NỘI DUNG
![]() |
Không gian giao lưu giữa các nhà báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thuận Thắng |
|
Nhà báo Tố Oanh - Ảnh: Thuận Thắng |
|
Nhà báo Danh Đức - Ảnh: Thuận Thắng |
|
Nhà báo Bùi Thanh - Ảnh: Thuận Thắng |
* Chào anh Bùi Thanh. Theo anh, vì sao Tuổi Trẻ có thể gây được những đợt hoạt động có hiệu quả xã hội lớn mà những báo khác (theo cá nhân tôi suy nghĩ) không thể làm được. Đêm trắng với hành trình cùng Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Thắp sáng nhà giàn DK1... là những ví dụ như thế. (Thùy Ngọc, 32 tuổi, thuyngocbd@... )
* Theo anh, đâu là những điều kiện để tạo nên được những tuyến bài gây ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc, tạo được hiệu ứng xã hội? (Phan Thi, 40 tuổi, phanthi@... )
- Nhà báo Bùi Thanh: Chúng tôi không thể ngồi phòng máy lạnh mà “đẻ” ra những chiến dịch, những tuyến bài ấn tượng được. Người tạo ra nó chính là bạn đọc. Chính xác là như vậy. Trước đó thì tôi không nhớ rõ lắm, nhưng từ cuối năm 2002 khi tôi từ Hà Nội trở về TP.HCM làm Tổng thư ký tòa soạn, cả 3 chiến dịch truyền thông lớn năm 2003, 2004, 2005 đều xuất phát từ người đọc.
Loạt bài “Xóa bỏ ngay nạn cơm tù trên quốc lộ 1A” bắt đầu từ cú điện thoại của một bác sĩ ở Phan Thiết.
Chiến dịch “Ký tên vì công lý” và “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” đã được khơi mào bằng một email của một bạn đọc bán đồ điện ở quận 6, TP.HCM.
Và sẽ không có chiến dịch truyền thông lớn từ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nếu không có những phản hồi - mà chúng tôi hiểu đó là những đơn đặt hàng” - của nhiều bạn đọc, sau khi Tuổi Trẻ đăng nhật ký “mãi mãi tuổi 20” của anh Nguyễn Văn Thạc.
Việc còn lại là của tòa soạn. Tôi thích dùng khái niệm “tòa soạn tấn công” trong những trường hợp này: thật nhạy cảm để phát triển nhanh đề tài, mở rộng sự kiện, triển khai các nhóm thực hiện ra sao, chủ biên là ai…. Và chúng tôi không quên hàng trăm email, điện thoại của bạn đọc mỗi ngày, nói lên suy nghĩ, mong muốn, chờ đợi, góp ý, đề xuất của họ. Nó dẫn dắt chúng tôi đi suốt các chiến dịch truyền thông.
* Gửi nhà báo Trung Nghĩa. Anh được tác nghiệp trong nhiều sự kiện quốc tế, vậy anh thấy có sự khác biệt nào trong tác nghiệp giữa các sự kiện trong nước và quốc tế, cũng như sự khác nhau giữa phong cách tác nghiệp của các nhà báo quốc tế và nhà báo trong nước? (Võ Thị Quỳnh Hoa, 21 tuổi, quynhhoabaochi@... )
- Nhà báo Trung Nghĩa: Quỳnh Hoa mến, về bản chất công việc mà nói, dù sự kiện diễn ra trong hay ngoài nước thì các nhà báo đều phải cố gắng tác nghiệp hết mình để mang đến cho bạn đọc những thông tin hình ảnh trung thực, nóng hổi và hấp dẫn nhất của sự kiện.
Còn phong cách tác nghiệp giữa các nhà báo, giữa mỗi tờ báo thì có thể khác nhau do xuất thân từ môi trường văn hóa, quá trình đào tạo hay điều kiện tác nghiệp khác nhau.
Nhiều năm trước đây phóng viên Việt Nam còn thua kém đồng nghiệp nước ngoài về phương tiện tác nghiệp (ví dụ máy ảnh, máy quay, phương tiện truyền tin bài về tòa soạn), nay thì điều kiện và phương tiện đã được rút ngắn đáng kể nhờ sự tiến bộ của thời đại kỹ thuật số trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phóng viên Việt Nam có ưu điểm là linh động, chịu khó lăn xả không thua gì phóng viên quốc tế. Thậm chí thường biết “liệu cơm gắp mắm”, tiết kiệm chi phí cho cơ quan. Mỗi dịp đi tác nghiệp tại nước ngoài là cơ hội để phóng viên Việt Nam học hỏi đồng nghiệp quốc tế ở tính chuyên nghiệp trong tư duy làm báo.
* Em Trung Tuấn xin chào anh Trung Nghĩa. Nghề phóng viên mà được đi đó đi đây như anh thật thích? Vì sao anh được báo cử tham gia những sự kiện lớn như vậy? Anh có gặp sự cạnh tranh nào trong những lần được cử đi công tác vậy không?(Trung Tuấn, 21 tuổi, dotrung_tuan@...)
- Nhà báo Trung Nghĩa: Chào Trung Tuấn. Anh nghĩ điều thích nhất không phải là việc được đi đó đi đây mà là chính nhờ vào những chuyến đi đó, các phóng viên có cơ hội đóng góp cho tờ báo và độc giả của mình ở cường độ cao.
Ở báo Tuổi Trẻ, không hề có bất kỳ sự cạnh tranh nào trong việc cử phóng viên đi công tác mà chỉ có sự phân công công việc phù hợp. Hầu như tất cả phóng viên Tuổi Trẻ đều hun đúc trong mình hai điều: thái độ sẵn sàng lên đường tác nghiệp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào và bất cứ sự kiện gì; và tinh thần luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đạt hiệu quả công việc khi ở nơi xa.
Với các nhà báo, bất cứ lúc nào được làm việc ở cường độ cao nhất là lúc họ hạnh phúc nhất. Chúng tôi yêu thích công việc mình làm vì đây là một công việc đầy thú vị, hấp dẫn và cũng rất nhiều thử thách.
* Chào anh Bùi Thanh. Theo tôi được hiểu, một tuyến bài, loạt bài nào đó đến một lúc nào đó cũng phải ngừng lại... bởi quá liều lượng, có khi tạo hiệu ứng ngược. Vậy thì với loạt bài Đặng Thùy Trâm, Thắp sáng nhà giàn DK1, đâu là yếu tố để anh quyết định dừng lại ở mức độ đó thì vừa phải?(Đoàn Ngọc Quý, 45 tuổi, ngocquy.doan@)
- Nhà báo Bùi Thanh: Chắc anh cũng là nhà báo? Hình như khi hỏi, anh cũng đã có câu trả lời của mình rồi. Theo tôi, rất khó để xác định đâu là điểm dừng, liều lượng nào là vừa phải. Cuộc sống đầy bất ngờ và phong phú, chúng ta không thể áp đặt hay mặc định trước được.
Thực tế có những tuyến bài được tòa soạn triển khai khá công phu, nhưng sau đó phải kết thúc sớm, vì nó “rơi vào khoảng không”. Làm sao biết nó “rơi vào khoảng không”?
Bạn đọc! Anh có thấu hiểu bạn đọc của mình không, có “đọc được người đọc” của mình không? Nếu có, anh sẽ biết người đọc có xao động hay không, có quan tâm, có cảm nhận được những gì mà tờ báo hy vọng mang đến cho họ không? Tất cả phải được đặt trên bàn tòa soạn để có câu trả lời vào những số báo tiếp theo.
* Chào anh Bùi Thanh. Là cộng tác viên lâu năm, tôi đã chứng kiến bao thăng trầm của Tuổi Trẻ, vui thầm và buồn thầm với những vui buồn của Tuổi Trẻ. Có lẽ năm 2008 là năm mà anh phải chịu đựng nhiều khó khăn, thử thách, gai góc nhất trong cuộc đời một con người. Xin hỏi anh những giá trị sống nào đã giúp anh đứng vững và vượt lên tất cả để mình vẫn là mình? (Đỗ Thị Huỳnh Hoa, 47 tuổi, dohuynhhoa@... )
- Cám ơn sự chia sẻ của chị - một bạn đọc trung thành và luôn sẵn lòng cộng tác với Tuổi Trẻ. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi vẫn nghĩ đơn giản thế này thôi: một tờ báo như Tuổi Trẻ tồn tại không phải cho chính nó, một nhà báo làm việc không chỉ vì đồng lương hay chức vụ, mà vì những gì lớn lao hơn, những gì tốt đẹp và hữu ích cho cuộc đời này.
Trước những gì lớn lao đó, nổi khổ đau của anh trở nên hết sức nhỏ bé.
* Chào chị Hoài Nam. Lâu nay ít được đọc những bài viết của chị. Bất ngờ lại thấy giới thiệu chị giao lưu trực tuyến. Chị có thể cho biết mình đang làm gì, ở đâu không? Chị có đang thầm lặng chuẩn bị cho một hành trình nào khác tương tự hành trình Everest? (Lê Tú Quỳnh, 20 tuổi, tuquynh@... )
- Nhà báo Hoài Nam: Cảm ơn về câu hỏi của bạn Tú Quỳnh. Hoài Nam cũng rất bất ngờ khi nhận được lời mời giao lưu trực tuyến cùng với bạn đọc của Tuổi Trẻ Online nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.
Hiện tại Hoài Nam đang "dùi mài kinh sử" cho ước mơ sẽ hoàn thành chuyên ngành thạc sĩ về báo chí tại Mỹ. Everest là hành trình với nhiều kỷ niệm về nghề cũng như cuộc sống mà Hoài Nam may mắn có được.
Nhưng vốn dĩ cuộc sống nhiều thử thách và đầy bất ngờ, không nói trước được, nếu có cơ hội tham dự một hành trình thú vị khác như Everest, Hoài Nam chẳng ngại ngần đăng ký ngay, còn nhiệm vụ bây giờ chỉ chuyên tâm học hành thôi...
PV Hoài Nam viết bài cho Tuổi Trẻ từ Everest |
|
PV My Lăng đang tác nghiệp tại DK 1 |
![]() |
PV Trung Nghĩa tại World Cup 2010 |
* Chào chị Tố Oanh. Trong quá trình tham gia thực hiện chương trình "Ước mơ của Thúy", có lúc nào chị gặp phải những chuyện không vui không? Một kỷ niệm sâu sắc nhất của chị với Thúy, với chương trình Ước mơ của Thúy? (Đông Kháng, 27 tuổi, dong khang@... )
- Nhà báo Tố Oanh: Thân chào Đông Kháng! Chuyện không vui trong quá trình gắn bó với "Ước mơ của Thúy" thỉnh thoảng vẫn có, nhưng mình luôn xem nó thật nhỏ và cảm xúc buồn qua nhanh. Thúy để lại trong mình một ấn tượng mạnh về tinh thần sống từ buổi gặp mặt đầu tiên cho đến tận giây phút cuối cùng Thúy ra đi.
Nắm chặt tay mình trước lúc chìm vào hôn mê sâu, Thúy nói: "Chúc chương trình Ước mơ của Thúy thành công". Đó không chỉ là lời dặn dò mà còn là niềm mong mỏi của Thúy gửi gắm lại. Và trong tất cả mọi hoạt động của chương trình "Ước mơ của Thúy", câu nói này của Thúy chính là động lực cho mình cùng các bạn tình nguyện chăm chút thực hiện.
* Xin được hỏi thêm anh Bùi Thanh. Lâu rồi, tôi ít khi được đọc những bài viết ở mục Thời sự suy nghĩ của Tuổi Trẻ ký tên Bùi Thanh. Có phải anh đã thay đổi công việc, hay thời sự với anh, bây giờ không còn gì đáng để suy nghĩ nữa? (Đoàn Ngọc Quý, 45 tuổi, ngocquy.doan@... )
- Nhà báo Bùi Thanh: Trước đây tôi cũng chỉ thỉnh thoảng viết cho mục Thời sự & suy nghĩ thôi, chứ không thường xuyên. Bây giờ, đúng là công việc của tôi có thay đổi, nhưng tôi vẫn là một nhà báo.
Đối với một nhà báo mà “thời sự không còn gì đáng suy nghĩ nữa”, thì nhà báo ấy coi như đã “chết” trong lòng độc giả. Tôi hy vọng là mình vẫn đang sống.
* Gửi anh Trung Nghĩa: Trong những sự kiện mà anh từng tham gia, đâu là sự kiện anh nhớ nhất? Vì sao? Anh có dự định viết lại một cuốn sách chẳng hạn, kể về những sự kiện mình từng tham gia, những người nổi tiếng mình từng gặp không? (Thu Hường, 20 tuổi, thuhuong.le@... )
- Nhà báo Trung Nghĩa: Cám ơn câu hỏi của Hường đã giúp anh có dịp hồi tưởng lại bao lần đi tác nghiệp với rất nhiều thử thách và đầy thú vị. Thật khó chọn ra sự kiện nào là đáng nhớ nhất bởi cứ mỗi kỳ tác nghiệp lại đến một vùng đất khác, đón nhận thông tin khác, gặp gỡ những con người khác, đối diện với những thuận lợi và khó khăn khác nhau…
Thôi thì cứ như người ta ví “mối tình đầu là mối tình đẹp và khó quên nhất”, có lẽ chuyến đi tác nghiệp lần đầu tiên ở châu Âu giải bóng đá EURO 2000 là nhiều kỷ niệm đẹp nhất với anh. Kế đến là chuyến đi caravan vận động quảng bá cho du lịch Việt Nam tại các nước ASEAN tháng 2-2008 vì bên cạnh việc tác nghiệp, anh còn được dịp đóng góp vào một công việc có ý nghĩa cho quê hương.
Anh đã viết các quyển sách như Bí mật ở Cannes và Đường đến thánh đường World Cup để thuật lại những sự kiện và điều đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp, cũng như đúc kết những bài học kinh nghiệm viết báo cụ thể dành chia sẻ với các bạn sinh viên báo chí, phóng viên trẻ.
Thu Hường và các bạn có thể tìm đọc các quyển sách này (đều do Phòng xuất bản báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ ấn hành) tại các nhà sách hoặc ở ngày hội kỷ niệm 35 năm thành lập báo Tuổi Trẻ (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, 8 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) sắp tới.
* Chào My Lăng. Tôi rất tò mò khi đọc loạt bài về các cô gái ở quán bar của chị. Sau khi đăng loạt bài đó xong, chị có dịp nào gặp lại những nhân vật trong bài viết đó của mình? Chị có nghe được những thông tin gì, hay phản hồi gì từ những nhân vật đó không?(Trần Thanh Bình, 32 tuổi, thanhbinh@)
- Nhà báo My Lăng: Trước khi loạt bài khởi đăng, một số “PR” đã trở thành bạn của tôi. Có người - là quản lý PR một bar ở Phú Nhuận, người duy nhất ở thời điểm bài chưa đăng biết tôi là phóng viên thông qua một người bạn của tôi - đã giúp tôi rất nhiệt tình. Còn ở bar nơi tôi hóa thân, tôi đã có những người bạn rất dễ thương là “PR” và nam phục vụ. Chính họ là người khuyên tôi không nên quay lại bar chơi vì sợ nguy hiểm cho tôi.
Tất cả nhân vật trong bài viết tôi đều phải đổi tên và phải cân nhắc kỹ những chi tiết đưa lên báo vì muốn giữ sự bình yên cho họ. Tháng 9 này tôi sẽ dự đám cưới của một “PR”. Chúng tôi coi nhau như những người bạn thật sự. Những “PR” đọc loạt bài trên Tuổi Trẻ mà tôi biết đều nhận xét: bài viết rất thật.
Tuy nhiên, có người bảo rằng: cuộc đời của “PR” đã quá buồn rồi, sao lại còn viết làm gì? Câu nói đó làm tôi ray rứt và thấy mình chưa có một cái kết thật trọn vẹn.
* Chào chị Tố Oanh. Chị nghĩ sao về ý tưởng tổ chức một buổi triển lãm ảnh những hoạt động, con người liên quan chương trình "Ước mơ của Thúy", thậm chí là chuỗi triển lãm xuyên Việt. Sau đó, dựa vào bầu chọn của người xem, sẽ chọn ra một số tấm để bán đấu giá, gây thêm quỹ hoạt động cho chương trình. (Quý Châu, 30 tuổi, quychaupham@... )
- Nhà báo Tố Oanh: Cảm ơn bạn Quý Châu về ý tưởng rất hay. Chương trình "Ước mơ của Thúy" từng có ý tưởng tổ chức triển lãm quanh các trường học, mục tiêu đưa câu chuyện xúc động của các bé bệnh nhi ung thư và câu chuyện về tinh thần của những người tình nguyện lan rộng hơn trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Mình xin phép được ghi lại ý tưởng của bạn để phát triển trong thời gian tới.
* Chào thầy Bùi Thanh, em là sinh viên báo chí ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Em nghe các bạn nói thầy là “người của những chiến dịch truyền thông trên Tuổi Trẻ”, và hiện cũng là giảng viên thỉnh giảng của khoa. Tụi em rất muốn thầy đến nói chuyện về việc tìm kiếm ý tưởng và thực hiện các chiến dịch ấn tượng đó, thầy đồng ý chứ? Ngoài ra, em có ý định thực hiện đề tài nghiên cứu về “những chiến dịch trên Tuổi Trẻ”, thầy có thể giúp em không? (Minh Tuấn, 21 tuổi, trung82@... )
- Nhà báo Bùi Thanh: Chào em, anh không nghĩ mình là "người của những chiến dịch trên Tuổi Trẻ" đâu. Để có được những ý tưởng, phát triển sự kiện thành một chiến dịch lớn là cả một tập thể, thậm chí cả cơ quan báo Tuổi Trẻ vào cuộc, như trong chiến dịch "Ký tên vì công lý" và "Góp tay xoa dịu nổi đau da cam".
Nhưng là người trong cuộc, anh hiểu rất rõ "hậu trường" của những chiến dịch truyền thông đáng nhớ của Tuổi Trẻ trong gần 10 năm gần đây. Dĩ nhiên là anh sẽ sẳn lòng đến trò chuyện với các bạn sinh viên báo chí nếu khoa có đề nghị.
Đề tài nghiên cứu? Hay đấy! Các anh chị ở Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ em việc này. Theo anh biết, cũng đã có một luận văn tốt nghiệp cao cấp chính trị với đề tài "những chiến dịch truyền thông trên Tuổi Trẻ".
* Chị Hoài Nam thân. Qua chị, tôi muốn hỏi thăm về ba chàng trai đã cùng chị leo Everest, hiện nay họ đang làm gì? Và hình như sau hành trình chinh phục Everest đó, không thấy Việt Nam chúng ta có thêm một đoàn leo núi nào tiếp tục hành trình xưa, cũng như bắt đầu một đợt thám hiểm, chinh phục nào mới? Chị nghĩ sao về điều này?
- Nhà báo Hoài Nam: Chào bạn. Ba chàng trai Everest Bùi Văn Ngợi và Phan Thanh Nhiên đã tốt nghiệp Đại học, anh Nguyễn Mậu Linh thì đang làm huấn luyện viên boxing. Một điều bất ngờ là cả ba hiện đang cộng tác với vai trò hướng dẫn viên cho một công ty du lịch.
Có thể nói việc thực hiện chương trình truyền hình thực tế Chinh phục đỉnh Everest năm 2008 của đài truyền hình TP.HCM và công ty Lasta phối hợp thực hiện là một sự mạo hiểm khi kinh phí đầu tư cho chương trình trong suốt một năm trời là khá lớn, và đây lại là chuyến đi đầu tiên đối với Việt Nam.
Điều may mắn là các bạn trẻ Việt Nam đã làm được điều đó, trở thành những người VN đầu tiên đặt chân lên nóc nhà thế giới. Chính vì thế, chương trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Trong thời điểm này để đầu tư lại một chương trình truyền hình thực tế như Hành trình chinh phục Everest 2008, e cũng khó thực hiện, bởi các lí do:
1. Tình hình kinh tế đang suy thoái nên nhà đài cũng như các công ty sản xuất rất khó tìm nhà tài trợ.
2. Không là "lần thứ nhất" chinh phục Everest nữa nên sự mới mẻ, hấp dẫn cũng giảm đi phầ nào.
Tuy nhiên, cuộc sống vốn nhiều bất ngờ. Và các bạn trẻ Việt Nam chúng ta luôn sống với ý chí mãnh liệt, luôn luôn khát khao khám phá thì cớ sao lại không tin rằng nay mai sẽ có thêm một đoàn thám hiểm Việt Nam sẽ chinh phục Everest!
* Anh Trung Nghĩa thân mến. Trong những lần tham gia đưa tin, viết bài các sự kiện lớn như vậy, khó khăn nhất lúc tác nghiệp của anh là gì? Như vừa qua, tại Nam Phi, tình hình an ninh khá bất ổn, anh đã làm gì để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, vừa có thể bảo đảm tin bài cho bạn đọc được đọc? (Nguyễn Lê Xuân Quỳ, 31 tuổi, xuanquy_dn@)
- Nhà báo Trung Nghĩa: Khó khăn nhất ở mọi lần tác nghiệp, có lẽ là làm thế nào để tìm ra được những đề tài hay lạ, phát hiện riêng biệt… để viết, đồng thời duy trì phong độ tác nghiệp hợp lý trong thời gian dài ngày (ví dụ như thời gian tác nghiệp ở World Cup là suốt một tháng rưỡi “ăn dầm nằm dề” ở xứ người).
Trong chuyến tác nghiệp ở World Cup tại Nam Phi vừa qua, quả thật tôi và các đồng nghiệp không khỏi bất an trước khi đến đất nước này.
Ngay cả khi tác nghiệp trong sự cẩn thận tối đa thì bản thân tôi cũng không may bị kẻ gian lấy mất đồ nghề máy ảnh trên đường từ thành phố Durban (nơi diễn ra trận bán kết Đức - Tây Ban Nha) trở về lại Johannesburg.
Tuy vậy, những khó khăn trở ngại có thể khiến bạn tốn thêm nhiều thời gian và công sức chứ không thể làm giảm đi nhiệt huyết và trách nhiệm. Mỗi khi tìm được đề tài thú vị, suy nghĩ tới cột trang báo đang chờ bài bạn gửi về, nghĩ tới bạn đọc sớm mai đang chờ đọc tờ báo mới có những thông tin nóng hổi từ phương xa, bạn sẽ có tinh thần tự động viên chính mình vượt qua khó khăn trên dặm đường tác nghiệp.
* Lý do nào khiến My Lăng muốn viết về các cô gái làm nghề "PR" trong quán bar, vũ trường? My Lăng đã mất bao lâu để thâm nhập thực tế? Bạn có bạn bè hoặc đồng nghiệp có những cách thức nào đó để bảo vệ bạn phòng trường hợp ngoài mong muốn xảy ra? (Phan Kim Sông Thu, 25 tuổi, autumn208@... ).
- Nhà báo My Lăng: Chào Phan Kim Sông Thu. Mình khá ấn tượng về tên của bạn đấy. Nó làm mình hơi tò mò và muốn biết tại sao lại tên “Sông Thu”, ngoài ý nghĩa đơn thuần là “dòng sông mùa thu”?
Khi quyết định viết về “Phận kiều nữ”, mình đặt ra nhiều câu hỏi. Và hóa thân làm “PR” chính là cách đi tìm câu trả lời chân thật nhất, đầy đủ nhất. Khi trao đổi với "sếp", "sếp" và mình đều thống nhất: loạt bài sẽ mang đến cái nhìn đúng đắn hơn, khách quan hơn và công bằng hơn về những cô gái làm nghề “PR”, về bar, vũ trường. 21 ngày làm “PR” - dù chưa phải là nhiều - nhưng cũng đã mang đến cho mình những cảm nhận, nhìn nhận sâu sắc hơn về môi trường này.
Trước khi hóa thân, mình đã đi một số bar, vũ trường chơi; gặp nhiều người hay đi chơi bar để lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Họ cũng chỉ cho mình cách chống say (ăn bơ trước khi vô bar làm)... Tòa soạn và ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất quan tâm và thường xuyên hỏi thăm tình hình tác nghiệp. Trưởng ban và một số anh phóng viên không yên tâm nên có lần còn vào bar để quan sát “tình hình” và coi cách mình tác nghiệp.
Anh Cù Mai Công - người thầy đầu tiên của mình trong nghề báo – đã thức trắng những đêm mình đi tác nghiệp. Anh ấy không dám ngủ mà cứ dán chặt mắt vào điện thoại vì sợ trong những tình huống nguy cấp nào đó mình sẽ gọi tới cầu cứu. Còn các anh chị trong ban Phóng sự & Ký sự nhiều lần đề nghị mình phải có người hỗ trợ, bảo vệ (đóng vai khách, ngày nào cũng vào bar hoặc đóng vai xe ôm chở mình mỗi đêm về).
Dù chưa phải dùng đến những cách thức bảo vệ ấy nhưng sự ủng hộ, quan tâm của tòa soạn, ban biên tập và các anh chị đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực cho mình. Cũng có không ít tình huống bất ngờ xảy ra nhưng may mắn là mình đã xử sự một cách hợp lý nhất.
* Chào chị My Lăng. Em đọc những bài viết của chị được giới thiệu ở đây và cảm thấy ấn tượng hơn với những bài viết của chị về tình yêu. Chị thích loạt bài Phận kiều nữ hơn hay là những bài viết về tình yêu hơn? (Phan Lê Anh Đào, 21 tuổi, anhle@... )
- Nhà báo My Lăng: Chào Anh Đào. Chị lớn hơn em 3 tuổi nên xưng hô chị em cho thoải mái nhé. Anh Đào ạ, khi viết ra một bài báo, chị đều coi nó như một “đứa con” của mình: nâng niu, chăm chút và dành nhiều thời gian nghĩ về nó sao cho thể hiện một cách tốt nhất.
Mỗi bài viết đều mang đến cho chị những cảm xúc riêng. Những bài viết về tình yêu làm chị thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, dễ thương hơn. Còn loạt bài “Phận kiều nữ” lại mang đến cho chị những trải nghiệm thú vị khi được làm một người khác, khi được sống trong một môi trường khá đặc biệt mà mỗi ngày lại là một diễn biến với những tình huống bất ngờ luôn luôn có thể xảy ra.
Điều quan trọng nhất, thời gian hóa thân để thực hiện loạt bài “Phận kiều nữ” đã cho chị có cái nhìn khách quan hơn, sâu sắc hơn về những cô gái làm “PR”. Đặc biệt, chị đã có những tình bạn rất đáng trân trọng từ “PR”, phục vụ và cả khách.
* Thưa anh Danh Đưc. Cho đến nay, anh có dịp nào trở lại Guyane nữa không? Anh có nghĩ, với lịch sử nhiều thăng trầm của người Việt, còn nhiều nơi sẽ có những số phận người Việt như ở Guyane? (Lâm Quang Thanh Bình, 40 tuổi, thanhbinh20lam@... )
* Lý do nào, hoàn cảnh nào đã đưa anh đến Guyane, để sau đó có được loạt bài gây xúc động đó. Anh nghĩ rằng, chúng ta còn nên làm gì nữa để tưởng nhớ những người Việt xấu số đó? (Văn Tiến Sơn, 38 tuổi, tienson@... )
* Thưa anh Danh Đức. Nhìn tấm hình anh chống gậy đi trong rừng, và sau đó đọc những dòng chữ anh viết về Nhà lao An Nam ở Guyane, tôi rất xúc động. Cảm xúc của anh khi viết loạt bài đó? Anh có tin rằng, mình sẽ truyền được cảm xúc ấy đến bạn đọc? Và nếu nghĩ về loạt bài đó, đâu là điều đến giờ vẫn còn đọng lại trong anh? (Nguyễn Văn Soạn, 35 tuổi, soanvan2412@... )
- Nhà báo Danh Đức: Tôi xin trả lời chung về chuyến đi Guyane để làm rõ câu chuyện. Tôi không phải là phóng viên được cử đi đưa tin phóng vệ tinh Vinasat. Chỉ tình cờ đọc báo thấy tin Vinasat sẽ phóng ở French Guyana tôi mới... bực mình và nghĩ:
+ French Guyana (tiếng Anh trên tất cả các bản tin) thật ra là tỉnh Guyane của Pháp. Nếu các báo khi loan tin vệ tinh Vinasat và French Guyana, chịu khó tra từ điển thì sẽ biết ở cái tỉnh Guyane hải ngoại đó của Pháp có cái nhà lao An Nam, và sẽ tìm đến nhà lao đó thay vì chỉ qua ngó cái vệ tinh Vinasat do Mỹ sản xuất và do Pháp phóng lên!.
+ Vì những lý do trên, tôi bèn xin đi sang Guyane, vì tôi biết rằng ở đó có cái nhà lao rêu xanh đó trong khi ở Pháp vẫn có một cái đền thờ các Lính Tập An Nam đã "hi sinh cho mẫu quốc Pháp trong thế chiến thứ nhất" rất là hoành tráng do vua Khải Định ra lệnh dựng và khánh thành năm 1920 ở Vincennes. Trong khi đó các người bị lưu đày ở Guyane cũng là Lính Tập An Nam, do khởi nghĩa Yên Bái chống thực
+ Trước 2 hoàn cảnh đó tôi mới tức cảnh sinh tình ra câu thơ "con cóc" sau:
Cũng phường Lính Tập cho TâyXả thân vì chủ, lăng được dựngNổi lên diệt giặc, mãi vô danh!
Từ câu thơ "con cóc", tôi xin đi sang Guyane tìm đến cái nhà lao bị bỏ phế đó để làm cái nhiệm vụ của kẻ hậu sinh. Tháng 11 sau đó tôi có dịp quay trở lại Guyane, và cùng với con cháu các tù nhân gốc Việt trở lại nhà lao để chứng kiến việc các con cháu dựng bia thờ các cụ. Cũng lần đó tôi biết được mình có một người ông vào hàng ông cố ngoại tên là Đào Trọng Khôi cũng tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái, bị đày sang Guyane năm 1931, vượt ngục năm 1932 và mất tích luôn...
Những gì còn đọng lại? Dân tộc Việt Nam là một, Tổ quốc Việt Nam là một. Thế hệ này đấu tranh chống ngoại xâm này, thế hệ kia đấu tranh chống ngoại xâm kia, đó là bản chất của lịch sử Việt Nam. Điều khiến cho dân tộc Việt Nam tiếp tục sống còn.
Trong dịp tiếp xúc với các kiều bào tháng 11 năm đó (trên 100 người), tôi đã giải thích cho con cháu các người tù đó rằng: dân tộc Việt Nam của họ là như thế cho dù tôi và họ có khác biệt về màu da và tiếng nói (họ da đen, da nâu như màu da của bên ngoại của họ - các tù nhân người Việt khi ra tù "được" lấy các cô bản xứ da đen hay da nâu nô lệ làm vợ!).
Tôi tin rằng các anh chị kiều bào ấy ở Guyane đã hiểu tại sao tôi gọi họ là các anh chị (mes soeurs et frères) khi tiếp xúc với họ.
* Gửi chị Hoài Nam và anh Trung Nghĩa. Đầu tiên chúc anh chị sức khỏe và học tập tốt. Được biết anh Trung Nghĩa là người sáng lập Radio Online và chị Hoài Nam là người gầy dựng rất thành công và tạo tiếng vang cho chương trình. Khi Radio Online đang rất được yêu mến thì cả hai anh chị đều đồng loạt đi học nước ngoài. Tại sao anh chị lại quyết định bỏ ngang sự nghiệp làm báo đang rất thành công của mình như thế? Cảm ơn anh chị rất nhiều. (Trần Văn Việt Trung, 23 tuổi, trungcantho@... )
- Nhà báo Trung Nghĩa: Cám ơn Việt Trung và các bạn đã dành thịnh tình cho chương trình Radio Online giải trí trên Tuổi Trẻ Online. Quyết định lên đường du học của tôi - sau khi đã làm việc hơn mười năm - dĩ nhiên không hề là một quyết định dễ dàng như mua một que kem, nhưng có lẽ là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi từng chọn.
Tôi muốn tặng cho mình một cơ hội và tái đầu tư cho bản thân thông qua việc học. Như doanh nhân Singapore Adam Khoo nói: “Không bao giờ là quá trễ để tập trung vào học thức”. Tôi muốn tạo ra những thay đổi cho bản thân, học hỏi những trải nghiệm mới bên trong lẫn ngoài cửa giảng đường.
Bằng cấp sẽ là cái tôi cần, nhưng chỉ là phương tiện giúp tôi vươn tới những điều xa hơn. Đó chính là có kiến thức chuyên nghiệp ở lĩnh vực gần gũi với công việc từng làm của mình, phù hợp với hoài bão và trách nhiệm sống mà tôi đã chọn. Tôi luôn có khát vọng làm mới mình với những đóng góp mới...
- Nhà báo Hoài Nam: Cảm ơn câu hỏi của Việt Trung và cảm ơn bạn đã ủng hộ Radio Online cũng như theo dõi những hoạt động của Hoài Nam và anh Trung Nghĩa. Hoài Nam đâu có “bỏ ngang” công việc làm báo đâu, chỉ là tạm dừng một thời gian để trau dồi thêm chuyên môn thôi.
Hiện tại Hoài Nam vẫn phụ trách khâu biên tập cho Radio Online hàng tuần và vẫn tác nghiệp những khi có thể.
* Chào bạn My Lăng. Chúc mừng loạt bài Phận kiều nữ đã giúp bạn được nhiều người biết đến hơn. Cá nhân bạn nhìn lại loạt bài đó, thì thấy có gì hài lòng, có gì chưa hài lòng? Bạn có nghĩ rằng những gì bạn viết chỉ là cưỡi ngựa xem hoa? (Thúy Vân, 24 tuổi, thuyvan2011986@... )
- Nhà báo My Lăng: Cảm ơn lời chúc mừng của Vân. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là loạt bài đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của rất nhiều bạn đọc. Ngay cả với những bạn còn rất trẻ (17, 18 tuổi) cũng đồng cảm với quan điểm nhân văn và góc nhìn mới của Tuổi Trẻ trong loạt bài này.
Trước khi đăng bài, tôi đã đưa bản thảo cho một số người bạn của mình là khách hay đi chơi bar và cả một quản lý PR nhờ họ góp ý. Tất cả đều nhận xét một điều làm tôi thấy nhẹ nhõm: Viết rất thật. Trước khi thực hiện hồ sơ này, tôi đã đi một số bar, vũ trường chơi để cảm nhận ban đầu. Dù biết trước có thể sẽ gặp phải những tình huống xấu, tôi vẫn quyết định xin vào bar làm “PR”.
Không thể có được những chi tiết thật nhất, đắt nhất và cái nhìn toàn diện nhất về môi trường đầy phức tạp này khi phóng viên chỉ là… khách hoặc nghe một vài “PR” kể lại.
Tôi muốn biết: sự thật sống động luôn diễn ra hàng đêm nơi hậu trường của những cô gái làm nghề PR bar như thế nào? Cuộc sống đàng sau cái hào nhoáng ở trong bar, vũ trường ra sao?... Dù chỉ hóa thân làm “PR” trong 21 ngày nhưng sau 21 ngày ấy, tôi còn có thêm một khoảng thời gian đi chơi, tham gia những việc rất đời thường với một số “PR”. Và đó chính là cơ hội giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về cuộc-sống-không-về-đêm của họ và tính cách, tâm hồn họ.
* Chị Tố Oanh thân. Tôi có một tò mò là các hoạt động của chương trình "Ước mơ của Thúy" lấy ngân sách từ đâu, từ kinh phí của báo Tuổi Trẻ hay từ bạn đọc? Mình có cách nào để bạn đọc tin rằng số tiền đóng góp được sử dụng đúng, hiệu quả? Và có cách nào để gia tăng nguồn kinh phí, thay vì chỉ xin các nhà hảo tâm? (Trâm Anh, 29 tuổi, tramanh@)
- Nhà báo Tố Oanh: Trâm Anh mến! Chương trình "Ước mơ của Thúy" được xây dựng trên tinh thần đóng góp của cộng đồng, do vậy phần lớn kinh phí hoạt động được sử dụng từ nguồn đóng góp của bạn đọc cho bệnh nhi, một số nhỏ khác từ kinh phí của báo Tuổi Trẻ. Ví dụ gần đây nhất là kinh phí báo Tuổi Trẻ đầu tư để thực hiện album "Én nhỏ tung bay" từ ước nguyện của bệnh nhi Võ Hoàng Ngân - 9 tuổi (sẽ phát hành vào ngày 28-8-2010 tại Ngày hội báo Tuổi Trẻ).
Mỗi đợt xét trao tiền hỗ trợ cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (đây là mục chi nhiều nhất), chương trình đều truyền thông trên báo Tuổi Trẻ, và trên trang blog Anna (trang blog Thúy để lại vẫn giữ làm truyền thông cho chương trình). Bên cạnh đó các hoạt động của chương trình đều được truyền thông qua đó bạn đọc đóng góp thấy được nguồn chi ra của chương trình.
Chương trình đang có kế hoạch tái bản có bổ sung tập sách "Xin hãy cho con thêm thời gian" theo phương án mạnh thường quân tài trợ tái bản, số tiền thu được từ tập sách này sẽ là nguồn kinh phí tăng thêm cho chương trình hoạt động. Chương trình luôn cố gắng sử dụng nguồn kinh phí một cách hiệu quả, đó cũng chính là mong muốn và sự tin cậy của bạn đọc khi ủng hộ cho chương trình "Ước mơ của Thúy".
* Gửi anh Bùi Thanh. Sau những thăng trầm qua vụ PMU18, anh thôi giữ chức Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhiệt huyết của anh đối với nghề báo và đất nước có bị "lung lay"? Cám ơn anh. (Cao Lương, 37 tuổi, caoluongsg@... )
- Nhà báo Bùi Thanh: Thành thật mà nói, đôi lúc tôi cảm thấy rất nặng lòng với những gì xảy ra với mình, với đồng nghiệp của mình. Nhưng, tôi yêu nghề báo, yêu Tuổi Trẻ và bạn đọc của mình. 20 năm gắn bó rồi còn gì...
Bạn biết không, trong những ngày này, ở Tuổi Trẻ thường nhắc đến bài ca "Tuổi Trẻ sôi nổi", với nhưng câu hát thế này
..."Dù sương gió tuyết rơi Dù vắng trăng sao giữa trời Kìa trái tim với tiếng ca Thúc ta nhịp chân bước đường xa"...
Tôi vẫn vậy, giống như 20 năm trước, khi đạp xe đến trụ sở báo Tuổi Trẻ ở đường Lý Chính Thắng:
..."Tôi nhớ lần đầu đến trụ sở này. Một chiếc xe đạp cà tàng tróc sơn tuột xích. Một cái túi xách cũ mèm có một cuốn sách, một gói xôi và một tờ Tuổi Trẻ Một hồ sơ dự tuyển phóng viên Và một trái tim rực lửa..."
* Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình thâm nhập và viết loạt bài Phận kiều nữ? Sau khi bài đăng, chị có lần nào quay trở lại hiện trường chưa? Theo chị, loạt bài của chị có giúp được gì những người trong cuộc - các cô gái PR - cũng như những người khác? (Trần Đình Sáu Tư, 44 tuổi, tui64@)
- Nhà báo My Lăng: Cảm ơn chú Tư. Câu hỏi của chú rất hay. My Lăng không muốn nhắc tới một số tình huống đầy bất ngờ mà mình phải xử lý mà muốn kể về lần đứng bàn với một “PR” có vẻ lạnh lùng, bất cần. Dù bị áp lực về doanh số nhưng chị đã làm tôi ngạc nhiên rồi cảm động khi không những không ép tôi uống rượu mà còn nhiều lần xin uống giúp khi tôi bị khách ép.
Chị còn chỉ cho tôi những cách nhả rượu, hất rượu xuống sàn mà khách không biết. Khi tôi giả say, xin rút ra thì chị nắm tay và bảo: “Em ráng đứng đi, lát lấy tiền bo. Tụi nó bo tươi (nhiều) lắm”. Những giây phút ấy cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình người ở cái môi trường mà cứ ngỡ chỉ biết có đồng tiền này.
Ngay từ khi kết thúc thời gian hóa thân, tôi đã nghĩ: sau này mình sẽ quay lại chơi với tư cách vừa là khách vừa là bạn. Khi tôi chia sẻ điều này với một số “PR” và nhân viên phục vụ trong bar, ai cũng khuyên tôi không nên quay lại vì sự an toàn của mình.
Trước đây, khi chưa đi bar, vũ trường mà chỉ đọc báo, cảm nhận về bar, vũ trường trong đầu tôi là nơi trác táng, ăn chơi, trụy lạc; quản lý giống như những má mì "máu lạnh" bóc lột sức lao động của “PR”. Tác giả của nhiều bài báo nhìn những cô gái làm PR bar với thái độ cay nghiệt đầy định kiến và phiến diện.
Trước khi thực hiện loạt hồ sơ này, Tuổi Trẻ đã đã xác định rõ mục đích của hồ sơ: mô tả chân thật để mang đến một cái nhìn đúng đắn hơn, khách quan hơn và công bằng hơn về môi trường này. Chúng tôi rất hạnh phúc khi rất nhiều bạn đọc đã ủng hộ, đón nhận góc nhìn mới này của Tuổi Trẻ với những cảm thông, chia sẻ về nghề PR trong bar, vũ trường.
* Tôi rất ngạc nhiên về tính chuyên nghiệp của những hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Ước mơ của Thúy". Có phải có công ty chuyên tổ chức sự kiện nào đứng đằng sau những hoạt động này không? Cho đến nay, đã có những hoạt động nào trong chương trình này được thực hiện một cách định kỳ, và do các tình nguyện viên thực hiện hoàn toàn? (Hà Văn Dũng, 32 tuổi, hadung@... )
- Nhà báo Tố Oanh: Bạn Dũng mến! Khi vào các hoạt động lớn như Ngày hội hoa hướng dương "Vì bệnh nhi ung thư" hàng năm thì có công ty sự kiện Golden hỗ trợ tổ chức, còn lại các hoạt động khác đều do lực lượng tình nguyện viên thực hiện. Mỗi bạn tình nguyện đều có một sở trường riêng và chương trình "Ước mơ của Thúy" tận dụng đúng sở trường của các bạn. Đúng người, đúng việc sẽ cho hiệu quả công việc tốt.
Một số hoạt động định kỳ của chương trình hiện có như: tình nguyện viên sinh hoạt hàng tuần với bệnh nhi tại các bệnh viện; Lớp học chữ cho bệnh nhi; Nhà hát bệnh viện; Chúc mừng sinh nhật hàng tháng; Đưa bệnh nhi đi tham quan, dã ngoại; Hiến máu giúp bệnh nhi; Tổ chức các sự kiện cho bệnh nhi trong bệnh viện vào các dịp lễ hội; Ngày hội hoa hướng dương "Vì bệnh nhi ung thư"; Hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh và đưa bệnh nhi mất có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê...
Thực tế, tất cả các hoạt động đều do tình nguyện viên thực hiện, chương trình "Ước mơ của Thúy" - báo Tuổi Trẻ chỉ đóng vai trò điều phối và kết nối.
* Xin chào anh Trung Nghĩa. Tác nghiệp nhiều sự kiện lớn, gặp gỡ, phỏng vấn được nhiều sao, anh ấn tượng với ngôi sao nào nhất? Vì sao? Xin anh có một sự so sánh giữa sao Việt và sao thế giới? (Trần Hải Sơn, 23 tuổi, haison198@)
- Nhà báo Trung Nghĩa: Hải Sơn mến, có lẽ tôi bị ấn tượng với những ngôi sao mà khi gặp gỡ ở ngoài đời, ta chợt nhận ra họ trở nên bình dị một cách lạ lùng, khác hẳn với những vai diễn hóa thân của họ trên màn ảnh hay vô vàn những lời thêu dệt “bệnh ngôi sao” trên báo lá cải. Đó là cặp Brad Pitt và Angelina Jolie thư thả chạy xe máy trên phố Sài Gòn giản dị như bao khách du lịch bụi khác; đó còn là Clint Eastwood, Nicole Kidman, Lương Triều Vỹ...
Sẽ rất dễ khập khiễng nếu tìm cách so sánh giữa sao Việt và sao quốc tế. Tôi chỉ có thể đưa ra một nhận xét rằng công nghệ giải trí và hoạt động của các nghệ sĩ quốc tế có bước phát triển cao, đặc biệt là về sự chuyên nghiệp. Ở Việt Nam thì chúng ta đang từng bước tiến tới sự chuyên nghiệp cao ấy.
* Ngoài những bài viết ký tên Danh Đức, tôi còn được đọc những bài viết bút danh Thiên Triều rất thời sự, thẳng thắn và trách nhiệm. Xin hỏi, anh có ngại đụng chạm khi viết những bài viết đó?
Hiện nay có nhiều nhà báo viết bài rất sợ đụng chạm, anh có thể lý giải giúp tôi tại sao? Và có cách nào để cái "ngại" ấy trở nên ít đi, để chúng tôi được tiếp tục đọc những bài viết "nóng bỏng" như trước đây? (D.Phước, 45 tuổi)
- Nhà báo Danh Đức: Nói đến đụng chạm hay không đụng chạm tức là nói đến quyền tự do ngôn luận. Tự do theo tôi được học, hiểu và tự cảm nhận không phải là "bánh và mật ong" từ trên trời rơi xuống như trong Cựu Ước mà dân Do Thái mấy mươi năm trời chu du trong sa mạc được ông trời "bao cấp" hằng ngày.
Tôi cũng được cha mẹ dạy rằng đừng bao giờ... "đại lãn" tức là siêu lười để mà cứ nằm chờ sung rụng. Thậm chí, sung có rụng thì cũng phải nhặt lấy mà ăn, chứ đừng đợi thiên hạ lấy hai ngón chân quặp trái sung rồi đút vào miệng "đại lãn". Cha mẹ tôi đã dạy tôi điều đó rất rõ.
Tôi được giáo dục rằng cái tư duy phê bình (critical thinking) trong đúng ý nghĩa triết học của nó chính là để đi đến sự thật chứ không phải để bài xích ai. Thành ra, nếu chỉ nghĩ đến bài xích, từ phía người góp ý đến phía người được góp ý thì sẽ không bao giờ có được những chuyển biến.
Tư duy phê bình không chỉ là vạch ra những điều ta nghĩ là sai (ta chủ quan cho là chưa đúng), mà còn là cố gắng gợi mở một vài đề xuất nào đó mà ta tạm nghĩ là đúng. Từ tư duy phê bình, lúc đó sẽ chuyển sang tư duy tích cực (positive thinking) mà cả người góp ý cũng như người nhận góp ý sẽ cảm thấy hữu ích.
Cơ bản phải tự nhủ: khi tôi góp ý phải trái, điều đó không có nghĩa là tôi đương nhiên có lý. Chẳng ai có thể nói: tôi là chân lý cả!
* Chào chị, cho en hỏi khi chị nhập vai kiều nữ ở chỗ ăn chơi thì chị có bị sự cố gì không? Nếu có chị sẽ giải quyết như thế nào? (Thanh Phong, 30 tuổi, nangsom68@... )
- Nhà báo My Lăng: Chào Thanh Phong. Cảm ơn Phong đã quan tâm đến sự an toàn của mình khi hóa thân làm "PR". “Sự cố” duy nhất có thể xảy ra là… bị lộ nhưng điều này đã không xảy ra trong gần một tháng My Lăng hóa thân làm PR ở hai bar. Tuy nhiên, có không ít tình huống bất ngờ xảy ra mà nếu không xử lý tốt thì rất dễ lộ hoặc bị say mèm.
Chẳng hạn có lần ngay trong phòng locker (phòng thay đồ và trang điểm của “PR”), một cô “PR” vốn đang là sinh viên, đột ngột hỏi mình: Chị tốt nghiệp trường nào vậy? Khi ấy mình đang đeo vòng vào tay và rất ngạc nhiên, có chút khựng lại. Khi ngẩng mặt lên nhìn, chỉ trong hai giây thôi, mình mỉm cười và từ tốn trả lời: Chị làm gì được đi học mà tốt nghiệp trường này trường nọ. Em học trường nào? Đến lượt cô bé đó khựng lại và im lặng.
Nếu lúc đó phản xạ theo đúng “thân phận” của mình thì “toi” ngay vì quản lý đang ngồi sau lưng! Khi đi xin việc, mình nói mình làm ở quán nhậu, chỉ học hết lớp 12! Tình huống đó đã rút ra cho mình một kinh nghiệm: bất kể gặp chuyện gì bất ngờ, cứ mỉm cười trước đã. Trong lúc mỉm cười, mình sẽ có thời gian nghĩ ngay ra cách xử lý tốt nhất.
* Chị Hoài Nam thân mến, em biết đến chị từ hồi chị làm những video clip đầu tiên cho Tuổi Trẻ media trong dịp Bi-Rain đến Việt Nam, sau đó là các bài viết về điện ảnh của chị. Rồi thấy chị theo đuổi hành trình Everest - một chương trình thể thao đầy dấu ấn của những người Việt trẻ, rồi lại thấy chị làm MC và biên tập cho Radio Online.
Tả xung hữu đột ở nhiều lĩnh vực như vậy nhưng lĩnh vực nào chị thấy mình quan tâm và hướng đến nhiều nhất? Nói thật là em "mê" chương trình Everest và Radio Online của chị và anh Quốc Thái! Cảm ơn chị. (Trần Quỳnh Anh, 25 tuổi, quynhanhtieuthu@...).
- Nhà báo Hoài Nam: Cảm ơn bạn Quỳnh Anh, Hoài Nam đi theo con đường báo viết từ khi mới vào nghề, tính ra cũng đã 8 năm. Rồi thì cơ duyên đẩy đưa sang lĩnh vực truyền hình, rồi báo nói (Radio Online), nói thiệt là lĩnh vực nào Hoài Nam cũng mê hết nhưng càng làm thì càng thấy mình "mặn mà duyên" với truyền hình và phát thanh.
Hướng sắp tới trong chuyên ngành mà Hoài Nam đang học là đi sâu chuyên môn lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, khi có cơ hội tác nghiệp trong lĩnh vực báo viết, Hoài Nam cũng "cương quyết" không bỏ lỡ, bởi một lĩnh vực có những đặc trưng rất riêng và đầy thú vị của nó.
* Chương trình Ước mơ của Thúy có tuyển tình nguyện viên không? Cách thức và điều kiện để tham gia chương trình này? Chương trình có dự kiến tổ chức những hoạt động ở các địa phương khác hay chỉ tập trung ở tại TP.HCM? (Hoàng Văn Quân, 21 tuổi, hoangquan_2012@... )
- Nhà báo Tố Oanh: Thân chào Quân! chương trình "Ước mơ của Thúy" chưa thực hiện việc tuyển tình nguyện viên mà là một chương trình mở để tất cả ai cũng có thể trở thành tình nguyện viên. Thực tế, bệnh viện không phải là nơi ai cũng muốn đến. Vì vậy khi một người tình nguyện đến bệnh viện để gắn bó với các bé bệnh nhi, gắn bó với chương trình là điều rất trân trọng. Bên cạnh đó còn có rất nhiều người không trực tiếp vào bệnh viện thường xuyên nhưng vẫn là những người tình nguyện hỗ trợ cho chương trình từ bên ngoài.
Tính tình nguyện ở đây không phải là tên trong danh sách, là phải có mặt thường xuyên. Do vậy tình nguyện của chương trình được chia thành tình nguyện thường xuyên và không thường xuyên hay trực tiếp và không trực tiếp. Mong muốn của chương trình là ngày càng nhiều người chung tay nâng đỡ tinh thần các bé. Làm sao ai cũng tìm thấy mình trong "Ước mơ của Thúy" và khi đó ai cũng có thể góp sức trên khả năng của mình.
Chương trình "Ước mơ của Thúy" hiện hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội, nơi các bệnh nhi ung thư cả nước tập trung về điều trị bệnh.
* Chú Danh Đức kính mến! Cháu rất muốn sau này trở thành một nhà báo giỏi như chú. Chú có thể chia sẻ cho cháu những lời khuyên không ạ? (Phan Trúc Thy Hồng, 19 tuổi, thyhongbc@... )
* Thưa nhà báo Danh Đức, tôi được đọc nhiều bài bình luận khá sắc sảo của ông về những vấn đề thời sự nóng bỏng trong nước cũng như quốc tế, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để luôn có được những bài báo hay, đầy chất thời sự như vậy? (Nguyễn Ngọc, 32 tuổi, ngocnguyen@... )
- Nhà báo Danh Đức: Phải học. Học suốt đời. Ngoại ngữ là cần thiết nhưng cũng chỉ là những công cụ để giúp ta học và hiểu sự việc.
Học như thế nào. Tôi nhớ khi còn đi học đại học, khi giáo sư dạy môn nào đó đến một chương nào đó thì tôi đi lùng khắp các thư viện để tìm về càng nhiều sách về đề tài đó càng tốt và mở các sách ra vào đúng đề tài đó. Đọc cùng một lúc đề tài đó hết sách này sang sách khác.
Bây giờ, làm báo vẫn thế trước một cái tin nếu cứ chỉ "ôm chặt" lấy Thống tấn xã, Reuters, AFP... đọc rồi dịch và tin như là... thánh kinh, thì không thể gọi là làm báo. Phải tự mình tìm lấy đề tài "nhỏ" của riêng mình trong một sự kiện riêng mình, rồi tra cứu tham khảo y hệt như đang làm một luận văn cao học.
* My Lăng thân mến! Trong quá trình thâm nhập vào các quán bar, vũ trường để tác nghiệp bạn đã gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào, bạn có thể chia sẻ với Khang và bạn đọc? My Lăng có kinh nghiệm và kỉ niệm gì trong loạt bài vừa rồi? (Nguyễn Xuân Khang, 26 tuổi, xuankhang2002@... )
- Nhà báo My Lăng: Cảm ơn sự quan tâm của Khang. Khó khăn duy nhất của mình trong 21 ngày hóa thân làm đề tài này là... sức khỏe. Mình bị đau dạ dày từ nhỏ, lại không uống được nhiều bia rượu và không chịu được lạnh (nhiệt độ trong bar khá lạnh). Mình chỉ sợ bị ép uống rượu bia, coca nhiều quá sẽ hại bao tử, bệnh đau dạ dày tái lại thì chỉ có nước nằm một đống! Rất may mình tạo được thiện cảm với nhiều "PR", với quản lý và với nhân viên phục vụ lẫn bảo vệ trong bar nên họ đều tìm cách che chở, "du di" cho mình.
Ngay cả khách vào bar chơi cũng vậy. Họ biết mình nhả rượu vào ly trà đá nhưng không giận mà luôn uống rượu giùm hoặc không ép, chỉ đứng nói chuyện một cách rất lịch sự. Có lúc My Lăng bị bạn bè của họ ép phải ôm khách, chính người khách mình tiếp đã cư xử rất đẹp: quàng tay lên vai mình rồi bỏ xuống hoặc tới nói gì đó với nhóm bạn. Một số người khách sau này trở thành bạn của mình đều khẳng định: Em quá may mắn khi không bị khách "chơi bẩn".
Với mình, tất cả những tình huống, những lần đi chơi, tham gia vào một số hoạt động đời thường của những cô gái làm "PR"... đều là những kỷ niệm, những trải nghiệm rất đáng nhớ.
Khi bài đầu tiên của loạt hồ sơ đăng trên Tuổi Trẻ, My Lăng đã gọi điện thoại cho những người khách đối xử rất tốt với mình để nói thật mình là ai và gửi lời cảm ơn họ.
* Gửi anh Bùi Thanh. Cái khó nhất của anh trong quá trình thực hiện tuyến bài Nhật ký Đặng Thùy Trâm? Kể từ sau tuyến bài đó, chúng tôi không thấy Tuổi Trẻ có thêm một đợt hoạt động nào nhằm giáo dục truyền thống của người trẻ nữa? Vậy nhật ký Đặng Thùy Trâm có phải là một tuyến bài mang tính chất may mắn của Tuổi Trẻ? (Đỗ Hữu Quang Hùng, 33 tuổi, dotran23@... )
- Nhà báo Bùi Thanh: Khó nhất là dự báo bạn đọc sẽ tiếp nhận ra sao đối với một cuốn nhật ký được trích đăng nhiều kỳ trên báo.
Thực ra, trước khi đăng nhật ký Đặng Thùy Trâm và phát triển thành một chiến dịch truyền thông, Ban biên tập có bàn về việc này. Lúc đó, chúng tôi chưa biết gì về Đặng Thùy Trâm và số phận cuốn nhật ký.
Trong cuộc họp, tôi đề xuất: để thay đổi nội dung cho mục hồ sơ nhiều kỳ, tại sao chúng ta không thử trích đăng một cuốn nhật ký nào đó. Tôi đề nghị trích đăng "Nhật ký Mã Yến", nói về số phận một cô gái trẻ Trung Quốc đương đầu với bất hạnh của mình ra sao. Nhà báo Huỳnh Sơn Phước lưu ý có một cuốn nhật ký đang được nhiều người ở Hà Nội tìm đọc.
Tôi đề nghị văn phòng Hà Nội chuyển vào ngay và tôi thức nguyên một đêm để đọc. Và nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của anh Nguyễn Văn Thạc sau đó đã được trích đăng trên Tuổi Trẻ. Nhiều phản hồi xúc động và rất lạ của bạn đọc, nhưng chúng tôi đã không lưu ý đến sự xao động đó và bỏ qua cơ hội phát triển đề tài.
Một thời gian sau, khi biết đến "nhật ký Đặng Thùy Trâm", chúng tôi đã tổ chức triển khai thác kỹ lưỡng hơn, thảo luận sâu hơn, với ý định rõ ràng hơn. Do vậy, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm không hề là một tuyến bài "may mắn" như bạn nghĩ.
* Chào chị My Lăng. Rất khâm phục chị đã dám vào những nơi phức tạp như quán bar để viết về một đề tài cũng rất chi nhạy cảm. Động lực nào khiến chị thực hiện đề tài đó, hay là chị làm theo phân công của báo? Trong quá trình thực hiện những bài viết đó chị có gặp đe dọa nào không? (Gala Di, 18 tuổi, galadi@... )
- Nhà báo My Lăng: Thật ra đề tài này trưởng ban và mình đã bàn khá lâu nhưng vì công việc nên tới cuối tháng 6 vừa rồi mình mới bắt đầu làm. Trước đó, đã có lúc mình từ chối không làm nữa vì một số lý do: sức khỏe không tốt, không uống được nhiều bia rượu. Hơn nữa, cảm nhận về bar, vũ trường của mình khi đó là một thế giới rất khủng khiếp - như nhiều bài báo phản ánh - đầy rẫy cạm bẫy, nguy hiểm, trác táng… Gia đình cũng phản đối khá gay gắt.
Khi quyết định thực hiện loạt hồ sơ này, trước khi đi xin làm "PR", mình đã đi một số bar, vũ trường chơi và gặp nhiều người hay đi bar, tìm hiểu về những tình huống xấu có thể xảy ra mà chuẩn bị tâm lý. Khi đã hóa thân làm "PR" rồi, mình không nghĩ đến những nguy hiểm rình rập, những tình huống xấu nhất nữa mà chỉ nghĩ: ráng tập trung “hóa thân” làm thật tốt công việc của mình. Nếu cứ nghĩ tới những điều không lành, sẽ rất dễ lo lắng, dao động.
Trong suốt thời gian làm “PR”, mình chưa vấp phải bất cứ sự đe dọa nào vì tất cả mọi người trong bar không biết mình là phóng viên.
* Tôi đã nhận được rất nhiều thứ khi tham gia chương trình "Ước mơ của Thúy". Và vì thế, cũng muốn hỏi chị Tố Oanh, "cây đinh" của chương trình, chị có nhận được những gì từ chương trình này? Có điều gì làm chị cảm thấy áy náy đối với chương trình, đối với những người cùng tham gia chương trình? (Tú Bình, 22 tuổi, lenguyentubinh@... )
- Nhá báo Tố Oanh: Tú Bình mến! Mình cũng như bạn, mình đã nhận được rất nhiều th
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận