![]() |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Người mua bán nữ trang thường gặp tình trạng mua nữ trang ở tiệm này đem bán ở tiệm khác đều có chênh lệch về tuổi, trọng lượng nên bị ép giá.
Cân mỗi nơi mỗi khác
Đem chiếc nhẫn 5 phân đến một tiệm vàng tại chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM), nhân viên bán hàng đặt lên cân bảo được 4,3 phân, vàng 18K, mua với giá 430.000 đồng. Cũng chiếc nhẫn ấy đem đến một cửa hàng vàng tại chợ Thiếc (Q.11), sau một hồi cân đo, người mua nói hàm lượng vàng rất thấp, "cao nhất chỉ được khoảng 160.000 đồng, được thì em thu". Cất công đem chiếc nhẫn ấy đến một tiệm vàng khác tại chợ Hòa Bình (Q.5), cân nặng vọt lên được 4,7 phân, vàng 18K, giá mua được nới lên 470.000 đồng.
Bỏ ngỏ quản lý Quản lý thị trường TP.HCM từng ra quân kiểm tra các tiệm vàng vào cuối năm 2007, nhưng chỉ dừng lại ở việc kiểm soát cân tại các tiệm và phát hiện 80/88 cửa hàng sử dụng cân vàng không được kiểm định. Còn lại, khâu quan trọng nhất là tuổi vàng vẫn còn bị bỏ ngỏ. |
Bà Nguyễn Thị Cúc - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết hiện tại cân tỉ trọng là vật duy nhất dùng để giám định tuổi cũng như trọng lượng vàng. Tuy nhiên, chiếc cân này có thể được chủ tiệm chỉnh cho "non" hay "già” thêm một cách dễ dàng, vì nó được điều chỉnh nhờ chương trình trong máy. Do đó, nếu tỉ lệ hợp kim trong vàng không đúng với chương trình được cài sẵn trên máy thì trọng lượng đo sẽ không chính xác. Đặc biệt, vàng càng thấp tuổi (dưới 7 tuổi) thì độ chính xác của chiếc cân càng giảm. Hiện VN chưa có chuẩn cân riêng nên mỗi tiệm tự đặt ra chuẩn cân của mình, dẫn đến tình trạng kết quả cân đều khác nhau. Theo bà Cúc, việc chỉnh cân là một công nghệ và nó cũng là nguồn thu đáng kể của các tiệm vàng ngoài lợi nhuận từ chênh lệch giá và tuổi vàng.
"Độn" tuổi nữ trang
![]() |
Quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ do việc quản lý chất lượng nữ trang bị thả nổi. Ảnh: THANH ĐẠM |
Công nghệ nâng tuổi được xem là "bí quyết gia truyền". Dựa vào những bí quyết riêng, người thợ bạc sẽ gia giảm phần hội (hợp kim) khiến tuổi vàng bị hạ xuống từ vài lai đến vài tuổi mà trông vẫn bắt mắt. Thêm vào đó, với những sản phẩm làm bằng tay, tại các mối hàn thay vì sử dụng vàng đúng tuổi hoặc thấp hơn tuổi một chút, chủ tiệm có thể yêu cầu thợ bạc chỉ sử dụng vàng 2 tuổi để làm các mối nối.
Với công nghệ rút tuổi tinh vi này, một chiếc nhẫn 5 phân dễ dàng bay đứt 0,5 phân. Một người thợ bạc tiết lộ dây lắc có nhiều mắt xích, mối hàn hoặc dây chuyền là những sản phẩm dễ ăn bớt vàng nhất. Với mỗi lai vàng bị ăn bớt, người tiêu dùng bị thiệt khoảng 18.000 đồng (vàng trắng) và 14.000 đồng (vàng đỏ). Nhiều thợ bạc sống được cũng là nhờ gia công những sản phẩm này.
Thực tế, hầu hết vàng nữ trang được bày bán tại các tiệm vàng đều không ghi rõ nơi sản xuất, trong khi quy định trên mỗi sản phẩm vàng đều phải khắc nơi gia công và trọng lượng cam kết. Một chủ tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 cho biết các cửa hàng lớn đều nuôi thợ và có xưởng gia công riêng tại nhà. Sản phẩm bày bán tại tiệm hầu hết được làm từ các lò chế tác này. Cũng có cửa hàng lấy một ít sản phẩm của các công ty tên tuổi nhưng khi bán sẽ theo "tiền nào của ấy".
Riêng các tiệm vàng nhỏ đều lấy hàng từ các cơ sở gia công theo quy mô hộ gia đình có chi phí gia công rẻ hơn, đồng thời dễ dàng đặt với chất lượng theo ý của bên bán nhằm thu lợi cao hơn. Với mặt hàng vàng Ý, một người kinh doanh cho biết phần lớn đều được gia công tại VN nhưng khi vào tiệm vẫn được khoác lên mác Ý và được bán theo gam chứ không tính theo chỉ như vàng nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận