự giám đốc thẩm để hủy bản án, xét xử lại cho đúng pháp luật.

Theo luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người Nghèo: Bộ luật tố tụng dân sự qui định sau khi tuyên án xong, nếu phát hiện bản án có lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì tòa được sửa chữa, bổ sung (theo điều 240).

Quá lắm trong các trường hợp có lỗi văn phạm do sơ suất trong đánh máy dẫn đến nhầm lẫn thì tòa chỉ có thể đính chính câu cú cho đúng văn phạm. Riêng về nhận định, quyết định của bản án thì về nguyên tắc tuyệt nhiên không được sửa đổi, bổ sung. Việc đính chính, sửa chữa bản án làm thay đổi nội dung quyết định đã tuyên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, phải bị kháng nghị và xử giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên